Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 4/6/2016 21:42'(GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới bền vững trong đồng bào Công giáo ở Hải Hậu, Nam Định

 1. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) khẳng định: Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt.

Cụ thể hoá quan điểm trên, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với các Chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới với nội dung chính là: xây dựng, tổ chức cuộc sống của dân cư nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái gắn với phát triển đô thị, thị trấn, thị tứ. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn phù hợp quy hoạch không gian xây dựng làng (ấp, thôn, bản), xã và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của ngành, địa phương; kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước với phát huy nội lực của cộng đồng dân cư nông thôn. Nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức tốt đời sống văn hóa cơ sở. Xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa gồm cả nông nghiệp và phi nông nghiệp, thực hiện “mỗi làng một nghề”.

Triển khai Kế hoạch số 435/KH-BCĐXDNTM ngày 20/9/2010 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về việc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định được chọn là 1 trong 5 huyện điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước; Ban Thường vụ Huyện ủy Hải Hậu đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/HU ngày 07/10/2010 về đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015.

Là huyện ven biển, Công giáo du nhập sớm, đến nay đồng bào Công giáo huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định chiếm hơn 40% dân số toàn huyện, sống đan xen cùng các nhóm dân cư khác. Để xây dựng thành công nông thôn mới cần có sự đóng góp quan trọng của đồng bào Công giáo. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện, xã, thị trấn đến thôn, xóm, tổ dân phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, huyện về xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ chủ chốt từ huyện đến cơ sở; chỉ đạo tổ chức hội nghị cấp xã, xóm để quán triệt tới chi bộ, đảng viên và nhân dân.

Trên cơ sở cụ thể hóa 19 tiêu chí quốc gia thành 12 tiêu chí xóm nông thôn mới, 8 tiêu chí gia đình nông thôn mới, huyện uỷ Hải Hậu đã chỉ đạothực hiện chủ trương phát động phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" trên tinh thần: “Lấy xóm, cụm dân cư, hộ gia đình làm hạt nhân và nòng cốt để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có sự phân định rõ trách nhiệm của từng cấp: xã lo đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng các đường trục xã, liên xã, đường giao thông nội đồng, trường học, trạm y tế và công trình phúc lợi khác; Xóm lo huy động nguồn đóng góp của nhân dân để làm đường trục xóm, hệ thống rãnh thoát nước trong khu dân cư. Cụm dân cư lo làm đường dong ở khu dân cư. Hộ gia đình lo chỉnh trang các công trình vệ sinh, nước sạch, khuân viên nhà ở, sân, ngõ, ao vườn” .

Để thực hiện có hiệu quả phong trào trên, toàn huyện thấu triệt, thực hiện tốt phương châm: "làm từ đồng về làng, từ nhà ra xóm, từ thôn xóm lên xã”, và “mỗi gia đình có thêm một nghề”.

Để phong trào trên đi vào cuộc sống, các cấp uỷ và toàn ngành tuyên giáo của huyện đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trong đồng bào công giáo. Xây dựng các cụm Pa nô, áp phích, khẩu hiệu cổ động trực quan tại khu vực trung tâm huyện, trung tâm xã, thị trấn, xóm, tổ dân phố và khu vực công cộng. In nội dung tiêu chí xã, xóm, tổ dân phố, gia đình nông thôn mới phát hành tới tận hộ dân. Chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập tiểu ban tuyên truyền để tham mưu, giúp cấp uỷ, chính quyền nghiên cứu, biên soạn tài liệu giới thiệu các nội dung, chủ trương, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo Đài Phát thanh-Truyền hình huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn, Trang thông tin điện tử Hải Hậu mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền các văn bản và những điển hình tiên tiến, kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động mở các hội nghị tuyên truyền các văn bản trên đến các thành viên, hội viên, đoàn viên. Tổ chức phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, đồng thời phối hợp cùng các ban ngành liên quan tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Có thể khẳng định công tác tuyên truyền xây dựng nôn thôn mới ở Hải Hậu đã mang lại hiệu quả thiết thực: chủ trương, đường lối của Đảng đã được cụ thể bằng các đề án, nghị quyết, chương trình hành động của từng địa phương; hình thức tuyên truyền ngày càng đổi mới đa dạng, phong phú mang lại hiệu quả thiết thực; đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền ngày càng được nâng cao về bản lĩnh chính trị, tâm huyết, say sưa, tận tuỵ với công việc, với phương châm hướng về cơ sở, lấy cơ sở là địa bàn hoạt động; sự phối kết hợp giữa các binh chủng làm công tác tuyên truyền nhịp nhàng, hiệu quả... đã tạo sự thống nhất, đồng thuận tư tưởng trong nhân dân vùng giáo, mang lại hiệu quả thiết thực; các xã, thị trấn vùng đồng bào Công giáo đều hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, diện mạo nông thôn thay đổi; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Về với Hải Hậu những năm 2013-2015, chúng ta có thể cảm nhận nơi đây như một công trường sôi động, một phong trào xây dựng nông thôn mới rộng khắp, một khí phấn khởi và một niềm tin tươi sáng hiện hữu của đông đảo đồng báo giáo dân. Và  đặc biệt là một diện mạo đổi thay từ khắp thôn, xóm và từng gia đình vùng theo đạo công giáo.

