Thứ Bảy, 30/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Bảy, 3/5/2014 10:16'(GMT+7)

Việt Nam trao đổi kinh nghiệm quản lý viễn thông với Anh

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tặng quà lưu niệm ông Steve Unger - Phó Chủ tịch OFCOM.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tặng quà lưu niệm ông Steve Unger - Phó Chủ tịch OFCOM.

Tại cuộc gặp với ông Steve Unger, Phó Chủ tịch OFCOM phụ trách công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá cao hợp tác và hỗ trợ của OFCOM đối với các cơ quan quản lý viễn thông của Việt Nam gồm Cục Viễn thông và Cục Tần số trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về khung pháp lý, quản lý viễn thông, tần số, triển khai LTE (Tiến hóa dài hạn - một chuẩn cho công nghệ truyền thông dữ liệu không dây). 

Trao đổi về hiện trạng thị trường viễn thông, phát thanh truyền hình của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết ngành viễn thông Việt Nam đã có bước phát triển dài trong gần 20 năm qua: từ lĩnh vực kinh doanh độc quyền nhà nước, Việt Nam nay đã có một thị trường viễn thông cạnh tranh mạnh mẽ với 13 doanh nghiệp có hạ tầng mạng và 90 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, chủ yếu là dịch vụ Internet.

Tính đến cuối năm 2013, tại Việt Nam có hơn 135 triệu thuê bao, trong đó có hơn 126 triệu thuê bao di động. Trong lĩnh vực Internet, Việt Nam có hơn 31 triệu thuê bao internet, trong đó có hơn 8 triệu thuê bao Internet băng rộng.

Có hơn 450.000 tên miền “.vn” đã đăng ký và Việt Nam tiếp tục giữ vị trí số 1 Đông Nam Á về số lượng sử dụng tên miền cấp cao mã quốc gia, tổng số tên miền tiếng Việt đã đăng ký đạt hơn 950.000; tổng số địa chỉ IPv4 đã cấp đạt trên 15,5 triệu địa chỉ. Tổng doanh thu dịch vụ toàn ngành viễn thông năm 2013 đạt 9,9 tỷ USD. 

Việt Nam đã cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm LTE từ năm 2010. Trên cơ sở đánh giá về nhu cầu thị trường, công nghệ, thiết bị và các điều kiện khác, dự kiến Việt Nam sẽ tổ chức triển khai thông tin di động thế hệ tiếp theo 4G dựa trên công nghệ LTE/LTE-Adv từ năm 2015 với các mục tiêu sử dụng hiệu quả băng tần cao, khả năng dùng chung, chia sẻ mạng lõi/truy nhập vô tuyến… để tạo được môi trường viễn thông ngày càng cạnh tranh và phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam đang nghiên cứu chuyển đổi công nghệ 2G sang các công nghệ băng rộng 3G, 4G trên các băng tần hệ thống 2G (900, 1800 Mhz).

Đến năm 2020, sau khi hoàn thành việc số hóa truyền hình, Việt Nam sẽ sắp xếp lại băng tần trong dải 690-806 Mhz để dành cho việc triển khai thông tin di động IMT. 

Trong lĩnh vực thông tin vệ tinh, Việt Nam đã phóng thành công hai vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 sử dụng băng tần C với vùng phủ châu Á – Thái Bình Dương và băng tần Ku với vùng phủ Đông Nam Á.

Trong lĩnh vực Quan sát Trái đất, Việt Nam đã phóng thành công vệ tinh VNREDSAT-1.Việt Nam cũng đạt những bước tiến dài trong lĩnh vực phát thanh truyền hình với mạng lưới phát 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, trong đó có 3 đài phủ sóng mặt đất toàn quốc.

Nhiều chương trình phát thanh truyền hình quốc gia và một số chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá khác được phát sóng trên mạng Internet đến các khu vực và các nước trên thế giới phục vụ thông tin đối ngoại. Bên cạnh hệ thống truyền hình quảng bá, hệ thống truyền hình trả tiền tiếp tục được đầu tư, phát triển.

Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số và trong đó truyền hình số mặt đất chiếm khoảng 55% các phương thức truyền hình. 

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và các thành viên trong đoàn đã nghe lãnh đạo OFCOM chia sẻ kinh nghiệm về số hóa truyền hình, hoạt động đấu giá băng tần dôi dư từ quá trình số hóa cũng như tầm nhìn về quản lý viễn thông trong xu hướng phát triển các ứng dụng và dịch vụ mới.

Hai bên thống nhất sẽ trao đổi thêm giữa các cơ quan hữu quan để tiến tới ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác trong việc quản lý thị trường viễn thông trong điều kiện hội tụ về công nghệ, phát triển các dịch vụ viễn thông trên nền băng rộng, nâng cao việc quản lý chất lượng. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác đầu tư - thương mại, tạo điều kiện thuận lợi về mặt chính sách, khung pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông của hai nước mở rộng quan hệ hợp tác, tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh.

Lãnh đạo OFCOM hứa sẽ xem xét đề nghị của ta về việc ủng hộ ứng cử viên của Việt Nam cho vị trí thành viên của Ủy ban Thể lệ Vô tuyến (RRB) thuộc Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU)./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất