Đoàn đại biểu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam đã thăm và làm việc tại Nga bàn về nhiều vấn đề hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động nghị viện và giám sát tư pháp.
Trong hai ngày 20 và 21/6 đoàn đại biểu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam do bà Lê Thị Nga, Chủ tịch Ủy ban, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại hai viện của Quốc hội Liên bang Nga, Bộ Tư pháp, Cơ quan thi hành án liên bang để bàn về nhiều vấn đề hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động nghị viện nói chung và giám sát tư pháp nói riêng giữa hai cơ quan lập pháp.
Tại cuộc làm việc sáng 21/6 tại trụ sở Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga với Phó Chủ nhiệm Ủy ban luật Hiến pháp và Xây dựng nhà nước Aleksander Karlin cùng một số đại diện các cơ quan của Thượng viện, lãnh đạo lĩnh vực tư pháp các tỉnh lớn của Liên bang Nga, hai bên đã trao đổi chi tiết và cụ thể các vấn đề hợp tác giữa hai ủy ban cùng lĩnh vực trong cơ quan lập pháp.
Bà Lê Thị Nga khẳng định hợp tác giữa hai cơ quan nhằm mục tiêu chung thúc đẩy hợp tác ngoại giao nghị viện giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga. Hệ thống pháp luật của Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ hệ thống pháp luật của Nga, những cán bộ đầu đàn của ngành tư pháp Việt Nam cũng được đào tạo tại Liên Xô cũ.
Hiện nay hệ thống pháp luật của Liên bang Nga đã được thay đổi rất nhiều cho phù hợp với thời đại mới, và kinh nghiệm xây dựng luật một cách chất lượng, bảo đảm sức sống của luật luôn rất hữu ích cho Việt Nam. Đây cũng là mục đích chính của chuyến thăm và làm việc của Ủy ban đến Nga lần này.
Về phần mình, ông A.Karlin hoan nghênh chuyến công tác của đoàn, khẳng định lãnh đạo Liên bang Nga nói chung và lãnh đạo Cơ quan lập pháp nói riêng luôn duy trì chính sách nhất quán củng cố, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Ông đề nghị hai bên thảo luận các biện pháp tăng cường hợp nữa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước, đặc biệt là hợp tác giữa các ủy ban chuyên môn.
Sau đó, các đại biểu tích cực thảo luận ở cả hai hình thức hỏi-đáp và cùng chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề cụ thể trong hoạt động lập pháp, nâng cao chất lượng của các đạo luật cũng như cải cách tư pháp.
Chiều cùng ngày, đoàn đã đến làm việc tại Bộ Tư pháp. Thứ trưởng Mikhail Galperin, Đại diện Nga tại Tòa án Nhân quyền châu Âu, chỉ ra rằng từ năm 2010 Bộ Tư pháp Liên bang Nga đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Tư pháp Việt Nam. Trong khuôn khổ hợp tác hai chiều, hai bên quan tâm đến rất nhiều lĩnh vực, trong đó được chú trọng nhất hiện nay là lĩnh vực giám định, luật giám định, luật hành chính.
Ông Galperin cho biết đã mời đến cuộc làm việc đại diện của nhiều bộ ngành liên quan để đảm bảo cho cuộc làm việc có thể đề cập đến nhiều vấn đề nhất theo nguyện vọng của phía Việt Nam.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam Lê Thị Nga cho biết, Việt Nam chuẩn bị sửa đổi luật giám định tư pháp, và mục đích của cuộc làm việc với Bộ là để tìm hiểu hoạt động giám định này ở Liên bang Nga, từ đó rút ra kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế Việt Nam. Hiện Việt Nam đã hoàn thiện được tương đối tốt hệ thống các giám định truyền thống như giám định pháp y, giám định ký thuật hình sự, giám định thương tích... Song Việt Nam đang gặp vướng mắc lớn nhất trong giám định vụ việc phục vụ cho công tác điều tra trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng cũng như một số lĩnh vực mới mẻ và nhạy cảm xã hội. Dựa vào các câu hỏi mà thành viên trong đoàn đặt ra, hai bên cùng chia sẻ thực tế, từ đó tìm ra những khía cạnh có thể hợp tác để hoàn thiện hệ thống.
Trước đó, chiều 20/6, tại trụ sở Duma Quốc gia (Hạ viện), đoàn đã có buổi làm việc với bà Olga Yepifanova, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga cùng một số nghị sỹ trong Nhóm Nghị sỹ hữu nghị với Việt Nam.
Tại buổi làm việc, hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ giữa hai nước nói chung và quan hệ giữa quốc hội hai nước ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Năm 2018, mối quan hệ giữa Quốc hội hai nước đã được nâng lên một tầm cao mới với việc ký kết văn kiện về việc thành lập Ủy ban liên nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga. Đây là một cơ chế mới nhằm giám sát việc thực hiện các thỏa thuận song phương đã ký. Hai bên cũng nhất trí sẽ làm hết sức mình đóng góp tổ chức thành công các hoạt động hợp tác liên nghị viện cũng như các hoạt động khác trong khuôn khổ Năm chéo hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga.
Bà O.Yepifanova bày tỏ vui mừng khi được gặp và làm việc với đoàn đại biểu Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam và khẳng định tất cả các đảng trong Duma quốc gia đều ủng hộ phát triển quan hệ với Việt Nam. Bà cho biết Nga đang chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Sự phát triển của chế độ đại nghị lần thứ hai và mời Việt Nam cử đại biểu tham dự, có bài phát biểu tại các phiên thảo luận của diễn đàn.
Bà cũng hy vọng Việt Nam sẽ cử các nữ nghị sỹ tham gia vào các cuộc gặp của các nữ nghị sỹ tại các diễn đàn mà hai nước cùng tham gia như Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA)...
Đáp lại, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam Lê Thị Nga cảm ơn Nga đã ủng hộ Việt Nam ứng cử thành công vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và bày tỏ hy vọng trong thời gian tới tới sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía Nga, giúp Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm kỳ Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của mình.
Lãnh đạo Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam đề nghị phía Nga tiếp tục thúc đẩy, giúp tháo gỡ khó khăn để bà con người Việt tại Liên bang Nga ổn định cuộc sống, có những đóng góp tích cực cho cả hai nước Liên bang Nga và Việt Nam, trên cơ sở tuân thủ pháp luật của Liên bang Nga và trở thành cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa hai nước; mong muốn bà Phó Chủ tịch và các nghị sỹ trong Duma quốc gia ủng hộ chủ trương miễn thị thực cho công dân Việt Nam mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin đã bàn bạc trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng tháng Năm vừa qua.
Lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam khẳng định nhất trí với những đề xuất mà bà Yepifanova nêu ra và cho biết Việt Nam rất quan tâm và ủng hộ các diễn đàn mà Nga khởi xướng và tổ chức, tới đây Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ cử ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tham dự Diễn đàn Sự phát triển của chế độ Nghị viện lần thứ hai mà Nga sẽ tổ chức vào đầu tháng Bảy.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn đại biểu Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam sẽ còn có cuộc làm việc với cơ quan lập pháp thành phố lớn thứ hai của Nga là Saint-Petersburg, sau đó tiếp tục chuyến công tác tại Cộng hòa Ba Lan./.
Tâm Hằng (TTXVN/Vietnam+)