Một trong những yếu tố để nông thôn mới phát triển bền vững đó là đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong phát triển kinh tế, bà con giáo dân đã tích cực tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề, dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phong trào giáo dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, xuất hiện ngày càng nhiều giáo dân có tư duy trong sản xuất kinh doanh phù hợp với môi tr­ường khí hậu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh, mở mang các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ th­ương mại phục vụ sản xuất và đời sống, cho thu nhập hàng 100 triệu đồng/năm, tiêu biểu như hộ ông Lê Văn Trụ giáo họ Đất Vượt xã Hải Phương, ông Nguyễn Văn Công xứ Xuân Thuỷ xã Hải Xuân, ông Nguyễn Văn Khuynh giáo họ Tây Cát xã Hải Đông v.v... Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất nâng cao trình độ thâm canh, nhiều gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa, sản xuất muối hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi trồng thuỷ sản và mở rộng diện tích trồng mầu, trồng cây vụ đông trên chân ruộng hai lúa, cho thu nhập từ 2 đến 2,5 lần so với trồng lúa, tiêu biểu như­ các giáo xứ, giáo họ ở xã Hải Chính, Hải Tây, Hải Xuân, Hải Ph­ương và Thịnh Long.v.v…

Ngoài sản xuất nông nghiệp, đồng bào công giáo còn mạnh dạn đầu tư vào phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ nh­ư: nghề mộc, khảm trai, kim hoàn, dệt chiếu, dệt l­ưới, kéo sợi PE, may công nghiệp, thêu ren.v.v... phát triển mạnh ở các giáo xứ, giáo họ, đã th­ường xuyên giải  quyết  việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa ph­ương. Điển hình, như­: tổ thợ xây, thợ mộc ở xứ Giáp Nam xã Hải Phương; họ Đất Vượt  xứ Quần ph­ương; xứ H­ưng Nghĩa xã Hải Hư­ng; khảm trai và gỗ mỹ nghệ ở xứ Phạm pháo xã Hải Minh; dệt chiếu ở xứ Triệu Thông xã Hải Bắc, xứ An Nghĩa, An Đạo xã Hải An; làm mây tre ở  xứ Hai Giáp xã Hải Anh, xứ Phạm Pháo xã Hải Minh... Đặc biệt, đến nay toàn huyện có nhiều doanh nghiệp, Công ty TNHH được thành lập do con em ng­ười công giáo làm chủ đã mở rộng ngành nghề, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng 100 lao động có mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng; tiêu biểu nh­ư: Công ty TNHH Thanh Chương sản xuất muối I ốt của ông Phạm Thanh Ch­ương, Công ty TNHH Hoa Tâm của bà Nguyễn Thị Tâm, Công ty TNHH Minh Hà của ông trùm Nguyễn Minh Tâm giáo xứ Thịnh Long thị trấn Thịnh Long,  Công ty TNHH Sông Giang của ông Vũ Mạnh Hùng xã Hải Giang, Công ty TNHH Tú C­ường của ông Đinh Bách Tính xứ Phạm Pháo xã Hải Minh v.v...

Nhờ sáng tạo trong lao động, sản xuất, mở rộng ngành nghề, tận dụng được lao động trong mỗi gia đình và thu hút lao động trong lúc nông nhàn mà thu nhập của bà con giáo dân ngày một tăng, đời sống của mỗi gia đình không ngừng đ­ược cải thiện và nâng cao; qua thống kê đến nay có 14.314 hộ giáo dân trong huyện có mức sống khá trở lên, nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng 100 triệu đồng một năm;  90% số hộ có nhà xây kiên cố và bán kiên cố; 98,5% số hộ có phư­ơng tiện nghe nhìn, 98% số  hộ dùng nước hợp vệ sinh; 100% xứ họ có điện thắp sáng; đư­ờng trục xã, đ­ường liên thôn, liên xóm khang trang sạch đẹp; nhà thờ, thánh thất đ­ược tôn tạo sửa sang, nâng cấp, thuận tiện cho việc sinh hoạt tôn giáo.

Công tác giáo dục vùng có đông đồng bào Công giáo được chăm lo, 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường. Đến nay, tổng số dư quỹ khuyến học, khuyến tài trong các xứ họ là trên 2,3 tỷ đồng. Trong 3 năm (2013-2015) có 2.670 con em giáo dân thi đỗ đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Ngày càng có nhiều giáo dân tham gia công tác xã hội, giữ nhiều chức vụ trong tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Hiện nay có 25 ông trùm và 214 giáo dân tham gia Hội đồng nhân dân xã, thị trấn. Trong đó nhiều con em người công giáo được cử giữ những chức vụ chủ chốt trong chính quyền cơ sở. Có 51 ông trùm tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, 30 ông trùm tham gia Hội chữ thập đỏ và 22 ông trùm tham gia Hội khuyến học xã, thị trấn.

Từ huyện đến cơ sở đã xây dựng các thiết chế văn hóa tương đối đồng bộ, toàn huyện có 35/35 xã (thị trấn), 540/546 xóm (tổ dân phố) có nhà văn hóa với đầy đủ công trình phụ trợ như sân khấu, cổng, tường bao bảo vệ, các trang thiết bị cần thiết như: Ampli, micro, loa, tượng Bác Hồ, cờ Đảng, cờ Tổ quốc, khẩu hiệu, nội quy, hương ước...; có 536/546 nhà văn hóa có tủ sách cơ sở (bằng 98,2%). Đài Phát thanh-Truyền hình huyện có các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho sản xuất, tiếp phát sóng các chương trình phát thanh như: Cột phát sóng, hệ thống thu tín hiệu, máy phát sóng FM, máy phát sóng truyền hình, máy quay phim…Đài truyền thanh xã, thị trấn: toàn huyện có 14 máy phát sóng FM (Truyền thanh không dây ở dải tần số 87-108 MHz) và 28 đài sử dụng truyền thanh có dây với tổng chiều dài gần 300 km trong đó 126 km chạy hữu tuyến (5 xã sử dụng dây bọc), 52 máy tăng âm truyền thanh với tổng công suất trên  30.000W. Một sồ đài sử dụng cả 2 hệ thống có dây và không dây. Tổng số loa toàn huyện 1.350 chiếc rải đều các khu dân cư.

Có thể khẳng định việc gặt hái được những thành công trên đã giúp Hải Hậu sớm “về đích”, xứng đáng là huyện điểm đạt chuẩn nông thôn mới trong cả nước. Trong đó, việc lựa chọn phong trào và thực hiện phương châm trên là cách làm sáng tạo, phù hợp, hợp lòng dân. Do đó phong trào trên đi vào cuộc sống, phong trào xây dựng nôn thôm mới gặt hái được thành công lớn ở Hải Hậu.

