Thứ Ba, 15/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 30/5/2009 11:28'(GMT+7)

Xây dựng và tổ chức thực hiện Quy ước ấp – khóm văn hóa ở Đồng Tháp

Trái cây là đặc sản của Đồng Tháp

Trái cây là đặc sản của Đồng Tháp

Thực hiện dân chủ ở ấp - khóm nhiều mặt tiến bộ; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội có bước phát triển mới như: điện, nước, giao thông, trường học, trạm, trại, nhà ở được cải thiện rõ nét; truyền thanh, truyền hình được phủ sóng 100%, phương tiện đi lại dễ dàng hơn góp phần làm giảm bớt sự cách biệt giữa thành thị với nông thôn… Những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, về cách mạng, về kháng chiến, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa người có công, quý trọng các danh nhân văn hoá, giúp đỡ người hoạn nạn… đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng.

Nổi lên trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày nay là việc xây dựng và thực hiện qui ước ấp - khóm văn hoá, nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh trại tự, bài trừ' các hủ tục mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội, nhiều địa phương như: Hồng Ngự, Thanh Bình, Châu Thành, Lai Vung, TP. Cao Lãnh... đã có những qui ước ấp - khóm văn hoá. Tổng kết phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" năm 2008, Đồng Tháp có 605/693 chiếm 87,3% ấp-khóm đã xây dựng được và tổ chức thực hiện qui ước khá hoàn chỉnh, được UBND huyện, thị, thành phê duyệt.

Đồng Tháp khi xây dựng qui ước ấp - khóm văn hoá, đã xác đinh 3 nguyên tắc cơ bản:

- Tuân thủ các qui định của pháp luật.

- Kế thưa, phát triển các phong tục, tập quán truyền thống và nền văn hoá cổ truyền tốt đẹp, loại bỏ các hủ tục mê tín, dị đoan.

- Phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi ấp – khóm, nhưng không được gây phương hại đến lợi ích của ấp - khóm khác.

Hầu hết các qui ước ấp - khóm văn hoá đều có các khoản qui định về trật tự trị an, bảo vệ môi trường, giữ gìn các di sản văn hoá, xây dựng cảnh quan nông thôn, gia đình văn hoá, nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, thực hiện nghĩa vụ công dân và các qui định của pháp luật hiện hành…

Qua theo dõi, ở các ấp - khóm thực hiện tốt các qui ước thì tình hình an ninh trật tự ổn định, không xảy ra các vụ vi phạm pháp luật, tỉ lệ phát triển dân số giảm, các công trình phúc lợi được tôn tạo, các thiết chế văn hoá được củng cố, nếp sống văn hoá trong tiệc cưới, tang, lễ hội ngày càng tiến bộ, văn minh, các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan được đẩy lùi; tình đoàn kết trong xóm làng ngày càng bền chặt, vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền đoàn thể được nâng cao.

Tuy vậy, việc xây dựng và phát triển văn hoá ở nông thôn Đồng Tháp theo mô hình "Qui ước ấp - khóm văn hoá” vẫn còn nhiều bất cập. Văn hoá theo nghĩa rộng chưa thực sự thâm nhập vào vùng nông thôn, không nói là ăn sâu bén rễ.

Ở một số xã, vấn đề văn hoá-xã hội chưa được chú trọng đúng mức (dù ở cách hiểu thông thường nhất). Bản sắc truyền thống, tập quán văn hoá cổ truyền tốt đẹp chưa được chú ý giữ gìn và phát huy. Cá biệt có nơi, có ấp – khóm hiện tượng mê tín phát triển theo kiểu “Phú quý sinh lễ nghĩa”, các tiêu cực phát sinh, dân chủ và công bằng xã hội còn bị vi phạm. Những nơi có phong trào xây dưng quy ước ấp – khóm văn hoá sớm (từ những năm 1998-2001), bên cạnh những cái được, tạo chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện, song một số ấp - khóm vẫn bộc lộ nhiều nhược điểm. Nội dung quy ước của một số ấp - khóm còn nghèo, trùng lắp và đơn điệu. Có nơi đề ra các điều khoản quy định còn chung chung, thiếu tính thực tiễn khả thi và toàn diện, nơi khác lại tuỳ tiện, không phản ánh và kế thừa chọn lọc vốn văn hoá truyền thống, thậm chí chưa đúng với tinh thần pháp luật, tạo kẽ hở cho kiểu “phép vua thua lệ làng” trở lại, vượt ra ngoài cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Hơn lúc nào hết, trên cơ sở tổng kết những thành tựu đã đạt được trong việc xây dựng và thực hiện quy ước ấp - khóm văn hoá, công tác lãnh đạo và quản lý hoạt động văn hóa cần được kịp thời rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả, vì chính nông thôn phát triển đồng đều, vững mạnh, sẽ tạo điều kiện cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Với tinh thần đó, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra trong thời gian tới ở Đồng Tháp là:

Trước hết, phải chỉ ra cho đúng nguyên nhân của những yếu kém tồn tại. Một nền kinh tế còn chậm phát triển (cơ cấu kinh tế: sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm 75%, tỉ lệ hộ nghèo 8,82%) là thách thức không nhỏ tới việc thực hiện các tiêu chí về nếp sống văn hóa. Người nông dân đang hàng ngày vật lộn kiếm sống nên chưa có điều kiện và thực sự quan tâm toàn diện đến xây dựng nếp sống văn hóa. Hơn nữa, ở không ít cơ sở, cấp ủy, chính quyền cũng chưa nhận thức đầy đủ, đầu tư thỏa đáng và toàn diện cho xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Th hai, cần tiếp tục đổi mới, củng cố và hoàn thiện hệ thống chính trị cấp xã, phường, thị trấn và ấp - khóm. Đặc biệt chú ý đến đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá (qua điều tra tháng 5-2008 : 80% số cán bộ văn hoá - xã hội cơ sở chưa được đào tạo cơ bản; 50% số cán bộ còn kiêm nhiệm các công việc khác và không ít cán bộ yếu về năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ, thậm chí có nơi cán bộ không hoàn thành được nhiệm vụ đương nhiệm thì chuyển sang làm cán bộ văn hóa). Đồng thời phải chú ý nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, vai trò của chính quyền, đoàn thể với nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Th ba, gia đình là hạt nhân của xã hội, nên cần làm tốt hơn việc xây dựng gia đình văn hoá để xây dựng ấp – khóm, xã văn hoá. Cần khuyến khích, động viên khen thưởng gia đình thực hiện tốt quy ước ấp - khóm văn hoá, nâng cao tính tự quản cộng đồng dân cư và vai trò làm chủ của nhân dân.

Th tư, khi xây dựng hoặc sửa đổi bổ sung quy ước ấp - khóm văn hoá cần phải có một cách nhìn và biện pháp toàn diện, phát huy tính đa dạng về sắc thái văn hoá, đồng thời phải bám chặt vào các văn bản pháp luật.

Xây dựng và thực hiện quy ước ấp - khóm văn hoá là vấn đề không đơn giản ở nông thôn Đồng Tháp nên cũng chưa thể thực hiện tốt ngay một sớm một chiều. Nhưng nếu biết phát huy những kết quả đã đạt được, thường xuyên quan tâm và có những biện pháp thiết thực tạo được phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở, sẽ góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương./.

Ngọc Đa, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất