Thứ Tư, 2/10/2024
Môi trường
Thứ Năm, 16/10/2008 21:40'(GMT+7)

VN kêu gọi quốc tế hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sinh kế của người dân Việt Nam

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sinh kế của người dân Việt Nam

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày lương thực thế giới và 30 năm hợp tác Việt Nam-FAO được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, dù đã tự chủ được lương thực và xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo mỗi năm, nhưng Việt Nam đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn của biến đổi khí hậu, trong đó khu vực ven biển là một trong những vùng có khả năng tổn thương lớn nhất.

Mặc dù chỉ chiếm 12% về diện tích lãnh thổ nhưng khu vực này lại là nơi sinh sống của 23% dân số việt Nam và có khả năng bị ngập khi mực nước biển dâng cao 1 m trong tương lai.

Bộ trưởng cũng khẳng định an ninh lương thực đang là mối quan tâm sâu sắc của Việt Nam, đất nước có gần 70% dân số sống ở nông thôn, nguồn thu nhập phụ thuộc lớn vào nông nghiệp, trong khi sản xuất nông nghiệp luôn gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng đang làm mất đi hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp mỗi năm cũng là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam hiện nay.

Trong bối cảnh này, Bộ vẫn đang tiếp tục những nỗ lực cho kế hoạch hành động giảm thiểu tác động và thích ứng với những tác động mới, trong đó có những kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cam kết quốc tế.

Về phía FAO, ông Andrew Speedy, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cũng như toàn thế giới đang phải đối mặt với ba vấn đề lớn là khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng lương thực và khủng hoảng nhiên liệu.

Tuy nhiên ông Andrew Speedy cũng nhận định việc sản xuất ethanol từ ngô và các loại ngũ cốc khác cũng đang là một phần nguyên nhân dẫn tới việc tăng như cầu các loại cây lương thực và hậu quả là việc giá lương thực tăng. Bởi vậy, ông khuyến cáo Việt Nam chưa nên triển khai chương trình này trong khi vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

Chủ đề của Ngày Lương thực Thế giới năm nay là “Thách thức từ biến đổi khí hậu và năng lượng sinh học”. Nhân dịp này, Chính phủ Việt Nam và tổ chức FAO cũng đã cùng đánh giá kết quả và bài học kinh nghiệm trong 30 năm hợp tác vừa qua và thảo luận về phương hướng hợp tác trong thời gian tới.

* Cũng trong ngày hôm nay, 16-10, Viện Chiến lược và Chính sách (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Báo cáo đánh giá của Việt Nam về biến đổi khí hậu” tại Hà Nội.

Các báo cáo tại hội nghị đã phân tích và đánh giá những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam theo phân vùng khí hậu với 7 vùng địa lý gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Việc phân chia này sẽ giúp việc đánh giá ảnh hưởng và tìm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đối với từng vùng chính xác hơn.

Tại Hội thảo đa số các đại biểu đều chỉ rõ ảnh hưởng đầu tiên và rõ nét nhất của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là nước biển dâng và vùng bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu là miền Tây Nam Bộ và các tỉnh thuộc hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn. Miền bắc có dải đê biển kiên cố từ thời Nguyễn Công Chứ và đã được bổi đắp từ đó đến nay, còn dải ven biển miền trung có những dải cồn cát tự nhiên cao từ 20-30m rộng 1-3 mét nên hai vùng này ít bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Còn miền Tây Nam Bộ và các tỉnh thuộc hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn có nền đất thấp, địa chất dễ sụt lún, ngoài ra việc xây dựng thành phố cũng đè nặng lên nền đất nên bị ảnh hưởng lớn nhất khi nước biển dâng. Triều cường diễn biến phức tạp trong những năm qua ở TP. Hồ Chí Minh là một minh chứng.

TG (theo TTX, Báo Điện tử ĐCS)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất