Ngày
28/2/2023, một số nghị sĩ thuộc Nghị viện châu Âu (EP) đã tổ chức Hội
thảo xem xét mức độ vi phạm nhân quyền và quyền lợi của người lao động
Việt Nam sau hơn 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và
Việt Nam (Hội thảo) với nhiều cáo buộc chủ quan, sai sự thật.
Đáng
chú ý, qua thông tin, hình ảnh, video được một số tờ báo nước ngoài
đăng tải, có thể nhận thấy ban tổ chức Hội thảo dường như không mời Nhóm
tư vấn trong nước (DAG) Việt Nam tham gia cuộc họp trên. Cần nói rõ,
Nhóm DAG Việt Nam được thành lập theo quy định tại Điều 13.15 của Hiệp
định EVFTA.
Nhóm bao gồm các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ,
phi lợi nhuận của Việt Nam, được thành lập và hoạt động hợp pháp tại
Việt Nam, đại diện cho các lợi ích chính đáng tại Việt Nam liên quan đến
thương mại và phát triển bền vững. Chức năng chính của Nhóm DAG Việt
Nam là tập hợp, trình bày quan điểm và đưa ra khuyến nghị, tư vấn đối
với việc thực thi Chương Thương mại và Phát triển bền vững của Hiệp định
EVFTA, phù hợp với cam kết tại Hiệp định. Các thành viên DAG Việt Nam
hoạt động độc lập với cơ quan quản lý nhà nước mà DAG Việt Nam cung cấp
tư vấn.
Trong khi đó, ban tổ chức Hội thảo lại mời một số tổ chức
không thiện chí với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, thậm chí mời
cả đại diện của tổ chức khủng bố Việt tân. Trên thực tế, tổ chức này
luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, nổi bật là hoạt động
tuyển dụng, huấn luyện thành viên tham gia các vụ khủng bố, phá hoại, ám
sát, phá rối an ninh, kích động bạo loạn.
Nhiều thành viên của
tổ chức khủng bố Việt tân đã bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt, xử lý vì
các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Có mặt tại Hội thảo, tổ chức khủng
bố Việt tân cùng các tổ chức không thiện chí đã lập tức tranh thủ diễn
đàn, tung ra những luận điệu bôi đen tình hình tự do, dân chủ, nhân
quyền và xuyên tạc bức tranh chính trị-xã hội Việt Nam sau hơn 2 năm
thực thi EVFTA.
Theo đó, các nhóm, tổ chức này vu cáo rằng “tình
hình nhân quyền Việt Nam ngày càng thậm tệ hơn”, “Nhà nước Việt Nam tìm
đủ mọi cách ngăn cản, gây khó khăn cho người lao động trong việc thành
lập nghiệp đoàn độc lập”, “chính quyền Việt Nam đã vi phạm chương 13 của
Hiệp định EVFTA”,… cùng nhiều nội dung xuyên tạc khác; đồng thời hối
thúc các nghị viên EU “gây sức ép mạnh hơn đối với chính quyền Hà Nội”.
Có
thể thấy mục đích hướng tới từ các ý kiến tham gia Hội thảo của những
tổ chức này là cổ xúy các hành động chống phá Việt Nam và các đối tượng,
hội nhóm phạm pháp. Minh chứng rõ nhất là họ cố tình hiểu sai, xuyên
tạc khái niệm “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở” (quy định tại
khoản 3, Điều 3, Điều 170 của Bộ luật Lao động năm 2019). Từ đó, tạo cớ
cho các tổ chức chống phá dưới vỏ bọc “công đoàn độc lập” thực hiện các
âm mưu đen tối, dụ dỗ công nhân, người lao động tham gia các hoạt động
trái pháp luật.
Cần nhấn mạnh rằng, dù tự xưng là “các nghiệp
đoàn, hội nhóm công đoàn độc lập” nhưng các tổ chức này không đăng ký
cũng như tiến hành các thủ tục xin phép thành lập mà ngang nhiên hoạt
động trái với các quy định của pháp luật Việt Nam. Chẳng những vậy, tuy
mang danh là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao
động nhưng các tổ chức trên lại không hề có ý định hợp tác cùng Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ
Việt Nam trong việc chăm lo đời sống của công nhân. Thay vào đó, họ chỉ
sử dụng hàng loạt kênh mạng xã hội để dụ dỗ, kích động công nhân bỏ
việc, tham gia các cuộc đình công, biểu tình bất hợp pháp.
Do
đó, những doanh nghiệp, tổ chức có người đại diện pháp luật thực hiện
hành vi gian dối, vi phạm pháp luật vì có hành vi trốn thuế trong thời
gian dài như Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID; Trung tâm
Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD); Trung tâm
truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC),… không xứng đáng được gia nhập
Nhóm tư vấn trong nước Việt Nam. Đây là sự thật hiển nhiên nhưng một số
nghị viên EP và đại diện các tổ chức thiếu thiện chí vẫn ra sức bao
biện, phủ nhận, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Đáng buồn đây
không phải lần đầu tiên một số nghị viên EP mở các cuộc hội thảo, kỳ
họp, đưa ra những báo cáo, tuyên bố thiếu khách quan như vậy. Nhìn lại
quá khứ, một nhóm nghị viên EP đã nhiều lần ban hành phán quyết, thư ngỏ
với nội dung không chính xác về tình hình bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy
quyền con người tại Việt Nam, nhất là trong giai đoạn Việt Nam và EU bắt
đầu tiến hành đàm phán về hiệp định thương mại tự do.
