Thứ Sáu, 29/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 6/9/2012 22:30'(GMT+7)

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị toàn cầu lần thứ II về “Nông nghiệp, An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu” - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị toàn cầu lần thứ II về “Nông nghiệp, An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu” - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Hội nghị đã lựa chọn chủ đề “Khát khao hành động”, tập trung thảo luận nhiều vấn đề thiết thực, xác định các chiến lược phù hợp, hiệu quả để phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn ở tất cả các cấp độ và quy mô… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Hội nghị sẽ tiếp tục tìm ra những giải pháp hữu hiệu và mạnh mẽ hơn để phát triển nông nghiệp, giải quyết vấn đề an ninh lương thực trước những thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thủ tướng khẳng định: Việt Nam là một quốc gia mà nông nghiệp có vị trí rất quan trọng và luôn được ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam cũng là một nước thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong nhiều năm qua, nhờ sự nỗ lực phát triển nông nghiệp toàn diện và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật là sản xuất lương thực, thủy sản và cây công nghiệp. Việt Nam đã vươn lên từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, đồng thời nhiều nông, lâm, thủy sản xuất khẩu với khối lượng lớn, xếp vị trí cao trên thế giới.

Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng, đang trở thành mối đe dọa lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Việt Nam đang tích cực cơ cấu lại nền nông nghiệp, tập trung khai thác tốt nhất các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm tổn thất trong khâu sản xuất và sau khu hoạch; đổi mới chính sách đất đai; tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường bảo vệ môi trường; đẩy mạnh đầu tư từ Nhà nước và có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng, Việt Nam đã thành lập Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu; đang tập trung thực hiện Chiến lược, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững; xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh; phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng, nước, phân bón, hóa chất; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu. Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng đặt ra đối với Việt Nam trong thời gian tới là rất nặng nề. Cùng với việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế để tạo môi trường thuận lợi và thu hút được nhiều nguồn lực từ bên ngoài cho sự phát triển.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam. Theo Thủ tướng, hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp, sản xuất lương thực hiệu quả, bền vững cũng chính là góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới vì hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 1/5 lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt thông qua Chương trình Nông nghiệp, An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu.

Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững đất nước, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Trong đó, đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

(QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất