Nhận lời
mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, tôi sắp có
chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Đây là lần thứ ba tôi đặt chân đến đất nước Việt Nam tươi đẹp kể từ khi
đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, cảm thấy vô cùng
thân thiết, giống như đến thăm họ hàng, láng giềng.
Trung Quốc và Việt Nam núi sông liền một dải, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, chia
sẻ tương lai chung. Với lý tưởng chung, Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ
tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước kết mối giao
tình, thấu hiểu lẫn nhau, chung tay gây dựng mối tình hữu nghị truyền
thống Trung-Việt “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Trong quá trình theo
đuổi sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và giải phóng đất nước,
hai nước đã đoàn kết một lòng, ủng hộ lẫn nhau. Trong sự nghiệp xây dựng
chủ nghĩa xã hội, hai nước chúng ta học hỏi lẫn nhau, mở rộng hợp tác,
cùng viết nên trang sử hữu nghị Trung-Việt.
Năm nay là kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt.
Cho dù tình hình quốc tế diễn biến thế nào, hai Đảng, hai nước Trung
Quốc và Việt Nam luôn cùng nỗ lực gìn giữ hòa bình an ninh, cùng mong
muốn hợp tác phát triển, cùng tạo dựng phồn vinh giàu mạnh, đi tới con
đường tươi sáng cùng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại.
Chúng
ta kiên trì tin cậy lẫn nhau. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước
thường xuyên thăm lẫn nhau như họ hàng thân thiết. Năm nay, tôi và Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi mật thiết, cùng định hướng tổng thể cho
phát triển quan hệ Trung-Việt thời đại mới từ tầm cao chiến lược và tầm
nhìn lâu dài, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt xác lập định vị mới, bước vào
giai đoạn mới.
Tôi đã lần lượt hội kiến các đồng chí lãnh đạo
cấp cao Việt Nam gồm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính và Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt
Nam Trương Thị Mai đến thăm Trung Quốc hoặc tham dự hội nghị tại Trung
Quốc. Hai bên đã tổ chức các hội nghị, cơ chế như Ủy ban chỉ đạo hợp tác
song phương, Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, Hội nghị cấp Bộ trưởng về
phòng chống tội phạm giữa hai Bộ Công an. Hợp tác giữa các bộ, ngành,
các địa phương ngày càng mật thiết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)
Chúng
ta kiên trì hài hòa lợi ích. Trung Quốc lâu nay là đối tác thương mại
lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung
Quốc trong khối các nước ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của
Trung Quốc trên toàn cầu. Nhận lời mời của phía Trung Quốc, lãnh đạo
Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con
đường” lần thứ 3, Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ
6, Hội chợ triển lãm Trung Quốc-Nam Á lần thứ 7, Hội chợ triển lãm
Trung Quốc-ASEAN lần thứ 20. Hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam như rau
quả rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích. Nguyên liệu và thiết
bị máy móc do Trung Quốc xuất khẩu đóng góp nhiều cho sự phát triển
ngành chế tạo Việt Nam.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông do
doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng là đường sắt đô thị đầu tiên của Việt
Nam, đã vận chuyển gần 20 triệu lượt người hành khách, tạo thuận lợi
trong đi lại cho người dân Hà Nội. Chuyến tàu liên vận quốc tế Trung
Quốc-Việt Nam vận hành thuận lợi, cửa khẩu thông minh được khởi động xây
dựng, kết nối các cặp cửa khẩu biên giới trên bộ được đẩy nhanh.
Doanh
nghiệp Trung Quốc đã đầu tư hình thành cụm ngành công nghiệp điện mặt
trời nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, nhà máy điện mặt trời và điện gió
do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư xây dựng đóng góp tích cực cho sự phát
triển và chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Doanh nghiệp Trung Quốc
cũng đầu tư xây dựng nhiều dự án nhà máy điện rác tại các địa phương như
Hà Nội và Cần Thơ.
Chúng ta kiên trì hữu nghị, thân thiết. Năm
nay, nhân dân hai nước nhanh chóng khôi phục đi lại, 10 tháng đầu năm,
có hơn 1,3 triệu lượt du khách Trung Quốc đến Việt Nam, khu du lịch hợp
tác qua biên giới Trung-Việt thác Đức Thiên-Bản Giốc đã được đưa vào vận
hành thí điểm. Giao lưu hữu nghị giữa Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc
với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp 2 tỉnh,
Khu tự trị (tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây) của
Trung Quốc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 7 tỉnh của Việt Nam có
chung đường biên giới, Liên hoan nhân dân biên giới Trung-Việt được tổ
chức đa dạng, sinh động.
Các tác phẩm kinh điển truyền thống
Trung Quốc được nhiều người dân Việt Nam biết đến, các tác phẩm truyền
hình đương đại Trung Quốc cũng rất được người dân Việt Nam yêu thích.
Nhiều ca khúc nhạc trẻ Việt Nam đang rất thịnh hành trên mạng xã hội
Trung Quốc, ca sĩ Việt Nam nhận được số lượng lớn người hâm mộ Trung
Quốc khi tham gia chương trình truyền hình giải trí của Trung Quốc. Giao
lưu nhân dân ngày càng mật thiết, giống như các dòng suối nhỏ vươn dài
chảy mãi, hội tụ thành dòng sông giao lưu hữu nghị rộng lớn giữa hai
nước.
Chúng ta kiên trì đối
xử chân thành. Hai nước đều giương cao ngọn cờ chủ nghĩa đa phương, nhấn
mạnh kiên trì đối thoại hiệp thương, hòa bình hợp tác, kiên định giữ
gìn chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế với cơ sở là tôn chỉ và nguyên
tắc Hiến chương Liên hợp quốc. Hai bên ủng hộ lẫn nhau trên các vấn đề
liên quan đến lợi ích cốt lõi và mối quan tâm trọng đại của nhau, phối
hợp mật thiết trong các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực. Phía Việt Nam
tích cực tham gia Nhóm bạn bè Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, ủng hộ
Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến Văn minh Toàn cầu, ủng hộ Trung
Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình
Dương.
Năm nay là 10 năm kể từ
khi tôi đề xuất khái niệm cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Sáng
kiến cùng nhau xây dựng “Vành đai và Con đường” và chính sách ngoại giao
láng giềng “Thân, Thành, Huệ, Dung”. Để xây dựng cộng đồng chia sẻ
tương lai nhân loại, trước hết phải bắt đầu từ châu Á. Trung Quốc có một
bài hát nổi tiếng với ca từ: “châu Á chúng ta, rễ cây đều liên kết với
nhau; châu Á chúng ta, đám mây cũng bắt tay nhau”. Lời ca này đã phản
ánh ý thức cộng đồng chia sẻ tương lai châu Á giản dị trong đáy lòng
người dân Trung Quốc. Châu Á là ngôi nhà chung của chúng ta, các nước
láng giềng không thể tách rời nhau, giúp đỡ láng giềng chính là giúp đỡ
bản thân. Người thân mong người thân tốt, láng giềng mong láng giềng
tốt.
Trung Quốc sẵn sàng gắn kết sự phát triển của mình với sự
phát triển của các nước láng giềng, cùng nhau xây dựng cộng đồng chia sẻ
tương lai với các nước láng giềng, để mỗi bên đều có cuộc sống tươi
đẹp. Trung Quốc và Việt Nam có mối tình hữu nghị truyền thống sâu sắc
“vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Đảng và Chính phủ Trung Quốc luôn đặt
mối quan hệ với Việt Nam lên vị trí ưu tiên trong quan hệ với các nước
láng giềng, chân thành hy vọng hai nước không quên ước nguyện truyền
thống hữu nghị ban đầu, khắc ghi lý tưởng và sứ mệnh chung, chung tay
vững bước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa, không ngừng thúc đẩy xây
dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến
lược.
- Duy trì trao đổi chiến lược, củng cố nền tảng chính trị vững chắc cho cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam.
Hai bên cần tiếp tục duy trì trao đổi chiến lược cấp cao, bảo đảm con
tàu quan hệ Trung-Việt không ngừng đạp gió rẽ sóng, vững bước tiến về
phía trước. Hai bên cần kiên định ủng hộ lẫn nhau đi lên con đường xã
hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình mỗi nước, điều phối tốt hai vấn đề
lớn là phát triển và an ninh, cùng nhau thực hiện Sáng kiến Phát triển
Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến Văn minh Toàn cầu. Tiếp
tục đi sâu giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn
trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng nhau chống lại rủi ro và
thách thức bên ngoài, bảo đảm sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của
mỗi nước đều bước vững tiến xa.
- Phát huy ưu thế bổ sung lẫn
nhau, tăng cường nền tảng hợp tác thực chất cho cộng đồng chia sẻ tương
lai Trung Quốc-Việt Nam. Trung Quốc đang mở cửa đối ngoại với trình độ
cao, thúc đẩy xây dựng cục diện phát triển mới, kinh tế Việt Nam duy trì
tăng trưởng ổn định, hai bên cần phát huy đầy đủ ưu thế vị trí địa lý
gần gũi và ngành nghề bổ sung cho nhau, đẩy nhanh hợp tác và kết nối
giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” và “Hai hành lang, một vành đai”,
không ngừng mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực như kết nối giao thông,
cải cách doanh nghiệp nhà nước, năng lượng sạch, khoáng sản then chốt,
v.v, nhằm phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của mỗi nước, mang lại càng
nhiều lợi ích hơn cho nhân dân hai nước.
- Tăng cường giao lưu
hữu nghị, xây dựng nền tảng xã hội vững chắc cho Cộng đồng chia sẻ tương
lai Trung Quốc-Việt Nam. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, gốc rễ,
huyết mạch, sức mạnh của quan hệ Trung-Việt đều bắt nguồn từ nhân dân.
Chúng ta nên tăng cường hợp tác giao lưu hữu nghị, phát huy đầy đủ hiệu
quả của các cơ chế giao lưu tương ứng giữa cơ quan truyền thông Trung
ương, các cơ quan nghiên cứu, văn hóa và du lịch, nhà xuất bản, cơ quan
điện ảnh, truyền hình và phát thanh của hai nước, làm sâu sắc hợp tác
trên các lĩnh vực đào tạo tiếng Trung, giáo dục nghề nghiệp, thể dục thể
thao, y tế, v.v. Tổ chức tốt các hoạt động tiêu biểu như Diễn đàn nhân
dân Trung-Việt, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung-Việt, tăng cường sự
hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ.
Hai nước cần tăng thêm chuyến bay hai chiều trực tiếp, Trung Quốc sẽ
khuyến khích càng nhiều du khách Trung Quốc sang thăm Việt Nam, cảm nhận
những nét đẹp, độc đáo của lịch sử và văn hóa Việt Nam.
- Kiểm
soát thỏa đáng bất đồng, mở rộng nền tảng nhận thức chung cho cộng đồng
chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam. Hai bên nên thực hiện tốt nhận
thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, kiểm soát thỏa đáng
bất đồng trên biển, cùng tìm giải pháp hai bên đều có thể chấp nhận
được. Hai bên nên nhìn từ hạnh phúc lâu dài của nhân dân hai nước, kiên
trì cùng có lợi, cùng thắng, tích cực thúc đẩy hợp tác, nỗ lực kiến tạo
môi trường phát triển bên ngoài tốt đẹp của mỗi nước, đóng góp cho sự ổn
định và bền vững lâu dài trong khu vực.
Hiện nay, biến cục thế
giới trăm năm chưa từng có đang diễn biến nhanh chóng, chủ nghĩa bá
quyền, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, hòa
bình và phát triển ở khu vực đối mặt với tình hình đầy biến động và khó
lường. Châu Á dựa trên nền tảng lịch sử với văn minh lâu đời đang đón
chào thời điểm quan trọng hướng tới phát triển và phồn vinh. Các thị
trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển của châu Á sẽ tiếp tục là
động lực tăng trưởng kinh tế chính của thế giới.
Lịch sử đã
nhiều lần khẳng định, một quốc gia, một khu vực muốn chấn hưng thì phải
tiến lên theo logic của tiến trình lịch sử và phát triển theo xu thế của
thời đại. Tương lai của châu Á nằm trong tay người dân châu Á chúng ta.
Mười năm nay, người dân châu Á ngày càng nhận thức sâu sắc hơn, chỉ có
cùng nhau thực hiện khái niệm Thân, Thành, Huệ, Dung, phát huy giá trị
quan hòa bình, hợp tác, bao dung, hài hòa của châu Á, mới có thể hòa
nhập vào trào lưu hòa bình, phát triển và tiến bộ của nhân loại; chỉ có
kiên trì hợp tác cùng thắng, cùng bàn bạc, cùng xây dựng và chia sẻ
thành quả của “Vành đai và Con đường”, ra sức mở cửa đối ngoại, mới có
thể thúc đẩy kinh tế khu vực tuần hoàn thông suốt và nâng cấp, mang lại
càng nhiều phúc lợi cho người dân châu Á; chỉ có tích cực thúc đẩy xây
dựng cộng đồng chia sẻ tương lai châu Á, gắn sự phát triển của đất nước
mình cùng sự phát triển của các nước, mới có thể chung tay xây dựng ngôi
nhà châu Á hòa bình, an toàn, phồn vinh, tươi đẹp, chung sống hữu nghị.
“Vạn vật đắc kỳ bản giả sinh, Bách
sự đắc kỳ đạo giả thành” (Vạn vật sinh ra khi tìm được bản chất thực sự,
trăm sự được thành công khi tìm được đạo lý của mình). Bất cứ thế giới
có những thay đổi như thế nào, Trung Quốc luôn kiên trì đi theo con
đường chính nghĩa. Trung Quốc đang thúc đẩy toàn diện xây dựng cường
quốc, thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa thông qua
hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, sẽ không ngừng thúc đẩy phát triển chất
lượng cao, kiên trì mở cửa đối ngoại với trình độ cao, đẩy nhanh xây
dựng cục diện phát triển mới.
Trung Quốc sẽ duy trì tính liên
tục và tính ổn định của chính sách ngoại giao láng giềng, tức là kiên
trì thân thiện với láng giềng, làm bạn với láng giềng, theo đuổi phương
châm phát triển quan hệ tốt đẹp, hài hòa, an toàn, cùng giàu có với láng
giềng, đồng thời tiếp thêm nội hàm mới vào khái niệm Thân, Thành, Huệ,
Dung, để hiện đại hóa kiểu Trung Quốc mang lại nhiều phúc lợi cho các
nước láng giềng, cùng nhau thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa châu Á, mang
đến những cơ hội phát triển mới cho các nước châu Á, trong đó có Việt
Nam.
Tôi tin tưởng rằng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam xây dựng
cộng đồng chia sẻ tương lai mang ý nghĩa chiến lược sẽ thu hút càng
nhiều quốc gia tham gia vào sự nghiệp vĩ đại xây dựng cộng đồng chia sẻ
tương lai châu Á và cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, mang đến năng
lượng tích cực cho sự phát triển lâu dài và tình láng giềng hữu nghị
của khu vực châu Á, đóng góp lớn hơn nữa cho sự hòa bình và phát triển
của thế giới./.