Thứ Bảy, 11/7/2015 14:27'(GMT+7)
Việt Nam tham gia đối thoại thực hiện công ước về bình đẳng giới
Ngày 10/7 tại Geneva (Thụy Sĩ), trong khuôn khổ phiên họp lần thứ 61 của Ủy ban CEDAW (Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ), đã diễn ra phiên đối thoại của Ủy ban CEDAW và Đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam về tình hình thực hiện Công ước CEDAW tại Việt Nam.
Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp là trưởng đoàn, với sự tham dự của Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Trung Thành và các đại diện của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, các cán bộ của Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc.
Phát biểu mở đầu phiên Đối thoại, Trưởng đoàn Việt Nam đã giới thiệu khái quát và cập nhật những thành tựu và thách thức trong việc thực hiện Công ước CEDAW tại Việt Nam, kể cả tình hình thực hiện những khuyến nghị chung và các khuyến nghị của Ủy ban CEDAW từ phiên đối thoại năm 2007.
Báo cáo nhấn mạnh Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực chủ yếu, gồm hoàn thiện chính sách, luật pháp; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động, đảm bảo thỏa đáng nguồn lực cho các chương trình, dự án này; tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và huy động sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị-xã hội nhằm hiện thực hóa các mục tiêu về bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, năm 2012 Việt Nam được xếp thứ 47/187 quốc gia về chỉ số bình đẳng giới so với thứ hạng 58/136 quốc gia vào năm 2010.
Với tinh thần cởi mở và thẳng thắn, Đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam đã chia sẻ và cung cấp thông tin làm rõ những vấn đề các thành viên của Ủy ban CEDAW đưa ra trong cuộc đối thoại, đặc biệt là thúc đẩy bình đẳng giới và không phân biệt đối xử với phụ nữ, các biện pháp đặc biệt tạm thời và các biện pháp ưu tiên cho người mẹ, định kiến giới, buôn bán và bóc lột mại dâm phụ nữ, trẻ em gái, vấn đề phụ nữ tham chính, quốc tịch của phụ nữ, quyền của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, việc làm, y tế, hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, phụ nữ nông thôn, dân tộc thiểu số, phụ nữ cao tuổi.
Ủy ban đánh giá cao việc chuẩn bị có trách nhiệm và cởi mở, không né tránh các vấn đề đặt ra trong phiên đối thoại.
Ủy ban CEDAW cũng đã thông qua Báo cáo quốc gia định kỳ ghép lần thứ 7 & 8 về tình hình thực hiện Công ước CEDAW tại Việt Nam.
Trưởng đoàn Việt Nam đã cảm ơn Ủy ban CEDAW về phiên đối thoại tích cực, thẳng thắn và khẳng định Việt Nam sẽ xem xét kỹ lưỡng và có kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban CEDAW.
Công ước CEDAW là một trong những Công ước nhân quyền lớn nhất của Liên hợp quốc. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước này vào ngày 18/12/1979. Cơ quan giám sát thi hành Công ước là Ủy ban CEDAW bao gồm các chuyên gia có uy tín cao được các quốc gia thành viên đề cử. Các quốc gia đã phê chuẩn công ước này phải báo báo định kỳ trước Ủy ban CEDAW về việc thực thi Công ước ở quốc gia đó.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia Công ước vào ngày 29/7/1980 và phê chuẩn vào ngày 27/11/1981. Tuân thủ quy định của Công ước và nghĩa vụ quốc gia thành viên Công ước, trong suốt những năm qua, Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện Công ước, hoàn thành các báo cáo định kỳ và tham gia đối thoại cởi mở, thẳng thắn với Ủy ban CEDAW và có các hành động có trách nhiệm thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban sau mỗi kỳ đối thoại./.
(TTXVN)