Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD)
được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn theo Nghị quyết
số 2106 A (XX) ngày 21/12/1965 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Công ước
CERD ra đời với mục tiêu lên án, tiến tới xóa bỏ nạn phân biệt chủng
tộc, đồng thời xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng
mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ
các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, mầu da, dòng dõi, dân tộc
hoặc gốc người thiểu số.
Trong phần mở đầu, Công ước CERD khẳng
định: “Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và có quyền được
pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng để chống lại bất kỳ sự phân biệt đối
xử hay bất kỳ sự kích động phân biệt đối xử nào”; đồng thời chỉ rõ:
“Các quốc gia thành viên cam kết sẽ cấm và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc
dưới mọi hình thức và đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của tất
cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hay
sắc tộc” (Điều 5).
Nội dung của Công ước CERD có nhiều điểm tương
đồng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Việt Nam. Ngay từ
khi mới khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam) tại bản Hiến pháp năm 1946 được Quốc hội thông
qua đã xây dựng trên các nguyên tắc: Đoàn kết toàn dân, không phân biệt
giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; bảo đảm các quyền tự do dân
chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
Trên
cơ sở đó, Hiến pháp 1946 khẳng định: Tất cả công dân Việt Nam đều ngang
quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa (Điều thứ 6); tất
cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia
chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của
mình (Điều thứ 7); ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu
số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung
(Điều thứ 8).
Trải qua các giai đoạn lịch sử, hệ thống văn bản
quy phạm pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, trong đó việc xóa
bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan
tâm và bảo đảm tính thực thi. Tại Điều 5 Hiến pháp năm 2013 xác định:
“Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các
dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Các dân tộc bình
đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi
hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các
dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát
huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.
Nhà
nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các
dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Đồng
thời, các quy định về bình đẳng, không phân biệt chủng tộc được tiếp tục
cụ thể hóa trong các văn bản luật, các chính sách, mục tiêu quốc gia,…
và triển khai đồng bộ ở mọi lĩnh vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho
các nhóm dân tộc thiểu số phát triển bình đẳng trong đại gia đình các
dân tộc Việt Nam.
Chính sự tương đồng về quan điểm, mục tiêu bảo
vệ quyền con người nói chung, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc
nói riêng nên từ năm 1982, Việt Nam đã gia nhập Công ước CERD. Từ đó đến
nay, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc các nội dung của Công ước CERD;
tích cực triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo
đảm, thúc đẩy quyền của đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong các năm
1983, 1993, 2000 và 2012, Việt Nam đã bốn lần bảo vệ thành công Báo cáo
quốc gia thực thi Công ước CERD. Điều này cho thấy những nỗ lực của
Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện Công ước CERD, đặc biệt là việc bảo
đảm quyền của các dân tộc thiểu số như xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an
sinh xã hội, bình đẳng giới…
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục xây
dựng Báo cáo quốc gia CERD 5 gửi đến Ủy ban Công ước và được xếp lịch
bảo vệ tại kỳ họp thứ 111 của Ủy ban (dự kiến tháng 11 và 12/2023).
Thông tin về Báo cáo quốc gia CERD 5, bà Trần Chi Mai - Phó Vụ trưởng Vụ
Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Dân tộc cho biết báo cáo được xây dựng toàn
diện trên cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và
địa phương, các cơ quan Đảng, Quốc hội, các tổ chức chính trị-xã hội,
tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và người dân.
Cụ
thể trong Báo cáo CERD 5 tập trung thể hiện kết quả Việt Nam thực thi
Công ước CERD từ năm 2013-2019, tập trung vào các nội dung: Hệ thống
pháp luật Việt Nam và các thiết chế bảo đảm, thúc đẩy quyền của người
dân tộc thiểu số tại Việt Nam; định nghĩa phân biệt chủng tộc và đánh
giá sự phù hợp của định nghĩa phân biệt chủng tộc trong các điều luật
của Việt Nam; vai trò quan trọng của công tác dân tộc và thực hiện các
chính sách dân tộc trong việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc;
kết quả thực hiện các cam kết cấm và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới
mọi hình thức và bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật của người dân
tộc thiểu số tại Việt Nam; các biện pháp bảo đảm cho người dân tộc thiểu
số ở Việt Nam không phải chịu bất cứ hành động phân biệt chủng tộc.
Với
những nội dung nêu trên, có thể khẳng định Báo cáo quốc gia CERD 5 sẽ
cung cấp cho cộng đồng quốc tế một bức tranh khá toàn cảnh về vấn đề
chống phân biệt chủng tộc ở Việt Nam, từ những biện pháp lập pháp, hành
chính, tư pháp cũng như các biện pháp khác mà Việt Nam đã xây dựng,
triển khai cho đến kết quả tổ chức thực hiện các biện pháp đó trong giai
đoạn từ năm 2013 đến 2019 nhằm bảo vệ quyền con người, chống các hành
vi kỳ thị, phân biệt về chủng tộc tập trung vào người dân tộc thiểu số ở
Việt Nam.
Báo cáo CERD 5 được
trình bày và bảo vệ tại Ủy ban Công ước sẽ là cơ hội để Việt Nam tuyên
truyền về những thành tựu bảo vệ nhân quyền nói chung và chủ trương,
chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với người dân tộc thiểu số nói
riêng. Với một quốc gia có tới 53/54 là dân tộc thiểu số thì việc bảo
đảm quyền cho đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa hết sức quan trọng
trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đồng thời cũng
qua Báo cáo CERD 5, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thuận hòa,
đoàn kết, gắn bó, đề cao ý thức tuân thủ pháp luật sẽ được lan tỏa đến
cộng đồng quốc tế, nhằm tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy các quan hệ
hợp tác. Từ hiện thực sinh động, thuyết phục này sẽ góp phần bác bỏ
những luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch, thiếu thiện
chí đối với Việt Nam, nhất là trong vấn đề thực hiện các chính sách đối
với đồng bào dân tộc thiểu số.
Đáng buồn là thời gian qua, trên
một số diễn đàn mạng xã hội và trong một bộ phận dân cư vẫn xuất hiện
những quan điểm, ý kiến lạc lõng, sai sự thật về cái gọi là “kỳ thị dân
tộc”, “phân biệt đối xử với đồng bào dân tộc thiểu số” ở Việt Nam.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng chống phá, thù địch thường xuyên lợi dụng
những khó khăn trong cuộc sống của đồng bào, các tranh chấp, khiếu kiện,
những vấn đề do lịch sử để lại,… coi đây là mục tiêu để tấn công, hòng
khoét sâu những bất đồng, mâu thẫu, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan.
Địa bàn được các đối tượng chống phá nhắm đến là khu vực Tây Bắc, Tây
Nguyên và Tây Nam Bộ, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Như ở khu vực Tây Bắc, các đối tượng chống phá dựng lên cái gọi là
“Vương quốc Mông”, và đưa ra yêu sách về “quyền tự trị”.
Còn ở
Tây Nguyên, các đối tượng rêu rao “Tây Nguyên là của người Thượng”,
“người Kinh cướp đất của đồng bào trên chính quê hương của mình” từ đó
kích động “đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên phải liên kết lại đuổi người
Kinh về xuôi”. Tương tự ở Tây Nam Bộ, các đối tượng kích động người dân
tộc Khmer ly khai thành lập “Nhà nước Khơme Krôm độc lập”.
Song
song đó, các đối tượng còn lôi kéo, dụ dỗ, tổ chức các hoạt động như
vượt biên trái phép, di dân tự do, hòng làm cho đời sống của đồng bào
mất ổn định; từ đó rêu rao Việt Nam phân biệt chủng tộc, vi phạm nhân
quyền, kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức quốc tế. Không khó để nhận
diện âm mưu của các đối tượng chống phá, thù địch này là hòng chia rẽ
khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất lòng tin của người dân đối với Đảng,
Nhà nước, kích động bạo loạn, lật đổ chế độ.
Thực tế này cho
thấy các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá
núp dưới chiêu bài kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc hết sức tinh vi,
thâm độc, khó lường. Đặc biệt, việc kích động, chống phá trên không gian
mạng được chúng triệt để khai thác để tỏa “chân rết” đi đến các vùng
miền, xâm nhập vào các cộng đồng người dân tộc thiểu số, tác động theo
kiểu “mưa dầm thấm lâu”, hết sức nguy hiểm.
Thực tế này đòi hỏi
các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cũng như các tổ chức đoàn thể
cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách dân tộc, không ngừng nâng cao
đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào khu vực miền
núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phát
hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối
với các đối tượng có hành vi chống phá, kích động phân biệt chủng tộc.
Người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cần nâng cao tinh thần
cảnh giác, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước,
không tin, nghe theo sự lôi kéo, dụ dỗ của người khác để thực hiện các
hành vi vi phạm pháp luật. Mỗi người dân cần phát huy tinh thần trách
nhiệm, kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực trong cộng đồng để
báo cáo tới cơ quan chức năng làm rõ.
Sự phối hợp đồng bộ của cả
hệ thống chính trị và người dân sẽ tạo khối đoàn kết gắn bó chặt chẽ,
hiệu quả, giúp ngăn chặn hiệu quả và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn
chống phá của các đối tượng xấu./.
HÀ NHÂN (nhandan.vn)