Ngay cả
khi Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu đã thông qua khuyến nghị
việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, một số nghị viên EP vẫn giữ nguyên cái
nhìn phiến diện, quan điểm sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt
Nam. Điển hình là sự kiện ngày 13/6/2022, cơ quan nghiên cứu của EP đã
công bố báo cáo về các hoạt động hỗ trợ những nhà hoạt động nhân quyền
trên toàn thế giới của Liên minh châu Âu với thông tin, nhận định thiếu
khách quan, không công bằng, dựa trên một số thông tin sai lệch, không
có cơ sở, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam.
Đây
là điều đáng tiếc, nhất là khi Liên minh châu Âu và Việt Nam đã có cơ
chế Đối thoại nhân quyền hằng năm để trao đổi về các vấn đề cùng quan
tâm, tìm ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác đánh giá
tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Những
năm qua, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam
là lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, bảo đảm người dân
được thụ hưởng những thành quả của quá trình phát triển. Do đó, thúc đẩy
quyền con người gắn với tăng trưởng kinh tế bền vững luôn là mục tiêu
được Nhà nước Việt Nam đặt lên hàng đầu.
Vì vậy, khi tham gia
các hiệp định thương mại tự do, ngoài sự bảo đảm công bằng kinh tế giữa
các bên, Việt Nam cũng chủ động hợp tác, tìm ra tiếng nói chung với các
quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế về các nội dung “phi thương
mại” như thúc đẩy quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, bảo vệ
môi trường, phát triển bền vững.
Thế nên, khi EVFTA được thông
qua, Nhà nước Việt Nam đánh giá những cam kết về quyền con người trong
hiệp định là cơ hội để đất nước tiến nhanh đến các mục tiêu “dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Có thể khẳng định, gần 3
năm thực thi EVFTA, Việt Nam luôn tuân thủ hiệp định khi không ngừng
bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, chú trọng cải thiện các quyền về
kinh tế, xã hội thông qua gia tăng năng lực sản xuất, tạo việc làm, nâng
cao đời sống của người dân, nâng cao các tiêu chuẩn lao động và môi
trường trong nước.
Điều này được minh chứng trên nhiều phương
diện từ cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho đến xây dựng các
chính sách nhằm hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và
người lao động, nhất là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại
dịch COVID-19.
Đồng thời, nhằm hiện thực hóa quyền thành lập,
gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại
cơ sở cùng nhiều quyền lợi khác của người lao động theo quy định của
Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Lao động năm 2019, hiện nay Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam đã và đang khẩn trương triển khai để dự án Luật Công
đoàn (sửa đổi) có thể hoàn thành đúng kế hoạch trình Quốc hội tại kỳ họp
thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Theo ghi nhận của Hiệp hội
Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), “trong 12 tháng qua, Chính
phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận
lợi, cạnh tranh và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài… Việt Nam
là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới… Điều này
đã giúp nâng cao sinh kế, mức sống và triển vọng của hàng triệu người…
Hơn nữa, những cải thiện về cơ sở hạ tầng đã góp phần nâng cao đáng kể
điều kiện sống.
Năm 1993, dưới 50% người dân được sử dụng điện.
Ngày nay điện gần như có ở khắp nơi, ngay cả vùng nông thôn và các hải
đảo xa xôi… Việt Nam cũng đạt được một số Mục tiêu Phát triển thiên niên
kỷ (MDG) trước hạn” (trích Eurocham: “Sách trắng 2022/2023 Nỗ lực hướng
tới kinh tế xanh và phát triển bền vững: Thực thi toàn diện EVFTA và
hoàn tất phê chuẩn EVIPA”, Tr.17).
Ngày 3/4/2023, Hội đồng Nhân
quyền Liên hợp quốc (UNHRC) đã đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm
75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương
trình hành động Viên do Việt Nam đề xuất và soạn thảo. Qua đó, tiếp tục
khẳng định vai trò và những sáng kiến, đóng góp của Việt Nam trên lĩnh
vực quyền con người trên tư cách là thành viên của UNHRC.
Mới
đây, ngày 4/4, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu Udo
Bullmann trong lịch trình chuyến thăm Việt Nam đã gặp và làm việc với
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Tại buổi làm việc, ông Udo
Bullmann khẳng định, EU coi Việt Nam là đối tác hợp tác ưu tiên và quan
trọng; đánh giá cao những thành tựu phát triển mà Việt Nam cũng như vai
trò, vị thế của Việt Nam tại các tổ chức, diễn đàn đa phương; mong muốn
tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người.
Đây
là những minh chứng thuyết phục cho những kết quả mà Việt Nam đã đạt
được trong vấn đề nhân quyền, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá
cao. Những tiếng nói lạc lõng, thông tin sai sự thật của một vài cá
nhân, tổ chức không thiện chí cần được nhận diện và phê phán, để không
gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Liên
minh châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA./.
PHAN KỶ (nhandan.vn)