Thứ Bảy, 18/5/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 6/10/2017 8:22'(GMT+7)

Xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của lý luận. Tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam hình thành từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, từ những kinh nghiệm và bài học của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, từ những trải nghiệm bi hùng của lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông, từ chiều sâu của bản sắc văn hóa dân tộc, được cô đọng, kết tinh trong đường lối cách mạng của Đảng suốt hơn 80 năm qua, trở thành kim chỉ nam, thành định hướng phát triển của dân tộc trong thời đại mới.

Phát triển tư duy lý luận không chỉ là công việc của nhưng người trực tiếp làm công tác lý luận, mà là công việc của Đảng, của tất cả những ai tha thiết với sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam vững mạnh và phồn vinh. Để phát triển tư duy lý luận, cần xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận có năng lực chuyên môn cao và tâm huyết, đồng thời tạo nên sự liên kết giữa công tác lý luận và hoạt động thực tiễn, giữa khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật để đào tạo nên nguồn nhân lực cao có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật cao, có kỹ năng lao động giỏi và có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất, có phẩm chất tốt và có khả năng vận dụng sáng tạo những tri thức vào quá trình lao động sản xuất nhằm đem lại năng xuất, chất lượng và  hiệu quả cao cho nền kinh tế của đất nước. Nhất là trong bối cảnh thế giới đang chuyển dần sang nền kinh tế tri thức và xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế hiện nay, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn chiếm vị trí trung tâm và đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong sự  phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Chính vì vậy, các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc đã không ngừng nghiên cứu cải tiến nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đầu tư xây dựng đội ngũ, phát triển cơ sở vật chất nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Sự nghiệp ấy đang đặt ra những yêu cầu mới đối với đội ngũ giảng viên lý luận chính trị.

Với nhiệm vụ trọng tâm là trang bị  một cách cơ bản, hệ thống những tri thức lý luận chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của đảng cho học viên, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị có vai trò quan trọng, trực tiếp tác động vào người học để hình thành thế giới quan khoa  học, nhân sinh quan cách mạng và phương pháp luận khoa học; định hướng các giá trị và phát triển nhân cách của người học.

Quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi đội ngũ giảng viên lý luận chính trị phải được xây dựng, phát triển cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức đáp ứng  yêu cầu cơ  ngày càng cao của hoạt động giảng dạy có tính đặc thù này.

 Xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển mới là góp phần nâng cao sức mạnh lực lượng tham gia nghiên cứu, tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước. Đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng, nhất là trong các học viện, các trường đại học lớn là một bộ phận của giới nghiên cứu lý luận Việt Nam, đã đang tích cực tham gia nghiên cứu, đưa ra những luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới phát triển thắng lợi.

1.Yêu cầu của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam

Thứ nhất, giảng viên lý luận chính trị phải có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt.

Phẩm chất chính trị trước hết được thể hiện ở sự trung thành với mục tiêu xã hội chủ nghĩa, với chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Người giảng viên phải có bản lĩnh trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống đối của các thế lực thù địch. Thế giới quan duy vật biện chứng và nhân sinh quan cộng  sản là những vấn đề vốn là những căn cước xác định những người đi theo chủ nghĩa

Thứ hai, giảng viên lý luận chính trị phải có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp với chuyên ngành giảng dạy và không ngừng được nâng cao

Ngoài việc chú ý nâng cao kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành, giảng viên phải thật sự là người tâm huyết với nghề nghiệp, thường xuyên cập nhật tri thức, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để có tầm hiểu biết rộng, có thể luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn đang nảy sinh.

Chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức, năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên, nội dung bồi dưỡng phải toàn diện mang tính hệ thống bao gồm kiến thức chung, hệ thống kiến thức lý luận chính trị, hệ thống kỹ năng, kỹ xảo sư phạm; trình độ tin học, ngoại ngữ, thông qua các hình thức đa dạng, linh hoạt như mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, tổ chức hội thảo khoa học, hội nghị chuyên môn và chuyên đề, hội thi giảng viên dạy giỏi các cấp…Các trường đại học, cao đẳng phải chủ động thực hiện chuẩn hóa chức danh giảng viên lý luận chính trị, quan tâm lựa chọn những giảng viên trẻ có năng lực gửi đi đào tạo ở các học viện chính trị trong nước và các trường đại học ở nước ngoài

Thứ ba, giảng viên lý luận chính trị phải có nhiệm vụ tham gia nghiên cứu khoa học.

Không nghiên cứu khoa học thì không thể giảng dạy tốt được, cùng với bằng cấp, giảng viên phải có khả năng nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, kết hợp lý luận với thực tiễn trong giảng dạy và nghiên cứu. Vì vậy nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên là một tiêu chí để đánh giá chất lượng đào tạo. Người giảng viên lý luận chính trị cần chú trọng nghiên cứu khoa học và xem đây là một nhiệm vụ không thể thiếu để cập nhật hiến thức và đổi mới phương pháp giảng dạy. Nghiên cứu khoa học là động lực thúc đẩy sự say mê nghề nghiệp, giúp cho giảng viên làm chủ được tri thức trên cơ sở độc lập suy nghĩ, sáng tạo, biết vận dụng tri thức vào bài giảng cũng như thực tiễn cuộc sống. Mỗi bài viết, mỗi vấn đề nghiên cứu đòi hỏi giảng viên phải vạch ra đề cương, đọc những tài liệu liên quan... vì thế, giảng viên có quá trình tích luỹ về lượng để biến đổi về chất; tri thức ngày càng được mở rộng và chuyên sâu. Giảng viên sẽ thực sự chủ động trước mọi vấn đề đặt ra và sẽ kết hợp tốt, sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp trong mỗi giờ giảng để nâng cao hiệu quả đào tạo.

Thứ tư, giảng viên lý luận chính trị phải am hiểu thực tiễn xã hội.

Giảng  dạy các môn lý luận chính trị nhấtt thiết phải liên hệ với thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn, cập nhật thông tin xã hội có liên quan. Để bài giảng sinh động giàu sức thuyết phục, giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước, của địa phương, của các đối tượng học viên. Sự liên hệ này tuỳ thuộc vào phương pháp của giảng viên, có thể giảng viên tự liên hệ trong bài giảng và giúp cho học viên thấy được sự thể hiện trong thực tế cuộc sống hoặc giảng viên có thể gợi mở, đàm thoại với học viên, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước, từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận.

Thứ năm, giảng viên lý luận chính trị phải thường xuyên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiên cứu, giảng dạy.

Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, phương pháp giảng dạy để tăng cường năng lực công tác đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ thường xuyên của giảng viên lý luận chính trị. Có trách nhiệm thực hiện khi được cơ sở cử đi đào tạo, bồi dưỡng để có các trình độ chuyên môn, học vị đạt chuẩn. Ngoài ra giảng viên lý luận chính trị phải nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ trong công tác nghiên cứu khoa học, những kết quả nghiên cứu mới và giao lưu, hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học…

2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay

Hiện nay, sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế đang đặt ra những vấn đề mới và cấp bách trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy  các môn lý luận chính trị, nhất là lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Trước những yêu cầu đó, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở Việt Nam phải đổi mới, nâng cao chất lượng theo những tiêu chí đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cao, thực hiện những giải pháp cơ bản, đồng bộ sau:

Một là, xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong toàn quốc

Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị phải gắn với khắc phục những hạn chế trong nhận thức của các cơ quan quản lý giáo dục, các cấp ủy Đảng và chính quyền về vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị và của chính bản thân đội ngũ. Mặc dù trong những năm gần đây, nhận thức đó đã có những thay đổi nhất định, được cải thiện tương đối, theo chiều hướng  đi lên, nhưng đó mới chỉ là những thay đổi chưa căn bản, từ đó, tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý giáo dục, các cấp ủy Đảng và ban gián hiệu các trường đại học, cao đẳng về tầm quan trọng, sự cần thiết của giáo dục lý luận chính trị, khắc phục kịp thời việc coi nhẹ các môn lý luận chính trị. Bồi dưỡng, trang bị cho các cơ quan quản lý giáo dục, các cấp ủy Đảng và ban giám hiệu các trường đại học, cao đẳng những quan điểm đúng đắn về trí thức, về giảng viên, về chính sách đào tạo, đãi ngộ, sử dụng trí thức – giảng viên. Tiến hành quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đội ngũ cán bộ, giảng viên  giảng dạy lý luận chính trị trên cơ sở cơ cấu, số lượng, chất lượng và xu hướng phát triển.  Trên cơ sở cơ cấu, quy hoạch đội ngũ cán bộ giảng viên, hàng năm bố trí cho giảng viên nâng cao trình độ lý luận chuyên sâu theo các chuyên ngành. Mặt khác , cần có kế hoạch bố trí cho đội ngũ giảng viên đi thực tế, tổng kết thực tiễn (đi thực tế trong nước, ngoài nước) nhằm mở rộng tầm hiểu biết và nhận thức. đi đôi với việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, kiến thức thực tiễn, . . cần quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường kiểm tra việc biên soạn giáo án, tổ chức hội thảo khoa học…

Hai là, nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, tư tưởng đạo đức cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị

Để có được bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp vững vàng, đạo đức nhà giáo trong sáng, cần có sự quan tâm tác động nhiều chiều và cả chính sự nỗ lực phấn đấu trong mỗi giảng viên lý luận chính trị, vì thế, cần phải có những văn bản pháp quy về bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức giảng viên lý luận chính trị, quy định rõ tiêu chuẩn đạo đức giảng viên lý luận chính trị và có cơ chế xử lý khen thưởng nghiêm minh và phải được thi hành nghiêm chỉnh. Đẩy mạnh tinh thần tự phê bình và phê bình, vì ý thức nghề nghiệp, ý thức chính trị, ý thức đạo đức, hành vi đạo đức trước hết là là ý thức và hành vi tự nguyện tự giác của chính mỗi người giảng viên.

Ba là, đổi mới công tác đào tạo, tự đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giảng viên lý luận chính trị theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá

 Hiện nay, việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giảng viên lý luận chính trị theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hóa là hết sức cần thiết để chúng ta có một đội ngũ giảng viên lý luận chính trị giỏi vừa “hồng” vừa “chuyên”. Trước hết, cần phải ưu tiên đầu tư cho các trường, các khoa có đào tạo những chuyên ngành lý luận chính trị về cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục; thực hiện chính sách ưu đãi đối với giảng viên và sinh viên các ngành khoa học lý luận chính trị. Phải đặt ra  những yêu cầu tuyển chọn phù hợp với yêu cầu đặt ra cho giảng viên lý luận chính trị ngay từ khi tuyển sinh đầu vào, ưu tiên tuyển dụng, quy hoạch đội ngũ giảng viên trong các cơ sở đào tạo chuyên sâu lý luận chính trị đảm bảo về chất lượng, vì đây là nhân tố đầu tiên, trực tiếp quyết định và ảnh hưởng lâu dài tới chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị. Việc đào tạo theo mở rộng và nâng cao đối với đội ngũ giảng viên phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của các trường và đào tạo theo qui hoạch, phải kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn với việc rèn luyện phẩm chất tư cách của người giảng viên. 

Đổi mới căn bản nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên, học viên theo học lý luận chính trị theo hướng lấy người học làm trung tâm, học tập tích cực biến quá trình đào tạo thành quá trình  “tự đào tạo”. 

Bốn là, đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo động lực khuyến khích đội ngũ giảng viên lý luận chính trị không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp.

Thực hiện chính sách tuyển dụng, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Đánh giá giảng viên lý luận chính trị phải trên cơ sở tiêu chí cụ thể, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Quá trình thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các trường cao đẳng và đại học thì phải đồng thời quy hoạch đội ngũ giảng viên lý luận chính trị  và cơ cấu đội ngũ giảng viên lý luận chính trị từ giảng viên đến giảng viên chính, giảng viên cao cấp theo cơ cấu, tiêu chuẩn, chuyên ngành đào tạo.

Năm là, phát huy và nâng cao tính tích cực, tính tự giác của bản thân đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện nhân cách, nhất là với đội ngũ giảng viên trẻ.

Tinh thần trách nhiệm của giảng viên lý luận chính trị không chỉ xuất phát từ ý thức nghĩa vụ, mà còn từ niềm tin hứng thú, sự say mê với công việc, từ tình cảm gắn bó, trân trọng với nghề nghiệp, từ lòng khát khao muốn truyền đạt tri thức, niềm tin của mình đến với người học.

Củng cố niềm tin cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị vào sự cao cả, cần thiết của nghề nghiệp mà họ đang đảm nhận. Cần làm cho người học thấy rõ được mối liên hệ cũng như ý nghĩa sống động của môn học lý luận chính trị đối với các đối tượng học viên khác nhau về chuyên ngành đào tạo và trình độ tiếp thu; thời lượng chương trình phải có tính linh hoạt nhất định và xuất phát từ nhu cầu khách quan đối với các đối tượng học viên. Và trong bài giảng, giảng viên cần quan tâm: Xác định được nội dung nào cần thiết phải liên hệ thực tiễn và đưa loại hình, cấp độ thực tiễn nào có tính điển hình, có ý nghĩa chung chứ không phải ngẫu nhiên; Lựa chọn các sự kiện thực tiễn có tính thời sự cao, đang được xã hội quan tâm nhiều, có địa chỉ, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo tính trung thực; có phương pháp phân tích để người học thấy được mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn được viện dẫn, minh họa.

Xây dựng củng cố môi trường công tác lành mạnh, tạo động lực cho giảng viên lý luận chính trị an tâm phấn đấu, không ngừng vươn lên. Tăng cường nhận thức cho đội ngũ giảng viên về sự cần thiết của việc hình thành, củng cố những phẩm chất, tính cách cần có của giảng viên lý luận chính trị phù hợp với đặc thù của hoạt động giáo dục mà họ thực hiện. 

Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các thế hệ  giảng viên  lý luận chính trị ở các học viện, trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc đã không ngừng phát triển, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện nghiêm phương châm gắn lý luận với thực tiễn, khắc phục đáng kể tình trạng “sách vở”, “giáo điều”, qua đó góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền hành chính vững mạnh, trong sạch – một nhân tố quan trọng đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững quốc phòng - an ninh. Để tiếp tục phát huy những thành tựu và khắc phục những hạn chế, yếu kém, việc quan tâm đặc biệt đến xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị thực sự vừa là người cán bộ khoa học, vừa là chiến sỹ cách mạng nhiệt huyết là một nội dung không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay.

Nguyễn Thị Thu Huyền

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất