Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Bảy, 21/7/2018 15:41'(GMT+7)

Việt Nam không cần và không chấp nhận đa Đảng

ĐẰNG SAU NHỮNG HOẠT ĐỘNG ĐÒI ĐA ĐẢNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY LÀ GÌ?

Đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hoà bình” và tuyên truyền phá hoại cách mạng Việt Nam, trong những năm qua, các thế lực thù địch tập trung tung ra nhiều luận điệu đòi thực hiện đa đảng đối lập. Chúng phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam không chịu đổi mới về chính trị, “không chịu thực hiện đa nguyên chính trị, giữ độc quyền lãnh đạo”(!); rằng ở Việt Nam “không có đa nguyên, đa đảng thì không bao giờ có dân chủ”(!). Chúng quy kết: “Độc tài, Đảng trị là cái gốc sai chính của nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại”(!) và khuyên rằng “Đảng chỉ nên giữ vai trò lãnh đạo chính trị, không nên và không thể lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”(!). Các thế lực thù địch đòi chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp, xoá bỏ Điều 4, hiến định về Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội.

Không chỉ dừng lại với những luận điệu trên, chúng còn thống kê, tổng hợp lại toàn bộ những sai lầm, thiếu sót cả về đường lối và chỉ đạo thực tiễn của Đảng trong quá khứ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, quản lý xã hội để minh chứng cho sự cần thiết “chấm dứt vai trò lịch sử của Đảng”(!). Chúng ra sức khai thác, lợi dụng những thiếu sót, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái biến chất, tham ô, tham nhũng, kích động nhằm tạo sự phân hóa sâu sắc trong Đảng, làm suy yếu sức mạnh khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng và giữa Đảng với nhân dân. Chúng hô hào, khuyến khích cải tổ, cải cách, đổi mới triệt để, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Trắng trợn hơn, chúng đã ra sức xây dựng, nhen nhóm các tổ chức đảng đối lập phản động, như cái gọi là “Đảng Dân chủ”, “Đảng Dân chủ xã hội”, “Đảng Dân chủ tự do Thiên chúa giáo”, “Đảng Dân chủ tự do Phật giáo”...

Đằng sau tất cả những luận điệu tuyên truyền, hoạt động chống phá ấy, đều không ngoài mục đích hàng đầu và quan trọng nhất là làm suy yếu, đi đến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, loại bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi tiến trình phát triển của dân tộc. Đó là mưu đồ hết sức thâm độc, nham hiểm và trắng trợn của các thế lực thù địch.

Ở VIỆT NAM KHÔNG CẦN VÀ KHÔNG CHẤP NHẬN CHẾ ĐỘ ĐA ĐẢNG!

Dựa trên cơ sở khoa học cả về lý luận và thực tiễn, cho phép chúng ta khẳng định dứt khoát rằng: Ở Việt Nam hiện nay không cần và không chấp nhận chế độ đa đảng!

Trước hết, dưới góc độ lý luận: Trong lịch sử, chế độ đa nguyên, đa đảng đã sớm xuất hiện vào đầu thế kỷ XVIII. Đây là thời điểm giai cấp tư sản đóng vai trò là lực lượng tiến bộ, tích cực đi tiên phong trong đấu tranh chống phong kiến, bảo vệ quyền bình đẳng của các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau, phát triển quyền tự do, dân chủ tư sản. Cơ sở lý luận cho việc thực hiện đa nguyên, đa đảng chính là chủ nghĩa đa nguyên - một trường phái triết học xã hội tư sản do nhà triết học Đức Chiristian Woiff (1679-1754) đề xuất vào đầu thế kỷ XVIII. Chủ nghĩa đa nguyên phủ định tính thống nhất của thế giới, cường điệu cái riêng; phủ nhận sự phân chia xã hội thành giai cấp, phủ nhận đấu tranh giai cấp; chủ trương xây dựng một cơ chế quản lý xã hội theo nguyên tắc đa lực lượng, đa đảng phái và các tổ chức đảng phái này quan hệ với nhau theo nguyên tắc hiệp thương. Vì vậy, đây là một học thuyết phi mácxít. Nếu áp dụng quan điểm này vào chủ nghĩa xã hội sẽ dẫn tới hạ thấp vai trò của Đảng Cộng sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân thành một tổ chức tầm thường và nguy cơ phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Như thế, chủ nghĩa đa nguyên là sản phẩm của giai cấp tư sản với thế giới quan phi khoa học, trái với chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong khi đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ vẫn mãi xác định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng. Chính điều đó đã, đang và sẽ mãi bảo đảm cho Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng chính trị duy nhất tồn tại, vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Do vậy, ở Việt Nam không cần sự tồn tại của chủ nghĩa đa nguyên - một thứ cơ sở lý luận cho việc thực hiện chế độ đa đảng.

Thứ hai, trên phương diện thực tiễn: Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử; là ý nguyện của nhân dân Việt Nam. Điều này được lịch sử minh chứng rõ ràng. Vượt lên trên tất cả những hạn chế về đường hướng, phương pháp của những phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phong trào cách mạng vô sản ở Việt Nam đã hướng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, do Nguyễn Ái Quốc truyền bá và phát triển mạnh mẽ. Đáp ứng đòi hỏi đó, trải qua quá trình được chuẩn bị chín muồi về chính trị, tư tưởng và tổ chức, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đã khẳng định lấy “chủ nghĩa Lênin làm cốt”. Đây là một tất yếu lịch sử và cũng từ đây, chấm dứt thời kỳ cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối, mở ra một thời đại mới cho lịch sử dân tộc.

Trong thời kỳ 1930 - 1945, lịch sử Việt Nam đã chứng minh, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không cần thêm bất cứ một tổ chức, đảng phái chính trị nào khác lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thắng lợi của công cuộc đấu tranh giành chính quyền mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dẫn tới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc và đi lên chủ nghĩa xã hội - đó chính là công lao to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong những năm 1945-1946, do bối cảnh tình hình chính trị diễn biến phức tạp, ở Việt Nam, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam còn tồn tại một số đảng phái đối lập như Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội..., nhưng trên thực tế, chỉ có duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng. Các đảng phái, tổ chức đối lập thời kỳ này đã không vì lợi ích quốc gia, dân tộc mà âm mưu phá hoại cách mạng, xoá bỏ chính quyền cách mạng non trẻ, nên bị chính lịch sử và nhân dân ta loại bỏ.

Trong cuộc trường chinh 30 năm (1945-1975) kháng chiến giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, một lần nữa lịch sử và nhân dân lại lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ này, bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam cũng tồn tại hai đảng khác là Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai đảng này chưa bao giờ đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, mà đều ủng hộ, thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sau này hoàn toàn tự nguyện giải tán. Cũng trong thời gian này, còn có những đảng phái thân Pháp, thân Mỹ đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và lợi ích của nhân dân lao động, nên cũng đã bị chính nhân dân ta đấu tranh loại bỏ.

Từ sau năm 1975 đến nay, nền chính trị nhất nguyên, với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng được củng cố, phát triển toàn diện, đã một lần nữa khẳng định tính tất yếu khách quan: Đảng Cộng sản Việt Nam độc tôn lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà không cần sự tồn tại của nhiều đảng. Với bản lĩnh, trí tuệ, “là đạo đức, là văn minh”, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đưa nước ta từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, vượt qua khủng hoảng gay gắt về kinh tế - xã hội, trở thành một quốc gia đang phát triển hết sức năng động. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; dân chủ xã hội chủ nghĩa được mở rộng; quốc phòng, an ninh được giữ vững; văn hoá, xã hội có nhiều bước phát triển; vị thế, uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trong khu vực và trên trường quốc tế. Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đạt được những tiêu chí cao nhất trong hoạt động chính trị của một đảng cầm quyền (dù là chế độ đa đảng hay một đảng đều phải hướng tới vấn đề cốt tử nhất), đó là: chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng, văn hoá, xã hội phát triển bền vững, an sinh xã hội được bảo đảm. Chính thực tiễn này đã khẳng định, ở Việt Nam hiện nay không cần đa đảng và cũng đúng với nhận định của đồng chí Nguyễn Phú Trọng: “Ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan phải có chế độ đa đảng, ít nhất cho đến bây giờ”(1).

Một trong những luận điệu tuyên truyền được các thế lực thù địch tập trung tung hô, cổ suý nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay là đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để “có dân chủ và phát triển”(!). Họ cho rằng: “Đa đảng là dân chủ, độc đảng là độc tài”(!); Việt Nam phải đa đảng đối lập để có dân chủ “thực sự”(!); “muốn thực sự có dân chủ cho người dân và phát triển xã hội phải thực hiện “đa nguyên, đa đảng””(!)... Chúng ta đều biết rằng, dân chủ là phạm trù lịch sử, xuất hiện khi có nhà nước và mỗi nền dân chủ phải gắn với một nhà nước nhất định, được pháp luật quy định. Dân chủ tuỳ thuộc vào sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Về điều này, C.Mác đã chỉ rõ: “Quyền không bao giờ có thể ở một mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hoá của xã hội do chế độ kinh tế xã hội đó quyết định”(2). Trên thực tế, thể chế nhất nguyên một đảng lãnh đạo hoàn toàn không đồng nghĩa với mất dân chủ, kém phát triển và dân chủ, phát triển không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng. Trên thế giới hiện nay, có không ít những nước đa đảng, nhưng vẫn mất dân chủ, vẫn là những nước nghèo, kém phát triển nhất; ngược lại, cũng có những nước chỉ một đảng lãnh đạo, nhưng dân chủ vẫn được bảo đảm, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân sung túc. Điều đó minh chứng là: đa nguyên, đa đảng không phải là cứu cánh cho dân chủ và sự phát triển, đúng như đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn”(3).

Cũng từ thực tiễn lịch sử đã cho thấy, một điều hết sức đau xót đối với cách mạng thế giới, đó là sự đổ vỡ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên bang Xôviết và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào thập niên cuối của thế kỷ XX. Đặc biệt, ở Liên Xô, dưới tác động bởi những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, cùng với sự “phản bội” của một số người trong Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đứng đầu là M.Gorbachev đã đưa tới tại Đại hội bất thường của các đại biểu nhân dân ngày 15-3-1990, quyết định xoá bỏ Điều 6 Hiến pháp Liên Xô, hiến định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bắt đầu từ điểm mốc này, đã hình thành chế độ đa đảng ở Liên Xô, với sự ra đời của vô số các tổ chức, đảng phái chính trị, đối lập cạnh tranh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, để rồi đưa tới một kết cục bi thảm: Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa được xây dựng trong hơn 70 năm hoàn toàn sụp đổ vào tháng 8-1991. Chính bài học thực tiễn đau xót này chỉ ra rằng, nếu hiện nay Việt Nam chấp nhận đa nguyên, đa đảng thì kết cục chắc chắn sẽ không khác gì như Liên Xô trước đây.

Cũng cần phải làm rõ hơn, các lập luận của những người muốn thực hiện đa đảng ở Việt Nam thường lấy “thực tiễn” ở các nước tư bản để minh chứng, dẫn tới một số người do thiếu hiểu biết nên đã ít nhiều tin vào những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, mà lầm tưởng rằng cứ nhiều đảng cạnh tranh thì sẽ dân chủ hơn, xã hội phát triển hơn.

Hãy nhìn sang một số nước tư bản hiện nay, nhất là nước Mỹ với sự tồn tại của 112 đảng, nhưng chỉ có hai đảng (Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà) thay nhau cầm quyền. Tuy bề ngoài là chế độ đa đảng đối lập, nhưng xét về bản chất chỉ là một đảng - đảng của giai cấp tư sản. Vì thế, dù Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hoà nắm quyền, cũng đều là đảng của giai cấp tư sản, đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản; dân chủ ở Mỹ không gì khác là nền dân chủ tư sản, nền dân chủ chỉ dành cho một bộ phận thiểu số, một số ít người trong xã hội. Điều này cũng dễ hiểu tại sao ở Mỹ, bên cạnh “một xã hội” với những người có cuộc sống xa hoa, hào nhoáng thì vẫn còn tồn tại “một xã hội” hoàn toàn khác hẳn, gồm hàng chục triệu người phải sống trong sự bất công, thất nghiệp, đói nghèo, bệnh tật, không có quyền dân chủ... Chính người Mỹ, Paul Mishler - Giáo sư trường Đại học bang Indiana đã chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng này: Mọi đói nghèo, thất nghiệp, thất học,v.v.. đều do lỗi của hệ thống, lỗi từ chủ nghĩa tư bản Mỹ gây ra; nước Mỹ tự xưng là đa đảng nhưng thực chất chỉ là một đảng, đó là đảng của chủ nghĩa tư bản, dù là Đảng Cộng hoà hay Dân chủ(4).

Như vậy, thực chất luận điểm “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mang nặng tính chất mị dân, hết sức nguy hiểm, bởi rất dễ gây nên sự ngộ nhận, nhất là đối với những người có nhận thức hạn chế. Từ đó, có thể gây nên sự mơ hồ, lẫn lộn, dẫn tới sự dao động về tư tưởng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam; gây nên sự phân tâm trong xã hội; làm suy giảm và mất dần niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng từ những luận điểm này, đã hướng đến việc xoá bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thiết lập nền dân chủ tư sản; nguy cơ gây nên những khó khăn trong quá trình phát triển của xã hội Việt Nam, nhất là làm cho chính trị - xã hội mất ổn định, kinh tế suy giảm, văn hoá đạo đức xuống cấp, các mâu thuẫn và xung đột xã hội sẽ gia tăng, phá vỡ khối đoàn kết dân tộc... Từ đó, chắc chắn hậu quả đối với đất nước sẽ vô cùng lớn, chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ đứng trước nguy cơ bị sụp đổ, thành quả cách mạng bao nhiêu năm có được sẽ tan vỡ; người dân không những không được dân chủ, mà xã hội cũng rơi vào rối loạn, khủng hoảng, trì trệ, không phát triển được.

Để không để xảy ra những hậu quả tai hại đó, ở Việt Nam hiện nay, nhất thiết không cần và không thể chấp nhận đa đảng đối lập như các thế lực thù địch mong muốn!

 

PGS.TS. Nguyễn Xuân Tú

(Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 7/2018)

_________________________

 

 

(1), (3) Thông tấn xã Việt Nam, ngày 26-2-2010. (2) C.Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.19, tr.36. (4) Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 7 (106), 2009, tr.87-89.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất