Hạn hán, xâm nhập mặn đang khiến hàng triệu người dân các tỉnh Tiền
Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang… bị ảnh hưởng nghiêm
trọng. Nhiều diện tích lúa, hoa màu có nguy cơ mất trắng vì thiếu nước
tưới và ngập mặn.
Các địa phương đang nỗ lực nạo vét kênh mương, ngăn mặn trữ ngọt điều
tiết nước tưới và nước sinh hoạt cho người dân. Biến đổi khí hậu đang
trở nên gay gắt.
Vượt rào xuống giống
Tính đến ngày 17/2, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có hơn
300.000ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại; trong đó có hơn 100.000ha bị ảnh
hưởng nghiêm trọng có thể giảm năng suất từ 30%-70%. Vườn cây ăn trái,
hoa màu ở các tỉnh này cũng lâm vào tình trạng phải sử dụng nguồn nước
nhiễm mặn để tưới, báo hiệu năng suất thấp trong vụ lúa tới.
Mặc dù đã được cảnh báo những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới từ đầu
tháng 1, nhưng nhiều hộ nông dân vẫn xuống giống nhằm vớt vát được chút
nào hay chút ấy. Đến khi các cơ quan chức năng phát hiện các trà lúa này
thì đã muộn. Chính vì vậy, đến khi nguồn nước nhiễm mặn, các trà lúa
được 1 tháng đang ngậm sữa bị héo dần, khô và chết.
Địa phương chịu thiệt hại nặng nhất do xâm nhập mặn gồm: Kiên Giang với
hơn 34.000ha lúa Đông Xuân bị mất trắng; Cà Mau hơn 10.000ha, Hậu Giang
thiệt hại hoàn toàn hơn 700ha và 300ha bị nước tràn đê có nguy cơ giảm
năng suất... Tỉnh Bến Tre cũng mất trắng hơn 10.000ha và 4.000ha lúa
đang trong vùng bị ảnh hưởng.
Theo ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, với
tình trạng xâm mặn hiện nay, nếu không có giải pháp cấp bách, tức thời
thì mức độ thiệt hại sẽ còn tăng cao. Trà lúa của các tỉnh lân cận như
Cần Thơ, Hậu Giang cũng sẽ rơi vào tình trạng như Kiên Giang, Cà Mau;
thậm chí vụ lúa Hè Thu cũng sẽ không xuống giống được hoặc xuống giống
cũng sẽ chết như lúa Đông Xuân.
Khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy các trà lúa Đông Xuân tại 2
huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre khô
héo, cháy lá và ruộng nứt nẻ vì thiếu nước ngọt, người dân chán nản nên
bỏ ruộng ngay từ khi lúa chỉ được 1 tháng.
Thế nhưng có nhiều hộ "tiếc của" cố gắng theo kiểu còn nước còn tát, bón
phân, bơm nước ngọt nhưng chính nguồn nước này cũng bị nhiễm mặn đến
2,9 phần nghìn, trong khi cây lúa chỉ chịu được ngưỡng thấp hơn 2 phần
nghìn. Do đó, với các hộ từ bỏ sớm thì thiệt hại ít mà càng cố gắng lại
thiệt hại càng nhiều.
Anh Hồ Thanh Tân, trú tại tại ấp 7, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, Bến Tre
cho biết, ruộng của gia đình anh ở trong vùng canh tác và cả vùng được
cảnh báo không được canh tác. Nhưng vì gia đình tiếc ruộng nên cố gắng
xuống giống cả hai nơi. Kết quả cuối cùng khi xuống giống được 20 ngày
thì ruộng trong vùng cảnh báo hoàn toàn không có nước tưới và ruộng có
thể canh tác lại chết dần do nước nhiễm mặn mà anh vẫn cố gắng bơm vào.
Tính đến ngày 17/2, độ mặn trong kênh Trục 418, kênh nước chính phục vụ
cho tưới ruộng, hoa màu và sinh hoạt của người dân các xã trong huyện Ba
Tri đạt 5 phần nghìn, đến cả cây cỏ còn chết thì cây lúa khó mà sống
nổi.
Tôm, hoa màu cũng khó cầm cự
Xâm nhập mặn năm nay mang tính lịch sử và được dự báo sẽ kéo dài ít nhất
6 tháng, thậm chí những đợt xâm mặn này có nguy cơ xảy ra thường xuyên
hơn, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Ngoài những trà lúa Đông Xuân bị
ảnh hưởng thì các vườn cây ăn trái, hoa màu, thủy sản cũng nằm trong mối
nguy cơ đe dọa từ giảm năng suất đến thiệt hại hoàn toàn.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, nếu mặn
cứ kéo dài và các hệ thống cống ngăn mặn chưa hoàn thiện, hoặc chỉ hoàn
thiện một nửa cũng không đủ sức ngăn mặn và giúp nông dân trữ nước ngọt
phục vụ cho sinh hoạt, nuôi tôm.
