Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Quốc vương Malaysia, Apdul Halim
Muadzam Shah và Hoàng hậu sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5-8/9/2013.
Là nước thành viên của Hiệp hội ASEAN, Malaysia
coi trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị vững chắc với các nước Đông Nam Á, thiết lập
môi trường ổn định và hoà bình trong khu vực, đảm bảo và phát huy lợi ích kinh
tế quốc tế của Malaysia thông qua việc thắt chặt quan hệ trực tiếp với các nước
khác hoặc thông qua các diễn đàn đa phương, tăng cường hợp tác kinh tế với các
nước đang phát triển thông qua sự ủng hộ mạnh mẽ và thúc đẩy quan hệ
Nam-Nam.
Trong quá trính triển khai chính sách đối ngoại
của mình, Malaysia chú trọng quan hệ với các nước lớn Mỹ, Nhật, Trung Quốc, coi
trọng quan hệ với ASEAN và các nước Hồi giáo.
Ngày 30/3/1973, Việt Nam – Malaysia thiết lập
quan hệ ngoại giao. Năm 1976, hai nước lập ĐSQ ở thủ đô mỗi nước. Từ đó đến này
quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước hiện đang phát triển hết sức
tốt đẹp.
Quan hệ chính trị
Quan hệ Việt Nam – Malaysia hiện đang phát triển
tốt đẹp. Hai bên đã tích cực trao đổi đoàn cấp cao. Về phía Việt Nam, Tổng Bí
thư Đỗ Mười thăm chính thức Malaysi tháng 3/1994. Tiếp tới, Chủ tịch Quốc hội
Nông Đức Mạnh (9/1996); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (3/1998); Thủ tướng Võ Văn
Kiệt (1/1992, 7/1992 và 5/1994); Thủ tướng Phan Văn Khải dự HNCC APEC (11/1998)
và thăm chính thức (4/2004); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (12/2002); Chủ tịch
nước Trần Đức Lương dự Hội nghị cấp cao Không liên kết (2/2003). Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Độc lập của Malaysia (9/2007); Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước (9/2011); Phó Chủ tịch nước Nguyễn
Thị Doan dự Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu lần thứ 23 (6/2013).
Hai nước đã ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp
tác toàn diện trong thế kỷ 21” nhân chuyến thăm Malaysia của Thủ tướng Phan Văn
Khải (4/2004). Trong chuyến thăm Malaysia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
tháng 9/2011, hai bên thảo luận về nguyên tắc đưa quan hệ phát triển lên tầm Đối
tác chiến lược.
Hợp tác kinh tế
Về thương mại: Kim ngạch thương mại giữa
hai nước tăng trưởng nhanh và ổn định. Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn
thứ 3 trong ASEAN và lớn thứ 9 trên thế giới của Việt Nam. Kim ngạch thương mại
hai chiều đạt 4,2 tỷ USD năm 2009. Đến năm 2012 đã tăng lên 7,9 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang
Malaysia là dầu thô, gạo, cà phê, hải sản, dầu mỡ động thực vật…Việt Nam chủ yếu
nhập khẩu sắt thép, xăng dầu, dầu mỡ động thực vật, chất dẻo nguyên liệu, máy
móc thiết bị, máy vi tính và sản phẩm điện tử…
Về đầu tư: Tính đến hết tháng 6/2013,
Malaysia có 443 dự án với tổng vốn đăng ký là 10,2 tỉ USD, đứng thứ 8 trong số
các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư của Malaysia vào ta
tập trung chủ yếu trong lĩnh vực khai khoáng, thông tin truyền thông và các lĩnh
vực dịch vụ khác.
Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 dự án đầu
tư sang Malaysia với tổng vốn đầu tư đạt 745,6 triệu USD.
Hợp tác an ninh-quốc phòng:
Về an ninh: Bộ Công an Việt Nam và Bộ
Nội vụ Malaysia chính thức thiết lập quan hệ tháng 4/1994. Năm 1998, Tổng cục
Tình báo Bộ Công an lập quan hệ hợp tác với Cơ quan Tình báo Malaysia. Hai bên
duy trì trao đổi đoàn; đang thúc đẩy đàm phán để ký kết “Bản Ghi nhớ về hợp tác
đấu tranh phòng ngừa tội phạm xuyên quốc gia”.
Về quốc phòng: Từ năm 1998, hai nước đã
mở văn phòng Tuỳ viên quốc phòng tại ĐSQ mỗi nước. Hai nước đã ký Bản Ghi nhớ về
hợp tác Quốc phòng song phương (2008). Theo đó hai nước tích cực trao đổi các
chuyến thăm. Tàu thuyền hai nước cũng thường ghé thăm cảng của nhau.
Ngoài các lĩnh vực trên, hai nước cũng tích cực
tăng cường hợp tác ở các lĩnh vực khác như; giáo dục, lao động, trên biển, khai
thác dầu khí, du lịch...
Với những thành quả đạt được, quan hệ hai nước
trong thời gian tới hy vọng sẽ có những bước phát triển mới.
Chuyến thăm lần này của Quốc vương Malaysia tới
Việt Nam nhằm thể hiện sự coi trọng mối quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa
hai nước; đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi một số phương
hướng lớn của quan hệ hai nước trong thời gian tới ; thúc đẩy hợp tác song
phương ở các lĩnh vực then chốt như kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, hướng
tới xây dựng Đối tác chiến lược./.
Theo VOVnews