Ngày 11/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng Tổ chức Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chứng Hội thảo “Kết quả Hội nghị Rio+20 và phương hướng hành động sau Rio+20 của Việt Nam.”
Tại Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) Việt Nam đã đưa ra Báo cáo thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam và Giới thiệu một số điểm hình phát triển bền vững, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm đồng thời thể hiện quan điểm của Việt Nam về phát triển bền vững.
Trong 20 năm thực hiện phát triển bền vững đất nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Việt Nam đã chuyển từ nhóm các nước có thu nhập thấp sang nhóm các nước có thu nhập trung bình.Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 150 USD (1992) lên 1.300 USD (2011).
Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam là sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, qua đó đã tạo điều kiện, khuyến khích, thúc đẩy việc triển khai các mô hình, sáng kiến điển hình về phát triển bền vững.
Qua đó, các điển hình phát triển bền vững ở Việt Nam đã được thực hiện theo định hướng của chính sách, chiến lược quốc gia, ngành và trong khuôn khổ các chương trình hành động của ngành, địa phương phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, thể chế, văn hóa, dân tộc và truyền thống đặc thù của từng khu vực.
Tiến trình phát triển bền vững đã khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Sự kết hợp phát huy nội lực với hợp tác quốc tế đã giúp Việt Nam chủ động và thúc đẩy thực hiện đầy đủ các công ước quốc tế đã cam kết.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ Việt Nam chủ trương thực hiện các chính sách đổi mới, thu hút sự tham gia của các cá nhân, tổ chức quốc tế trong việc thực hiện định hướng phát triển bền vững.
Phương hướng hành động sau Hội nghị Rio+20, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển bền vững, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia.
Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động tăng trưởng xanh như việc phê duyệt và triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đồng thời xúc tiến thành lập Trung tâm tăng trưởng xanh của ASEAN tại Việt Nam, cũng như đăng cai Tổ chức diễn đàn Tăng trưởng xanh của các nước ASEAN tại Việt Nam vào năm 2013.
Chính phủ Việt Nam sẽ ưu tiên và tăng cường nguồn lực tài chính để thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ngoài ra, Chính phủ khuyến khích các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia cung cấp tài chính, đầu tư cho các hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu trên.
Công tác giáo dục, truyền thông, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và nâng cao vai trò tham gia của cộng đồng xã hội, mở rộng hợp tác quốc tế cũng được chú trọng trong quá trình thực hiện.
Thêm vào đó, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đặc biệt là chuyển giao các công nghệ sản xuất sạch và thân thiện với môi trường….
Tham gia hội thảo, bà Setsuke Yamazaki ghi nhận, với các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đang làm tương đối tốt. Điều đó được thể hiện qua việc các hộ gia đình đã được tiếp cận với điện. Ngoài ra, việc tăng cường Chiến lược phát triển xanh dự kiến sẽ mang tới cho Việt Nam nền sản xuất sạch, cùng sự tăng trưởng nguồn năng lượng tái tạo.
“UNDP Việt Nam đã thông qua một kế hoạch cho giai đoạn 2012-2016 với cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Chính phủ và người dân Việt Nam tiếp tục đạt các thành tựu về tăng trưởng, hòa nhập, công bằng và phát triển bền vững,” bà Setsuke Yamazaki nói./.
Linh Chi (Vietnam+)