Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 11/5/2018 14:58'(GMT+7)

Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung: Giàu tiềm năng, thiếu liên kết

Sau 10 năm thành lập, Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã góp phần hình thành nền móng liên kết giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn miền Trung. Thế nhưng vì lợi ích cục bộ, mỗi địa phương làm một kiểu khác nhau, chưa có sự liên kết chặt chẽ, thiếu hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Khách du lịch tàu biển tại Cảng Chân Mây trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

 

Thời gian qua, các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng đã giải quyết công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Tuy nhiên, hiện nhiều khu kinh tế và khu công nghiệp trong vùng chưa tạo được bước đột phá trong phát triển công nghiệp. Các khu công nghiệp hoạt động kém hiệu quả.

TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp đánh giá, giữa các khu kinh tế và khu công nghiệp trong vùng còn thiếu sự gắn kết, tính cục bộ địa phương trong quy hoạch và phát triển khá phổ biến.

TS. Giám nhận định, do được thành lập quá dày và với mô hình phát triển gần giống nhau nên các khu kinh tế hầu như chưa liên kết phát triển. Cơ sở hạ tầng giữa các khu kinh tế hầu như chưa hoàn chỉnh và khả năng kết nối giữa các khu kinh tế với nhau và hệ thống giao thông quốc gia còn hạn chế.

Đối với khu công nghiệp, theo TS. Giám, bước đầu đã hình thành sự phân vai trong thu hút đầu tư nhưng việc triển khai thì chưa thực sự rõ nét và quy mô các Khu Công nghiệp còn nhỏ nên không phát huy được, chưa tạo điều kiện để thu hút các dự án lớn của nhà đầu tư nước ngoài.

vung kinh te trong diem mien trung giau tiem nang nhung thieu lien ket hinh 2
Hội nghị Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung.

Theo ông Đàm Minh Lễ, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu Công nghiệp Quảng Ngãi, để các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng phát triển nhanh, phải có cơ chế điều phối, quản trị vùng cũng như xây dựng cơ chế chính sách thích hợp, thúc đẩy liên kết phát triển nhanh hơn.

Đặc biệt, ông Lễ lưu ý, cần phát triển hạ tầng giao thông trong vùng như: xây dựng và kết nối các con đường ven biển, mở rộng các sân bay và các tuyến đường cao tốc trong vùng.

PGS., TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Thành viên nhóm hợp tác tư vấn Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung cho rằng, tiềm năng lợi thế các tỉnh miền Trung cơ bản là giống nhau.

vung kinh te trong diem mien trung giau tiem nang nhung thieu lien ket hinh 3
PGS., TS. Trần Đình Thiên

Muốn tạo sự khác biệt, theo TS. Thiên, các tỉnh cần tạo ra những giá trị, lợi thế mới. Lâu nay, các tỉnh miền Trung chỉ thu hút được những nhà đầu tư nhỏ với tâm lý để lấp đầy các khu kinh tế, các khu công nghiệp chứ chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn.

Ông Trần  Đình Thiên nhấn mạnh, các địa phương trong vùng cần chú ý thu hút các nhà đầu tư lớn để có thể định hình chân dung của một khu công nghiệp, làm thay đổi bộ mặt của tỉnh.

Đến nay, các khu kinh tế, khu công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã thu hút được hơn 1.280 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 500.000 tỷ đồng, vốn thực hiện hơn 210.000 tỷ đồng, thu ngân sách khoảng 36.000 - 40.000 tỷ đồng.

Mặc dù các khu kinh tế, khu công nghiệp trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung góp phần tạo ra năng lực sản xuất mới nhưng vẫn chưa có bước đột phá trong phát triển công nghiệp; sự phối hợp liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa cao; tính hợp tác còn mang nặng hình thức…

Ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các địa phương tăng cường liên kết thông qua những chương trình hợp tác cụ thể hơn.

Bên cạnh nỗ lực phát triển kinh tế riêng, ông Hải cho rằng, cần có tầm nhìn dài hạn trong mối liên hệ tuân thủ chung của cả vùng. Hội đồng vùng phải quyết liệt hơn, năng động hơn để tạo ra những định hướng và cơ chế chung cho cả vùng thì mới thúc đẩy phát triển.

Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung được thành lập từ năm 2008, gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. 
Vùng Kinh tế này hiện có 4 khu kinh tế gồm: Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế; Chu Lai, tỉnh Quảng Nam; Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi và Nhơn Hội, tỉnh Bình Định cùng 19 khu công nghiệp./.

Theo vov.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất