Vừa qua, để bày tỏ tình đoàn
kết và chia sẻ với những mất mát và sự cảm thông về thiệt hại về người
và của đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam nói chung và chính quyền
và nhân dân các tỉnh, thành phố địa phương miền Bắc phải chịu ảnh hưởng
nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế đã gửi
thư, điện, thông điệp thăm hỏi, chia buồn cũng như hỗ trợ trực tiếp,
gián tiếp các nguồn tài chính, trang thiết bị phục vụ lưu trú, cứu hộ,
cứu nạn, vật dụng thiết yếu, chuyên gia cho Việt Nam để khắc phục hậu
quả của cơn bão số 3 trong thời gian sớm nhất có thể.
Cùng với đó, trên tinh thần tương thân tương ái và lời kêu gọi của các
cơ quan chức năng trong nước, cộng đồng người Việt trong nước cũng như
cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã quyên góp tiền, trang thiết bị
và các nhu yếu phẩm cần thiết để trực tiếp và gián tiếp gửi đến nhân dân
các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 để giúp người dân sớm
ổn định cuộc sống.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin: Cho đến nay, cộng đồng người
Việt Nam ở nước ngoài đã quyên góp, ủng hộ trực tiếp 13 tỷ đồng và sẽ
tiếp tục quyên góp thêm để ủng hộ các địa phương, người dân chịu thiệt
hại do bão.
"Việt Nam luôn trân trọng sự đoàn kết quý giá, sự động viên, thăm hỏi,
hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước
ngoài với Chính phủ và nhân dân Việt Nam nhằm chung tay khắc phục những
thiệt hại to lớn do thiên tai, bão, lũ gây ra, qua đó để ổn định tình
hình, khôi phục sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm
Thu Hằng nhấn mạnh.
* Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác bảo hộ,
đảm bảo an toàn cho ngư dân, tàu thuyền Việt Nam khi tránh trú bão số 4
(Soulik) nay đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, Người Phát ngôn Bộ
Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:
Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện
số 98/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới và có khả năng
mạnh thành bão và mưa lũ, trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ
trọng tâm, kịp thời ứng phó quyết liệt, hiệu quả với cơn bão số 4, có
tên quốc tế là Soulik, hiện đang đi vào đất liền.
Thực hiện những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Ngoại
giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở Trung Quốc và một số địa bàn lân
cận đã khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để thông
báo, cập nhật thông tin về cơn bão Soulik và đề nghị các cơ quan chức
năng sở tại hỗ trợ tàu thuyền, ngư dân Việt Nam đang hoạt động trên biển
mà không kịp về đất liền để vào trú tránh bão.
Bộ Ngoại giao cũng có công hàm gửi đến các cơ quan đại diện ngoại giao
các nước tại Hà Nội để phối hợp thông tin chặt chẽ, kịp thời báo cáo về
nước để có các biện pháp hỗ trợ cần thiết trong trường hợp có ngư dân,
tàu thuyền Việt Nam cần cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi của các cơ
quan báo chí trong nước và quốc tế. (Ảnh: TTXVN)
* Trả lời câu hỏi của phóng viên về những diễn biến căng thẳng hiện nay ở khu vực Trung Đông và công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở khu vực này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:
Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, chấm
dứt xung đột, tăng cường đối thoại, giải quyết bất đồng bằng các biện
pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc,
vì lợi ích của nhân dân và vì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên
thế giới.
Theo thông tin mới đây nhất của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ai
Cập, Ai Cập kiêm nhiệm Liban, Iran và Israel, tình hình công dân Việt
Nam tại các khu vực này vẫn an toàn và ổn định. Thực hiện ý kiến chỉ đạo
của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm
Liban, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Iran và Isarel tiếp tục
phối hợp chặt chẽ với các cơ quan sở tại theo dõi sát diễn biến tình
hình, chủ động xây dựng và triển khai các phương án bảo hộ công dân, kể
cả tính đến các phương án sơ tán công dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Đối với công dân Việt Nam ở những địa bàn nêu trên, Người Phát ngôn Bộ
Ngoại giao khuyến cáo cần thường xuyên theo dõi những thông tin của
chính quyền sở tại, những cảnh báo của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại
diện Việt Nam tại các địa bàn để có phản ứng kịp thời.
Trong trường hợp công dân Việt Nam cần trợ giúp, xin hãy gọi đến Tổng
đài bảo hộ công dân của các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước nêu
trên cũng như Tổng đài bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).
Cụ thể như sau: Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập (kiêm nhiệm Liban): +201 02 613 9869; Đại sứ quán Việt Nam tại Iran: + 98 21 224 11670; Đại sứ quán Việt Nam tại Israel: +972 50 818 6116; Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.
* Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác bảo hộ
công dân Việt Nam trong vụ lật tàu cá, trong đó có 3 thuyền viên người
Việt Nam ở vùng biển gần thành phố Gunsan (Hàn Quốc) sáng 17/9 vừa qua,
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho hay:
Ngay sau khi nhận
được thông tin của cơ quan chức năng Hàn Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại
Hàn Quốc đã đề nghị cơ quan chức năng Hàn Quốc cứu chữa thuyền viên Việt
Nam, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm các chế độ
theo quy định cho các thuyền viên Việt Nam.
Cho đến nay đã xác định
không có thuyền viên nào khác ngoài 3 thuyền viên này. Hiện tại, cả 3
thuyền viên đều đang được điều trị trong bệnh viện và tình hình sức khỏe
ổn định./.