Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc nhận định, việc triển khai mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tiến tới vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu, đạt 1 triệu ha là có thể thực hiện được nếu có các bước đi và thời gian thực hiện thích hợp.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, các giai đoạn phát triển mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” được định hướng gồm 3 bước: Đầu tiên là xây dựng mô hình, quy hoạch cánh đồng mẫu lớn, tiến tới vùng nguyên liệu hàng hóa, xuất khẩu. Việc này có thể dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể và chi tiết tại các địa phương. Tiếp đến, xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu, có quy mô từ 5.000 – 30.000 ha (đối với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long) và từ 100 – 1.000 ha với các vùng khác; tùy theo tình hình thực tế của việc ký kết, thu mua của các doanh nghiệp xuất khẩu, có thể xây dựng quy mô vùng nguyên liệu cho phù hợp. Mỗi tỉnh chọn từ 2 – 3 vùng nguyên liệu tập trung, phát triển tăng dần theo nhu cầu thực tế… Cuối cùng là xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu sản xuất theo VietGAP, xây dựng thương hiệu lúa gạo.
Bộ khuyến khích công tác dồn điền đổi thửa, tạo thuận lợi cho việc sản xuất tập trung, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Mỗi địa phương cần có kế hoạch xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cây trồng chủ lực, từ đó làm cơ sở mở rộng và phát triển mô hình. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Trí Ngọc cũng cho rằng, cần phải có sự đồng thuận từ nhiều phía thì mới thực hiện được, ví như quy định các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng ít nhất một vùng nguyên liệu đảm bảo đủ lúa cung ứng cho từ 30% – 50% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng. Ở những vùng xây dựng cánh đồng mẫu lớn có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư thủy lợi hoàn chỉnh, nhất là thủy lợi nội đồng; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư máy nông nghiệp…
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua hai vụ hè thu 2011 và đông xuân 2011 – 2012 tại các tỉnh miền Nam, tổng diện tích thực hiện theo mô hình cánh đồng mẫu lớn là hơn 27.500 ha; trong đó lớn nhất là tỉnh Anh Giang với 9.350 ha; Đồng Tháp 5.200 ha; Tây Ninh, Long An, Cần Thơ mỗi tỉnh hơn 2.000 ha… Qua đánh giá hiệu quả kinh tế mô hình cánh đồng mẫu lớn ở một số địa phương cho thấy, lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn vùng ngoài mô hình từ 2,2 – 7,5 triệu đồng/ha nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật làm tăng năng suất, giảm chi phí giống gieo sạ và số lần phun thuốc trừ sâu…/.
Hoàng Tùng - TTXVN