Hầu hết các ý kiến trong phiên tranh tụng sáng 20/12 đều thừa nhận tội danh bị Viện Kiểm sát truy tố là có cơ sở, tuy nhiên cũng đưa ra một số lập luận về tính chất hành vi vi phạm của các bị cáo.
Sáng 20/12, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), sau khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội, các bị cáo đã tự bào chữa cho mình.
Các luật sư cũng tham gia tranh luận, trình bày quan điểm bào chữa cho các thân chủ của mình.
Hầu hết các ý kiến trong phiên tranh tụng sáng 20/12 đều thừa nhận tội danh bị Viện Kiểm sát truy tố là có cơ sở, tuy nhiên cũng đưa ra một số lập luận, trình bày về tính chất hành vi vi phạm của các bị cáo đã thực hiện với vai trò đồng phạm một cách mờ nhạt, giản đơn, có mức độ... Qua đó, các bị cáo và luật sư xin được giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Phạm Thị Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc MobiFone) nói ngoài vụ án này, bản thân bị cáo không tham gia vào dự án nào khác của MobiFone.
Trong quá trình thực hiện dự án, bị cáo đã nhiều lần băn khoăn và cố gắng nêu lên những băn khoăn đó để dự án được thực hiện thận trọng hơn.
Bị cáo Phạm Thị Phương Anh trình bày, trong suốt quá trình làm việc với cơ quan điều tra và các phiên thẩm vấn tại phiên tòa, bị cáo đã biết mình sai. Đó là một sai lầm nặng nề và đau xót. Vì thế, bị cáo nói riêng và các bị cáo trong vụ án nói chung rất mong được nhận sự khoan dung của pháp luật, của Hội đồng xét xử, để các bị cáo có cơ hội được sửa chữa sai lầm.
Đồng tình với tội danh đã được nêu trong cáo trạng và bản luận tội của Viện Kiểm sát, tuy nhiên, luật sư bào chữa cho bị cáo Phương Anh vẫn cho rằng mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị là cao.
Luật sư cho rằng trong vụ án này, để xác định đúng vị trí, vai trò, mức độ vi phạm của bị cáo, Hội đồng xét xử và Viện Kiểm sát cần xem xét kỹ hoàn cảnh phạm tội, đặc biệt là vai trò giúp sức của bị cáo.
Bởi theo nội dung trong cáo trạng và bản luận tội, Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone ngay từ đầu đến cuối đều có sự chỉ đạo xuyên suốt của các bị cáo trong Bộ Thông tin và Truyền thông. Điều này có ý nghĩa quyết định rất lớn trong dự án này.
Luật sư nêu quan điểm MobiFone là một đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, bị cáo Phương Anh lại là cấp dưới, là người giúp việc cho các lãnh đạo của MobiFone. Do vậy, trong hoàn cảnh này, ý chí của bị cáo Phạm Thị Phương Anh và nhóm những người được phân công giúp việc rõ ràng có những hạn chế nhất định.
Luật sư mong muốn Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo Phạm Thị Phương Anh được hưởng án treo.
Bào chữa cho bị cáo Hồ Tuấn, các luật sư không tranh luận về tội danh truy tố được nêu trong cáo trạng và trong bản luận tội. Luật sư đánh giá cách điều hành phiên tòa của Hội đồng xét xử là công minh, tuân thủ pháp luật, đã thẩm vấn công khai, minh bạch từng vấn đề, tạo điều kiện cho bị cáo được trình bày các vấn đề của mình.
Về bản luận tội của Viện Kiểm sát, luật sư cho rằng các quan điểm đánh giá vai trò của bị cáo Hồ Tuấn khá khách quan, tuy nhiên còn nặng nề, chưa áp dụng hết các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Hồ Tuấn.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Hồ Tuấn cho rằng đây là một vụ án đặc biệt, được dư luận quan tâm về vị trí, chức vụ của các bị cáo và số tiền phạm tội lớn. Tuy nhiên, các luật sư mong muốn Hội đồng xét xử áp dụng tinh thần nhân văn cho các bị cáo bởi số tiền phạm tội cơ bản đã được thu hồi.
Hơn nữa, trong vụ án này, bị cáo Hồ Tuấn không được phân công trách nhiệm gì, chỉ tham gia biểu quyết trong một số cuộc họp vì bị cáo là thành viên Hội đồng thành viên.
Bị cáo Hồ Tuấn cũng không được tiếp cận bất kỳ tài liệu gì trước khi tham gia biểu quyết, thậm chí còn có những phát biểu thận trọng về dự án khi tham gia các cuộc họp của Hội đồng thành viên.
Theo các luật sư, vai trò phạm tội của bị cáo Hồ Tuấn trong vụ án này là mờ nhạt, giản đơn... Vì vậy, các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Hồ Tuấn.
Chiều 20/12, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận./.
Theo TTXVN