Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực quốc tế (FAO), thông qua Phòng thí nghiệm liên hợp FAO/IAEA đã tổ chức trao giải thưởng cho các cá nhân và tổ chức của các nước thanh viên đã có thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống phục vụ cho việc bảo đảm an ninh lương thực.
Cuộc trao giải lần này được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Phòng thí nghiệm liên hợp FAO/IAEA giữa Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực quốc tế (FAO) về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực nông nghiệp và lương thực và nhân dịp Đại hội đồng IAEA lần thứ 58 diễn ra từ ngày 22 đến 26/9/2014 tại Thành phố Vienna, nước Áo.
Thông qua Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam đã gửi 3 hồ sơ đăng ký xét tặng giải thưởng và cả 3 hồ sơ đều được IAEA, qua một quá trình xét duyệt rất chặt chẽ với các tiêu chí định lượng cụ thể, trao giải trong đó có một giải thưởng được xếp loại “thành tựu xuất sắc” về các kết quả đã đạt được trong lĩnh vực đột biến tạo giống bằng bức xạ.
Giải thưởng “thành tựu xuất sắc” về đột biến tạo giống trao cho Viện Di truyền Nông nghiệp là một trong các đơn vị đi đầu trong lĩnh vực tạo giống bằng đột biến phóng xạ. Viện đã tạo ra được nhiều giống cây trồng như lúa, ngô, đậu tương, hoa,…được công nhận là giống quốc gia và được gieo trồng trên hàng trăm nghìn ha.
Hai giải thưởng khác trao cho tập thể Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam và Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh, và cho 2 cá nhân (Hồ Công Cua và Trần Tấn Phương) thuộc Sở KH&CN Long An đã đạt được các thành tích trong lĩnh vực đột biến tạo giống.
Việt Nam là một nước nông nghiệp với trên 70% dân số tham gia sản xuất nông nghiệp. Chính phủ Việt Nam đã chủ trương đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, trong đó có khoa học và công nghệ hạt nhân trong lĩnh vực lương thực và nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực và đã đưa Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu lương thực trở thành một nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu lúa, gạo.
Đột biến tạo giống bằng bức xạ là kỹ thuật được nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam từ những năm 1970. Với sự giúp đỡ của IAEA, từ những năm 1980, thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật, các cơ sở nghiên cứu nông nghiệp của Việt Nam (Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và một số sở KH&CN) đã đẩy mạnh hướng nghiên cứu ứng dụng này. Nhiều giống đột biến phóng xạ đã được tạo ra với năng suất cao, chất lượng tốt và chống chịu được với các điều kiện môi trường khắc nghiệt như nhiễm mặn, chống chịu sâu bệnh. Một trong 5 giống lúa phục vụ xuất khẩu chủ lực hiện nay của Việt Nam là được tạo ra từ đột biến phóng xạ. Trên 50% diện tích đất canh tác đậu nành hiện nay là sử dụng giống đột biến phóng xạ.
Việt Nam được IAEA đánh giá là nước đứng hàng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống. Hiện nay hàng năm Việt Nam sản xuất 43 triệu tấn lúa, xuất khẩu 6 triệu tấn mang về trên 3 tỷ USD. Sản xuất lúa không chỉ đem lại an ninh lương thực cho Việt Nam mà còn giúp cho người nông dân tăng thu nhập, giảm đói nghèo trong thời gian qua. Các giống lúa đột biến hiện được gieo trồng trên 3,5 triệu ha và đã làm tăng thu nhập cho người nông dân trên hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Giống lúa đột biến VND-95-20 với chất lượng cao và khả năng chống chịu ngập mặn là giống chủ lực để xuất khẩu đã chiếm 30% trên tổng số 1 triệu ha đất canh tác tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Giống lúa đột biến VND-99-3 với chất lượng cao thích hợp cho xuất khẩu có thời gian sinh trưởng chỉ 100 ngày và có thể gieo trồng 3 vụ một năm.
Giống lúa đột biến DT10 được tạo ra trong những năm 1990 và từ đó đến nay đã tạo ra tổng giá trị thu nhập lên đến 3 tỷ USD, tăng thêm 537,6 triệu USD so với việc sử dụng các giống cũ. Trên 3 triệu nông dân đã được hưởng lợi từ việc sử dụng giống lúa này.
Năm 2007, giống Kháng Dân đột biến đã được tạo ra và nhanh chóng trở thành một giống quan trong trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Dự kiến sẽ có 1,2 triệu ha đất được sử dụng để trồng loại lúa này tạo ra khoảng 268,8 triệu USD thu nhập tăng thêm cho khoảng 1,5 triệu nông dân.
Tham dự lễ trao giải thưởng của IAEA ngày 24/9/2014, có Tổng Giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano và các quan chức của IAEA, đại diện của các nước tham dự khóa họp Đại hội đồng IAEA lần thứ 58. Đoàn Việt Nam tham dự khóa họp Đại hội đồng IAEA lần thứ 58 đã tham dự buổi lễ do Đại sứ Nguyễn Thiệp dẫn đầu, trong đoàn còn có có các vị lãnh đạo của Viện Năng lượng Nguyên tử VN, Cục NLNTVN, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân…
Trước đó, Phòng thí nghiệm liên hợp FAO/IAEA đã tổ chức họp báo về các thành tựu của việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực đột biến tạo giống. Đại sứ Nguyễn Thiệp là đại biểu duy nhất của các nước thành viên IAEA được mời tham gia họp báo và phát biểu với báo giới.
Đại sứ đã nhấn mạnh về chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội, trong đó có khoa học và công nghệ hạt nhân, trong lĩnh việc nông nghiệp và phát triển nông thôn phục vụ mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
T.M/VietNamNet (Theo tài liệu Varans)