Thứ Tư, 8/5/2013 21:53'(GMT+7)
Xây dựng thói quen dùng hàng Việt
Đề án Phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2014 – 2020 gắn với
cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đang được Bộ
Công Thương xây dựng.
Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy sản xuất kinh doanh hàng Việt ngay tại thị trường nội địa; xây dựng nhu cầu, thói quen tiêu dùng và sử dụng hàng Việt. Theo đó Đề án sẽ tập trung phát triển hệ thống phân phối hàng Việt đến với các đối tượng tiêu dùng được thuận lợi và hiệu quả nhất.
Cụ thể, Đề án sẽ tập trung: Xây dựng cơ sở dữ liệu về mạng lưới (bản đồ) phân phối hàng Việt tại các tỉnh, thành; huấn luyện kỹ năng bán hàng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh; tại tất cả các tỉnh thành đều có chuỗi cửa hàng bình ổn thị trường bán hàng được sản xuất trong nước; xây dựng ít nhất 1 điểm bán hàng Việt tại các chợ bán lẻ truyền thống tại các địa phương; mô hình thí điểm đội xe lưu động bán hàng Việt định kỳ ít nhất 1 lần/tháng tại một số địa bàn đặc biệt khó khăn…
Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt và hàng Việt, Đề án đặt mục tiêu tổ chức mỗi năm ít nhất 10 lớp đào tạo, tư vấn cho DN. Thành lập 3 trung tâm điều tra cung cấp thông tin để tư vấn, định hướng tiêu dùng và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho hàng Việt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM. Từ đó, thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ đào tạo, tư vấn và tổ chức quản lý phân phối hàng Việt trong nước, Đề án sẽ giúp DN và hàng Việt tiếp cận rộng hơn, sâu hơn, bền vững hơn tới người tiêu dùng cả nước.
Theo đánh giá của bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, đây là một những phương án khá sát với nhu cầu và khá khả thi. Nhưng bà Hạnh nhấn mạnh, Đề án cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa sản xuất và kinh doanh hàng Việt. Bởi khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa là hàng sản xuất ra rất khó có chỗ đứng vững chắc trong các siêu thị. Các vị trí đẹp, đầu quầy, kệ hầu hết đều được các siêu thị dành để bày bán những mặt hàng của các công ty đa quốc gia. Còn vị trí của hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra lại bị chuyển dần từ vị trí đẹp sang những vị trí khác và dần dần có xu hướng đi ra khỏi siêu thị.
Theo kiến nghị của nhiều nhà phân phối, bán lẻ trong nước, Đề án nên lựa chọn ra 20 DN phân phối, bán lẻ hàng đầu để xây dựng thành một lực lượng nòng cốt tập trung phát triển xu hướng bán và tiêu dùng hàng Việt.
Theo Chinhphu.vn