(TG) - Thiên tai và biến đổi khí hậu tại Việt Nam diễn biến ngày càng cực đoan và khó lường gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đã và đang là những thách thức lớn tác động đến sức khỏe cộng đồng, đời sống, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội, môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững.
Thực tiễn triển khai công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho thấy, cùng với sự chỉ đạo từ Trung ương và chính quyền địa phương trong chuẩn bị ứng phó, hỗ trợ khẩn cấp, phục hồi tái thiết sau thiên tai thì cộng đồng đóng vai trò trung tâm và chủ động tham gia thực hiện các hoạt động giảm thiểu rủi ro cho bản thân, gia đình và xã hội, chuẩn bị tốt, ứng phó hiệu quả góp phần giảm thiểu rủi ro, hướng tới một xã hội an toàn hơn trước thiên tai.
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT - Phó Chánh VPTT Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT cho biết, Lớp tập huấn giảng viên cấp tỉnh về mô hình “cộng đồng an toàn, sạch và xanh” nhằm hướng dẫn về thực hiện mô hình để tiếp tục triển khai xuống các cấp huyện, xã. Tại khóa tập huấn, các học viên sẽ được truyền tải những kiến thức bổ ích, có thể tự tin để để tiếp tục thực hiện tại các cấp huyện, xã. Trước mắt, trong khuôn khổ dự án sẽ tổ chức thí điểm triển khai xuống một số xã tại các địa phương để nhân rộng và phổ biến về mô hình.
Trước bối cảnh đó, Tổng cục Phòng chống thiên tai phối hợp tổ chức UNICEF xây dựng tài liệu về thực hiện mô hình “cộng đồng an toàn, sạch và xanh”. Tài liệu được xây dựng với sự tham gia nghiên cứu của các chuyên gia trong nước và quốc tế trong đó có nghiên cứu, tổng hợp các chương trình, dự án, đề án về quản lý rủi ro thiên tai tại Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm thực hiện các mô hình cộng đồng an toàn trước thiên tai tại nhiều quốc gia.
Để hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện, hôm nay, Tổng cục PCTT và tổ chức UNICEF đã phối hợp tổ chức khóa tập huấn cho đội ngũ giảng viên cấp tỉnh về mô hình cộng đồng an toàn, sạch và xanh để tiếp tục triển khai xuống cấp huyện, xã.
Trong những năm gần đây, thiên tai tại Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường với 21/22 loại hình thiên tai xảy ra trên khắp mọi miền của đất nước, đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân, tác động tới môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững. Thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 5 cơn bão và ATNĐ; 206 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 197 trận dông lốc, sét; 82 vụ sạt lở bờ sông; 226 trận động đất; 9 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại; thiên tai đã làm 139 người chết và mất tích. Thiệt hại về tài sản ước tính trên 5.500 tỷ đồng.
Công tác phòng chống thiên tai đang nhận được sự quan tâm của Trung ương và địa phương, với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kết hợp giữa công trình và phi công trình. Trong đó có các hoạt động về nâng cao nhận thức cộng đồng được đẩy mạnh và thúc đẩy sự chủ động của người dân và toàn xã hội trong các hoạt động về phòng, chống thiên tai; ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, nhiều mô hình, bài học kinh nghiệm tại cộng đồng được thực hiện nhờ đó giảm thiểu được những rủi ro do thiên tai gây ra.
Tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, những mô hình về cộng đồng an toàn cũng đã và đang thực hiện hiệu quả góp phần giảm thiểu thiệt hại đáng kể. Cụ thể như trong 2 năm 2000-2001, các trận lũ xảy ra tại khu vực này đã làm 876 người chết và mất tích (trong đó trẻ em chiếm hơn 80%). Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, và triển khai các mô hình, giải pháp tại cộng đồng như mô hình trông giữ trẻ tập trung, đưa rước học sinh tới trường nên những năm qua, thiệt hại về người đặc biệt là trẻ em do lũ tại khu vực ĐBSCL không đáng kể.
Trên cơ sở triển khai thực hiện Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06/4/2022, Chương trình mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới và các chương trình có liên quan cùng với tham khảo kinh nghiệm từ tổ chức UNICEF, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã phối hợp với UNICEF xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện mô hình cộng đồng an toàn, sạch và xanh.
Tài liệu với sự tham gia nghiên cứu của các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm tổng hợp các bài học kinh nghiệm, mô hình trong công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm thực hiện các mô hình cộng đồng an toàn trước thiên tai tại nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản với mong muốn đưa ra nhiều giải pháp có hiệu quả, góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai tại Việt Nam.
Bộ tài liệu bao gồm các nội dung giới thiệu các yếu tố, trụ cột chính để xây dựng mô hình và hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện, tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức để xây dựng cộng đồng an toàn, xanh và sạch đẹp trước thiên tai. Đây là tài liệu hữu ích với cán bộ cấp cơ sở, trong nhà trường và cộng đồng địa phương để tổ chức và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai đồng thời thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường./.
Tuấn Anh