Đến thời điểm này, hơn 18.000ha lúa tôm và 40.000ha lúa Đông Xuân đang
bị ảnh hưởng mặn. Nếu mặn kéo dài và chưa có biện pháp cấp tốc thì toàn
bộ diện tích nuôi tôm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ mất
trắng.
Vườn cây ăn trái ở nhiều tỉnh bị nước mặn xâm nhập sẽ có nguy cơ giảm
năng suất, nhiều nơi mất trắng. Vườn cam gần 2 ha của ông Nguyễn Văn
Hiến tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đang được gia
đình cố gắng cứu vớt bằng cách khi thủy triều xuống thấp lấy nước ngọt
trong các kênh rạch tưới rửa mặn.
Nhưng nhiều vườn diện tích lớn, nước dự trữ không đủ sức tưới, một số hộ
phải mở cửa cống để lấy nước ngọt nhưng lại lấy nhầm con nước mặn. Tình
thế cấp bách buộc họ phải sử dụng nước giếng khoan để pha loãng nước
mặn trong các liếp vườn mới tưới cam được.
Ông Hiến than thở, triều cường tiếp tục dâng cao, qua ngày 17 tháng
Giêng âm lịch mới bắt đầu rút xuống, mà lượng nước ngọt thì cạn dần,
chưa biết vườn cam sẽ như thế nào.
Cây lúa chịu ngưỡng mặn đạt dưới 2 phần nghìn thì các loại hoa màu như
bầu, bí, cỏ có thể chịu được nước mặn đạt ngưỡng 4 phần nghìn. Với
ngưỡng mặn hiện nay, các loại hoa màu có thể chịu được, nhưng trong 1
tuần tới, độ mặn tăng cao thì các vườn hoa màu cũng khó cầm cự.
Tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang vẫn còn nhiều diện tích trồng
hoa màu mà người dân phải sử dụng nước mặn ngưỡng 2,4 phần nghìn để
tưới.
Chị Nguyễn Thị Hương, trú tại tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông trồng
gần 1ha bầu chia sẻ, đây là lần đầu tiên trong 20 năm qua các con kênh
trong xã này bị nhiễm mặn. Nước mặn tràn về, lúa thì chết mà vườn bầu
của chị cũng khó cầm cự trong 1 tuần tới, khi triều lên cao. Hơn nữa,
các giếng khoan xung quanh cũng bị nhiễm mặn, chị chưa biết làm cách nào
để lấy nước tưới các liếp bầu.
Vấn đề xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên trong những năm gần đây, tỉnh
Tiền Giang vận động người dân giảm bớt một vụ lúa để chuyển sang các
loại cây trồng khác. Tuy nhiên, việc chuyển vụ còn nhiều khó khăn, do
vướng đầu ra nên chưa xác định được nên chuyển loại cây, con gì.
Việc sản xuất các loại cây họ đậu, ngô phục vụ sản xuất thức ăn chăn
nuôi cũng không hấp dẫn người dân, doanh nghiệp do giá thành cao hơn so
với giá nhập khẩu. Hệ thống thủy lợi đê bao, ngăn mặn của tỉnh phục vụ
cho 10.000ha cây ăn trái và 2.000ha hoa màu.
Hệ thống này với 365 điểm bơm nước 2 cấp đã bơm nước ngọt trước 1 tháng
để ứng phó với tình trạng xâm mặn cực đoan hiện nay. Riêng huyện Gò Công
Đông sau nhiều lần chuyển đổi cây trồng, chỉ còn cây lúa đóng vai trò
chủ lực, diện tích hoa màu chiếm tỉ lệ thấp nhưng với tình hình mặn cực
đoan hiện nay đã không đủ nước ngọt tưới cho lúa và hoa màu , ông Trần
Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền
Giang cho biết.
Với hiện trạng mặn sâu và cực đoan như hiện nay, chính quyền địa phương
các tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rốt ráo đưa ra
nhiều giải pháp phòng chống mặn cấp bách và lâu dài để giải quyết vấn đề
nước ngọt cho ăn uống, sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh và phục vụ sản
xuất cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.
(TTXVN)