Thứ Sáu, 11/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 18/10/2023 9:15'(GMT+7)

Việt Nam - Saudi Arabia: Kỳ vọng nhiều khía cạnh hợp tác mới

Diễn đàn kinh doanh Việt Nam-Saudi Arabia đã chính thức khai mạc chiều nay, ngày 11/9/2023 tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Tuấn Việt)

Diễn đàn kinh doanh Việt Nam-Saudi Arabia đã chính thức khai mạc chiều nay, ngày 11/9/2023 tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Tuấn Việt)

Đặc biệt, Saudi Arabia là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông. Ngược lại, Saudi Arabia coi trọng và mong muốn đẩy mạnh hợp tác toàn diện, coi Việt Nam là đối tác ưu tiên trong triển khai chính sách đối ngoại hướng Đông. Chính vì vậy, chuyến thăm Vương quốc Saudi Arabia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, đồng thời mở ra nhiều khía cạnh hợp tác mới trong tương lai.

Theo nhận định từ các chuyên gia, Saudi Arabia là nền kinh tế có quy mô lớn nhất tại khu vực vùng vịnh; là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Hiện tại, khá nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm đến hàng hóa của Việt Nam, nhất là nông sản và thực phẩm, giữa lúc quốc gia Trung Đông đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung để bảo đảm an ninh lương thực.

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư Saudi Arabia cũng quan tâm đến các dự án của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông sản, dệt may. Do đó, Việt Nam có thể thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản như gạo, hạt điều, chè, hạt tiêu, cà-phê, cá đông lạnh, cá hộp, thực phẩm, vật liệu xây dựng, sản phẩm trang trí nội thất, than củi, trầm hương, hàng may mặc... vào thị trường này.

Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt trên 2,7 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm 2021. Nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư lớn của Saudi Arabia triển khai hiệu quả các dự án đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng và thép..., tiêu biểu là dự án tiên phong Zamil Steel (sản xuất thép). 

Tuy nhiên, quan hệ thương mại Việt Nam-Saudi Arabia còn khiêm tốn, chưa đáp ứng kỳ vọng của cả hai bên. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước mới bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam và 0,61% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Saudi Arabia.

Trong 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Saudi Arabia đã đạt trên 608 triệu USD tăng 60% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là chỉ số kim ngạch xuất khẩu ấn tượng nhất từ trước đến nay của thị trường Saudi Arabia góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Theo các chuyên gia thương mại, Việt Nam và Saudi Arabia đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác kinh tế quan trọng như: Hiệp định khung hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và kỹ thuật (tháng 5/2006); Hiệp định về Hợp tác nông nghiệp, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Nghị định thư về Hợp tác dầu khí, Thỏa thuận thành lập Hội đồng doanh nghiệp và hợp tác giữa hai phòng thương mại và công nghiệp (tháng 4/2010); Thỏa thuận về Tuyển dụng lao động giúp việc gia đình Việt Nam làm việc tại Saudi Arabia (tháng 9/2014); Hiệp định Vận chuyển hàng không Việt Nam - Saudi Arabia (tháng 8/2019). Hiện hai bên đang đàm phán Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

Đáng lưu ý, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, cảng biển, thực phẩm Halal, du lịch, đổi mới sáng tạo...Đặc biệt, Việt Nam ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” là đề án đầu tiên đưa ra định hướng lớn mang tầm quốc gia nhằm khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng với Saudi Arabia.

Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia cho hay, từ ngày 6-12/9 vừa qua, Thương vụ đã phối hợp với chuỗi siêu thị Lulu tổ chức tuần lễ quảng bá hàng hóa nông sản, thực phẩm, ẩm thực và lễ công bố hơn 200 sản phẩm mới từ các nước ASEAN mang tên “Amazing ASEAN 2023 tại thủ đô Riyadh". Sự kiện này Việt Nam có 20 sản phẩm mới được đưa vào thị trường gồm nông sản, quả tươi, sản phẩm chế biến từ dừa, hạt điều, thủy sản…

Cũng tại sự kiện này, gian hàng trưng bày của Việt Nam đã có nhiều lượt khách đến tìm hiểu, lấy thông tin doanh nghiệp, dùng thử hương vị bánh kẹo, bánh phồng tôm, hạt điều, cà phê... Nhìn chung, khách hàng đều khen ngợi hương vị và mong muốn có nhiều sản phẩm của Việt Nam hơn nữa tại thị trường này.

Đại sứ Saudi Arabia tại Việt Nam cho hay, trong 24 năm qua, Saudi Arabia và Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác bền chặt, trở thành những đối tác khu vực quan trọng của nhau. Bất chấp những bất ổn toàn cầu sau khủng hoảng COVID-19, Việt Nam và Saudi Arabia đều đã phục hồi mạnh mẽ và đạt được những thành tựu quan trọng. 

Hai nước cũng thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và đa phương. Hơn nữa, ngày càng nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm đến thị trường Việt Nam. Một số doanh nghiệp lớn như Zamil Steel, ACWA Power, SABIC đã và đang kinh doanh, đầu tư thành công tại Việt Nam. Quỹ Phát triển Saudi Arabia cũng đã tài trợ 164 triệu USD cho 12 dự án tại Việt Nam. 

Tại các buổi làm việc chuẩn bị nội dung Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Saudi Arabia sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 12/2023, ông Nguyễn Phúc Nam- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) đã giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến chính sách thương mại, đầu tư, du lịch của Việt Nam.

Cùng đó, ông Nguyễn Phúc Nam nêu rõ, Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ, kết nối cung cấp thông tin dự án kêu gọi đầu tư, chính sách thương mại cập nhật. Đồng thời, khuyến nghị doanh nghiệp hai bên tìm hiểu thông tin, phong tục tập quán kinh doanh của mỗi nước, từ đó có những sản phẩm và chất lượng phù hợp với quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của sở tại.

Đoàn công tác và doanh nghiệp Việt Nam còn có 3 cuộc làm việc, kết nối giao thương trực tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) tại Phòng Thương mại Riyadh, chuỗi siêu thị Lulu và Carrefour. Bên cạnh đó, đoàn cũng khảo sát thị trường hàng hóa để có thông tin cập nhật về sản phẩm cũng như chất lượng hàng hóa. Việc này nhằm chuẩn bị tốt cho việc xuất khẩu sang thị trường Saudi Arabia và qua đó đã có 5 đơn hàng được ký gồm hạt điều, hoa quả sấy khô, gia vị, chocolate, túi xách. 

Ông Trần Trọng Kim, Bí thư thứ nhất, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia chia sẻ: Thương vụ đã xây dựng và phát huy có hiệu quả phòng trưng bày sản phẩm xuất khẩu tại Saudi Arabia với 140 doanh nghiệp có hàng mẫu trưng bày. Cụ thể gồm lĩnh vực nông sản (gạo, mỳ gạo, mỳ ăn liền, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, chè, mật ong, thạch dừa, dầu dừa…), thực phẩm, cá hộp, nước sốt, đồ uống, bánh kẹo, mỹ phẩm, hàng may mặc, đồ trang trí nội thất, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, vật tư y tế, than củi, trầm hương, du lịch…

Ngoài ra, Thương vụ cũng thực hiện quảng bá hàng mẫu của doanh nghiệp tới 10 tỉnh, địa phương Saudi Arabia; hằng năm tổ chức Tuần quảng bá hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị Lulu; vận động bạn dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Việt Nam…

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Saudi Arabia, theo ông Trần Trọng Kim, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thị trường, thị hiếu của khách để có những sản phẩm phù hợp, chất lượng tốt và đồng đều. Cùng đó, xây dựng thương hiệu riêng, từng bước đưa kèm vào thị trường cùng với việc sản xuất, đóng gói, dán nhãn theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, phân phối.

Ông Trần Trọng Kim cũng lưu ý, Saudi Arabia yêu cầu cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, thịt, sản phẩm từ thịt, thực phẩm ướp lạnh và đông lạnh nhập khẩu, đồ uống, bánh kẹo, sữa, sản phẩm từ sữa, dầu ăn, chất béo cần có chứng nhận Halal, hàng hóa khác cần có chứng nhận SASO (tương tự ISO).

Mặt khác, doanh nghiệp nên có hàng mẫu gửi cho đối tác với thông tin sản phẩm rõ ràng, đầu mối liên hệ giao dịch được bằng tiếng Anh, email cố định, kiên trì trong giao dịch với khách hàng khu vực. Đặc biệt, chủ động xây dựng kế hoạch thành lập văn phòng đại diện hoặc công ty liên doanh tại thị trường. Điều này làm cho đối tác tích cực trong việc quảng bá, mở rộng thị trường sát với nhu cầu và thị hiếu của khách để từng bước thâm nhập sâu vào thị trường tiềm năng này.

Uyên Hương (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất