Năm 2008 không hề có những sự kiện lớn như World Cup hay Asian Cup, nhưng vẫn là một năm tương đối sôi động đối với bóng đá châu Á. Cây viết John Duerden của tạp chí Goal đã bình chọn ra mười sự kiện lớn nhất của bóng đá châu Á trong 12 tháng qua.
1.Qatar để cầu thủ không được quyền thi đấu vào sân
Câu chuyện lớn nhất của năm là sự kiện Qatar để cho một cầu thủ không được quyền thi đấu vào sân trong trận gặp Iraq ở vòng loại World Cup 2010. Kết quả, phần thắng nghiêng về Qatar.
Iraq sau đó đã khiếu nại lên FIFA và Tòa án thể thao quốc tế, nhưng bị bác bỏ với lý do khiếu nại quá muộn và không đủ tiền trả lệ phí cho vụ kiện.
2. Chuyển trụ sở LĐBĐ châu Á
LĐBĐ châu Á vẫn đóng tại Kuala Lumpur kể từ năm 1965. Chủ tịch LĐ Mohamed Bin Hamman đã khiến cho người dân Malaysia bất ngờ khi đưa ra lời đề nghị các quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên khác đăng cai địa điểm cho trụ sở LĐ. UAE, Qatar và Singapore đều đang rất hào hứng với lời đề nghị này.
3. Quy chế chuyển nhượng mới cho châu Á
Quy chế này được Nhật Bản đề xuất đầu tiên, và bây giờ được áp dụng cho cả châu Á. Quy chế này cho phép các CLB châu Á ký hợp đồng với cầu thủ từ các nền bóng đá thành viên của Liên đoàn bóng đá châu Á mà không bị tính vào giới hạn ba cầu thủ nước ngoài như thường lệ. Các CLB của A-rập đã hưởng ứng ngay quy chế mới này khi bắt đầu để mắt tới tiềm năng của các CLB phương Đông.
4.Thất bại của bóng đá châu Á tại Olympic
Bóng đá châu Á lại gặp khó tại Olympic 2008, mặc dù sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này diễn ra tại châu Á. Hàn Quốc có vẻ còn gắng gỏi được để giành được ít nhất một trận thắng, nhưng không lâu sau đó vẫn bị loại. Chủ nhà Trung Quốc lại không chứng tỏ được khả năng vượt trội của mình như ở các môn thể thao khác, và một lần nữa lại chứng minh trên sân nhà họ dễ bị “bắt nạt” như thế nào. Australia chỉ giành được duy nhất một điểm, còn Nhật Bản thì gây thất vọng hơn khi thua cả ba trận.
5. Gamba Osaka và bóng đá Nhật Bản
Đây là năm thứ hai, một đội bóng Nhật Ban giành ngôi vô địch Champions League châu Á, và cũng là năm thứ hai, một đội bóng Nhật khiến cho các nhà vô địch châu Âu lúng túng tại giải vô địch thế giới các CLB FIFA. Đó chính là Gamba, đội bóng nhận được lời khen từ khắp nơi trên thế giới.
6. Các cầu thủ Iraq được huấn luyện tại Baghdad
Hồi tháng 9, các nhà vô địch Asian Cup cuối cùng cũng đã trở lại huấn luyện tại Baghdad. Đây là lần đầu tiên đội tuyển Iraq xuất hiện tại thủ đô kể từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ. Đây là khoảnh khắc đầy xúc động, và xét trên khía cạnh thể thao, nó gợi lại cho chúng ta thấy, thể thao đã vượt qua những khó khăn về chính trị, chiến tranh như thế nào để giành được vinh quang. Thủ môn Noor Sabri chia sẻ: “Chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh khi được trở lại Baghdad với một HLV người nước ngoài. Chúng tôi thật hạnh phúc khi được tập luyện ngay trên sân của mình, trước các cổ động viên”.
7. Việt Nam vô địch Đông Nam Á
Một chiến thắng cho thấy bóng đá có ý nghĩa to lớn như thế nào đối với cả một dân tộc. Chiến thắng khiến người dân cả nước đổ ra đường ăn mừng khắp nơi, từ Hà Nội, Huế… cho đến thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi vô địch của đội tuyển Việt Nam đến vào đúng thời điểm năm mới sắp tới, vì thế người ta có thể thấy cảnh chưa một năm mới nào được người Việt đón chào đầy hứng khởi như đón năm 2009.
Đội bóng “Cờ đỏ Sao vàng” đã phải trải qua một chặng đường khá gian nan để giành được ngôi vô địch, với chiến thắng trước hai cựu vô địch là Thái-lan và Singapore. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có tiếp tục phát triển lên một tầm cao hơn hay không? Đó là câu hỏi cho năm 2009.
8. Rivaldo và Zico (và suýt nữa cả Eto’o) đến chơi bóng tại Uzbekistan
Những năm gần đây Uzbekistan đã thiết lập được tầm ảnh hưởng của mình đối với bóng đá châu Á, tuy nhiên bên ngoài châu Á vẫn chưa biết đến nhiều, cho đến khi việc CLB Bunyodkor khiến công chúng kinh ngạc khi suýt nữa đạt được thỏa thuận mời Eto’o về đầu quân. Thậm chí các tay săn ảnh còn chộp được cảnh Eto’o xuất hiện tại đất nước Trung Á này để xem xét bản hợp đồng táo bạo nhất của bóng đá Uzbekistan. Tuy nhiên sự việc đã không thành công, thay vào đó, Bunyodkor đã mời được Rivaldo tham gia đội bóng, và sau đó là huyền thoại Zico. Kết thúc mùa bóng, Bunyodkor giành ngôi vô địch Ukraine và đứng thứ tư tại Champions League châu Á.
9. Maldives giành Cúp Đông Á
Điều gì sẽ xảy ra khi một hòn đảo nhỏ xíu với vỏn vẹn 300 nghìn dân đánh bại “vị hàng xóm” Ấn Độ hùng mạnh hơn nhiều lần, có dân số hơn một tỷ? Đó là thành tích của hòn đảo Maldives tại giải vô địch Liên đoàn bóng đá Nam Á mùa hè qua.
10. Persepolis giành ngôi vô địch Iran đầy kịch tính
Trên thế giới chắc chắn có rất ít trường hợp đăng quang đầy kịch tính như vậy. Persepolis đã đứng đầu bảng trong suốt nửa đầu giải vô địch Iran, thế nhưng phong độ sa sút cộng với án phạt trừ sáu điểm đã khiến đội bóng tụt lại sau và kém đội Sepahan hai điểm. Trận cuối cùng tiếp Sepahan trên sân nhà Azadi, phải đến tận phút thứ 96 Persepolis mới giành được chiến thắng bằng pha đánh đầu của Sepehr Heidari để đăng quang ngôi vô địch một giải đấu đầy cam go./.
(Theo Nhân Dân điện tử)