Tuy nhiên, trong công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới ở Hải Hậu cũng còn một số hạn chế, bất cập. Nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền chưa linh hoạt, chưa phù hợp với đặc điểm sinh hoạt cộng đồng, với hình thức sinh hoạt tôn giáo tập thể và trình độ dân trí ở vùng đồng bào Công giáo; lực lượng làm công tác tuyên truyền còn mỏng, chưa vận động được các chức sắc tôn giáo và những người có uy tín ở vùng giáo tham gia công tác tuyên truyền; sự phối hợp giữa các cơ quan, các đoàn thể làm công tác tuyên truyền chưa đồng bộ, chưa tạo ra sức mạnh để đạt hiệu quả tuyên truyền; việc nhân rộng các loại hình câu lạc bộ không có người sinh con thứ ba, câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi, câu lạc bộ đường làng xanh-sạch-đẹp, cánh đồng, dòng sông không rác thải... chưa sâu rộng, chưa thu hút đông đảo đồng bào Công giáo tham gia; công tác tuyên truyền gắn với các chính sách phát triển kinh tế cho đồng bào Công giáo còn hạn chế nên mức sống bình quân của đồng bào Công giáo thấp hơn mức sống bình quân của nhân dân toàn huyện.... Tất cả những hạn chế đó đã tác động trực tiếp đến công tác triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng đồng bào Công giáo.

Nhận thức về chủ trương xây dựng nôn thôn mới trong đồng bào công giáo vẫn còn không ít vấn đề rất cần được nhìn nhận và suy ngẫm. Đó là tâm lý sợ mắc tội, sợ làm sai lời Chúa dạy do giáo lý, giáo luật Công giáo có nhiều điều răn, điều buộc; tâm lý sợ khô nhạt đạo; một bộ phận vẫn còn tâm lý mặc cảm, tự ti về quá khứ.  

Một bộ phận đồng bào Công giáo nhận thức chưa đầy đủ và toàn diện về nội dung xây dựng nông thôn mới. Một số người mặc nhiên coi việc xây dựng nông thôn mới chỉ là sự đầu tư của cấp trên về phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, hiểu "xây dựng nông thôn là một dự án của Nhà nước"; một bộ phận thì bị tác động của các đặc điểm tâm lý tôn giáo "đã tham gia giáo hội thì không tham gia công việc xã hội" vì vậy khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào Công giáo bà con giáo dân không tham gia vào các công việc như: bàn bạc các phương án xây dựng nông thôn mới, bàn bạc mức đóng góp, tham gia tuyên truyền xây dựng nông thôn mới.

2. Hoàn thành các tiêu chí và được công nhận là huyện nông thôn mới đã là một cố gắng lớn. Nhưng để ổn định và phát triển bền vũng nông thông mới trong đồng bào Công giáo mới là những trăn trở của lãnh đạo và cả hệ thống chính trị huyện Hải Hậu. Chính vì vậy, để ổn định và phát triển bền vũng nông thông mới trong đồng bào Công giáo rất cần tiếp tục triển khai động bộ nhiều giải pháp. Theo đó, cần quan tâm thực hiện tốt một số gải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tuyên truyền xây dựng nông thôn mới ổn định và bền vững trong đồng bào Công giáo.

Việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới cần xác định đó mới là bước đầu. Vấn đề lâu dài là triển khai các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao nhận thức, ý chí, hành động của đồng bào công giáo trong việc gìn giữ, tiếp tục xây dựng bổ sung, phát triển bền vững  những thành quả đó.

Tăng cường quan tâm đến xây dựng Đảng và Chính quyền cơ sở vững mạnh, xem đó là một giải pháp trọng yếu để duy trì và phát triển phong trào xây dựng nông thôn mới một cách thường xuyên, liên tục.

Thứ hai, tiếp tục củng cố và kiện toàn bộ máy của chính quyền cấp cơ sở - yếu tố quan trọng quyết định sự thắng lợi của các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội. Quan tâm xây dựng chính quyền từ cơ sở chính là điều kiện để chương trình xây dựng nông thôn mới được tiếp tục thực hiện có chiều sâu và hiệu quả. 

 Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là huy động sự tham gia của các chức sắc, chức việc tôn giáo đối với công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới trong đồng bào Công giáo trong thời gian tới.

Hiệu quả tuyên truyền xây dựng nông thôn mới là kết quả tổng hợp từ nhiều phía, trong đó có sự phối hợp giữa các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể giữ một vai trò quan trọng. Sự phối hợp này cần phải tiến hành chặt chẽ, thường xuyên, liên tục, trong đó Ban Tuyên giáo Huyện ủy, các đoàn thể chính trị-xã hội phải là những lực lượng nòng cốt, cần phải có chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể giữa các lực lượng này; có sự phân công rõ ràng. Trong quá trình thực hiện cần có sự kiểm tra, giám sát và nhắc nhở khi cần thiết. Sau mỗi đợt tuyên truyền cần có sự tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những đợt tuyên truyền tiếp theo.

Hệ thống tuyên giáo các cấp cùng với các đoàn thể chính trị-xã hội tăng cường tham mưu giúp cấp ủy định hướng nội dung, phương thức tuyên truyền tuyên truyền xây dựng nông thôn mới theo từng thời gian cụ thể đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với đặc điểm của đồng bào Công giáo. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng báo cáo viên các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trong đồng bào Công giáo. Chú trọng biên soạn tài liệu tham khảo, đề cương bài giảng; tăng cường trao đổi, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, nội dung xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở.

Cần chỉ đạo các cơ quan: Đài Phát thanh-Truyền hình huyện, Cổng thông tin điện tử của huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn nâng cao chất lượng tuyên truyền, mở chuyên trang, chuyên mục; kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân giáo dân điển hình trong việc thực hiện tốt nội dung xây dựng nông thôn mới, tạo sức lan tỏa rộng khắp tới giáo dân.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, các cấp ủy đảng và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp cần gắn nội dung tuyên truyền xây dựng nông thôn mới với các phong trào khác của Ban đoàn kết Công giáo phát động như phong trào "Đồng bào Công giáo Hải Hậu đoàn kết yêu thương để giúp nhau phát triển kinh tế góp phần xây dựng nông thôn mới", "xây dựng xứ, họ tiên tiến-gia đình Công giáo gương mẫu"... Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của giáo dân để củng cố niềm tin và động viên họ tham gia tuyên truyền và thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Các tổ chức đoàn hội cần thường xuyên lồng ghép nội dung xây dựng nông thôn mới trong nội dung sinh hoạt của tổ chức mình. Cần thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên của tổ chức mình nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới...

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên trong đồng bào Công giáo, nhất là các địa bàn xóm, tổ dân phố đông đồng bào theo đạo Công giáo nhưng chưa có chi bộ độc lập lãnh đạo.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những người có uy tín trong Công giáo, xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên…. Trong thực hiện chính sách đối với người có uy tín phải hết sức linh hoạt, khôn khéo, phù hợp với đặc điểm tâm lý, phong tục tập quán của từng người, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết, đúng tâm lý để họ luôn tin tưởng, nhiệt tình cộng tác, gắn bó với cách mạng; tránh hình thức bình quân, dàn đều, có thể kết hợp giữa tranh thủ rộng rãi và tranh thủ cá biệt. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những người uy tín có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất, tích cực thực hiện và vận động đồng bào Công giáo thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm nòng cốt cho các phong trào ở địa phương.

Thường xuyên cung cấp thông tin về thời sự chính trị, kinh tế của địa phương, trong nước và quốc tế cho người có uy tín, tạo điều kiện để họ theo dõi báo, đài. Thường xuyên phổ biến cho người có uy tín chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách liên quan đến tôn giáo, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo vệ môi trường; về âm mưu, phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm, của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống chính quyền thông qua các hội nghị biểu dương người có uy tín, các buổi gặp mặt nhân các ngày lễ, tết nhằm nâng cao nhận thức của người có uy tín một cách rộng rãi.

Bồi dưỡng, bố trí người có uy tín vào tổ chức xã hội, tổ hoà giải ở cơ sở, hoặc cơ cấu vào Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Chủ động phát hiện, hỗ trợ tạo dựng uy tín cho những người tích cực và có khả năng, nhưng còn bị hạn chế một số điều kiện nhất định.

Thứ ba, nâng cao chất lượng, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trong đồng bào Công giáo

Cần tích cực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị ở cơ sở đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Để nâng cao chất lượng toàn diện của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt cần phải tiến hành một cách đồng bộ nhiều giải pháp.

Công tác xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả trước mắt và lâu dài, do đó cần thực hiện tốt việc tuyển chọn cán bộ có đạo đức, có năng lực, trình độ, chăm lo đào tạo và tổ chức bộ máy chuyên sâu về công tác xây dựng nông thôn mới và công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới.

Các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cần bám sát cơ sở, ứng xử có văn hóa khi tiếp xúc với nhân dân và đặc biệt phải nắm vững chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, những cơ chế, chính sách liên quan đến công tác xây dựng nông thôn mới để giải thích có lý, có tình khi người dân có những thắc mắc hoặc hiểu chưa đúng và đề xuất cải tiến những gì không còn phù hợp, đề xuất bổ sung vào chủ trương chính sách những vấn đề mới nảy sinh từ nhu cầu thực tiễn của cuộc sống. Phương châm "nói cho dân hiểu, làm cho dân tin" phải được triển khai sâu rộng trong nhân dân. Việc tuyên truyền vận động nhân dân không chỉ đơn thuần dùng chính sách pháp luật đối với một số công việc khó như vận động nhân dân hiến đất mà phải dùng cả tình làng nghĩa xóm trong đó tranh thủ ý kiến của những người cao tuổi, cán bộ hưu trí và những người có uy tín trong xứ họ đạo để tiến hành tuyên truyền vận động.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới nội dung, lựa chọn hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với yêu cầu tuyên truyền xây dựng nông thôn mới bền vững trong đồng bào Công giáo.

Xuất phát từ đặc điểm tâm lý của người Công giáo, để tuyên truyền có hiệu quả việc xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với yêu cầu của công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trong đồng bào Công giáo là một yêu cầu cần thiết đảm bảo hiệu quả tuyên truyền.

Nội dung tuyên truyền xây dựng nông thôn mới cho đồng bào Công giáo cần tập trung vào những thông tin, kiến thức mới về tiến bộ khoa học kỹ thuật, những kết quả đã đạt được cũng như những kinh nghiệm, những mô hình kinh tế có hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới. Đó chính là nội dung cần thiết, thiết thực nhất mà đồng bào Công giáo quan tâm, cũng chính là căn cứ, là cơ sở để chủ thể tuyên truyền tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những nội dung cần thiết, cũng như có sự điều chỉnh, thay đổi nội dung tuyên truyền sao cho phù hợp yêu cầu thực tiễn của từng địa phương.

Cần đổi mới các hình thức tuyên truyền và áp dụng các hình thức mới, có tính sáng tạo cao như: tranh luận, đối thoại bình đẳng, dân chủ với đồng bào, tranh thủ những ý kiện đóng góp của chính đồng bào; tổ chức các hoạt động chính trị-xã hội, văn hoá-văn nghệ để lôi kéo đồng bào tham gia; tiến hành thường xuyên các buổi tham quan cơ sở, các mô hình kinh tế hiệu quả; tổ chức các hình thức tuyên truyền trực tiếp như hội thảo đầu bờ, tổ chức hội chợ, triển lãm… nhằm thu hút nhân dân cùng tham gia. Tránh sử dụng lặp lại những hình thức, phương pháp đã trở nên đơn điệu, nhàm chán thiếu tính khoa học.

Ngoài ra cần lồng ghép sáng tạo và linh hoạt trong các phương pháp tuyên truyền truyền thống với các phương pháp tuyên truyền hiện đại, thích hợp với đồng bào. Chú trọng sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền qua các hội nghị, qua sinh hoạt câu lạc bộ của các đoàn thể, của khu dân cư...

Đặc biệt, cần chú trọng phương pháp nêu gương. Tăng cường phát hiện, nuôi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng các thôn, xóm, gia đình, cá nhân đồng bào công giao tiêu biểu trong xây dựng nông thô mới.

Thứ năm, tiếp tục phát triển kinh tế bền vững, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào Công giáo.

Để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào công giáo trong xây dựng nông thôn mới cần chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả và bền vững, gắn sản xuất, bảo quản với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; mở rộng cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, như vùng sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, vùng sản xuất vụ đông, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường; xây dựng thương hiệu cho một số nông, thủy sản chủ lực có chất lượng cao; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường trong nước và xuất khẩu để hỗ trợ, giúp đỡ nông dân tiêu thụ sản phẩm...

Phan Văn Hưởng,
Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hải Hậu

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất