Tương truyền tục chọi trâu ở Hải Lựu, huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc có từ trước Công nguyên. Lúc đó nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của Triệu Đà, triều đình nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia kéo quân về vùng núi huyện Lập Thạch tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu động viên quân sĩ. Trâu sau khi chọi đem giết thịt khao quân. Lữ Gia mất, dân làng tôn vinh ông làm thần hoàng làng và lễ hội chọi trâu truyền nhau từ đó.
Ở Đồ Sơn (Hải Phòng) xưa kia đang yên vui bỗng một con thuỷ quái đến quấy nhiễu, bắt cư dân hàng năm phải cúng nó một Thiện nam tại Vụng mát. Người ta lập đền thờ bên bờ biển và đêm đêm thấy có cặp trâu từ dưới biển hiện lên mặt nước trước đền chọi quyết liệt, nghe tiếng động là chúng biến mất. Từ đó dân chúng trong vùng tin rằng vị thần thờ trong đình thích xem trâu chọi. Ở Đồ Sơn vào tháng 5 và tháng 8 là hai tháng đầu vụ tép săm và đánh cá Bắc giữ vai trò quan trọng trong đời sống cư dân. Vào ngày 15-5 và 9-8 nước triều dâng cao, sóng to gió lớn có thể gây nguy hiểm cho thuyền bè ra khơi vào lộng nên người ta tổ chức chọi trâu để làm đẹp lòng thuỷ thần, cầu mùa bội thu, cuộc sống an bình. Ngày vua Lý Thánh Tông đánh Chiêm trở về, qua Đồ Sơn thấy dân có tục chọi trâu, ngài ban chiếu cho mở hội chọi trâu, vẫn còn câu: "Dù ai đi đâu về đâu/ Mồng Chín tháng Tám chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mồng Chín tháng Tám nhớ về chọi trâu”.
Như vậy lễ hội chọi trâu Hải Lựu và Đồ Sơn có lâu đời, tuy khác nhau về thời gian, về tính chất nhưng giống nhau ở mục đích.
Hàng năm dân làng nơi này góp tiền, cử người lên Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Lại Châu, Yên Bái là những nơi có đàn trâu to khỏe; về Nam Định, Hà Nam vùng chiêm trũng nơi có đàn trâu dai sức, có bộ móng tốt để tìm mua trâu chọi. Đó là những nơi có trâu chọi thường đoạt giải cao trên xới chọi. Tìm được con trâu ưng ý, thời giá mươi mười lăm triệu đưa về giao cho gia đình có kinh tế khá giả, sống hoà hiếu chăm sóc, mọi nhà khác trong làng có nghĩa vụ đóng góp thức ăn thường là: ngô, khoai, cỏ, cám. Trước khi lên xới chọi, con trâu được cả làng chăm sóc như một thành viên của cộng đồng, đây là sợi dây gắn kết tình làng nghĩa xóm và các dòng tộc với nhau. Trong thời gian vỗ trâu chọi, không cho trâu đánh nhau, không cho trâu đến gần con cái. Trước khi lên xới chọi, cho trâu uống nước sắc rễ cây Đinh lăng và ít rượu tốt. Gần đây người ta còn cho trâu uống thuốc bổ và bia.
Lễ hội chọi trâu diễn ra 2-3 ngày. Ngoài hoạt động chính là chọi trâu cúng tế Thần linh diễn ra ngày lễ chính: 17 tháng giêng ở Hải Lựu, 9 tháng 8 ở Đồ Sơn còn các hoạt động cúng tế Thần ngày hôm trước cùng việc rước sách và các trò vui chơi dân gian khác.
Ở Hải Lựu , ngày 16 tháng giêng dân làng cử một đoàn lên Đền Hùng, Phú Thọ cúng tổ bằng lễ chay. Ngày 17 tháng giêng chọi trâu cúng tế thần. Ngày 18 tháng giêng lễ thần bằng cỗ mặn có thịt trâu, rồi tiếp đó "thừa Thần dư huệ" cả làng ăn uống vui chơi trong tiếng hát tiếng nhạc.
Ở Đồ Sơn, ngày 8 tháng 8 các đình làng trong tổng Đồ Sơn cúng lễ chay ban đêm, lễ mặn ban ngày. Lễ vật sau cúng thần những người trực đình hưởng. Trực đình là quyền lợi thuộc hàng ngũ chức sắc trong tổng Đồ Sơn, họ giữ các vai: chủ tế, bồi tế, hành văn, bạch văn… Sáng sớm ngày 9 lễ chính có chọi trâu cúng tế thần, các làng cử các giáp, các nhóm hoặc các họ rước trâu xuống xới chọi. Việc chuẩn bị cho đám rước từ hôm trước. Giữa giờ Tý các bô lão và chức sắc làm lễ đưa trâu về đình chính. Giữa giờ Mão những người được biên chế trong đám rước, quần áo truyền thống, cờ, kiệu, bát bảo, trống, chiêng, kèn, sáo, chập choé… theo sau là các vị bô lão áo lương quần trắng, đầu khăn đóng và lần lượt trâu chọi của các đoàn theo thứ tự xếp hạng của ngày đấu loại. Trên tay người dắt trâu có nắm hương nghi ngút. Trâu chọi được quấn vải đỏ hai sừng. Còn có đội múa Rồng, Lân, Sư tử hay các nghệ nhân của các gánh hát hoá trang các nhân vật theo tích xưa, tuỳ thuộc từng nơi.
Xới chọi là nơi diễn ra các kháp (trận) đấu giữa các cặp trâu khi đấu loại và đấu chính thức, mỗi chiều 100m, bao quanh xới chọi là hào nước. Người xem đứng bờ ngoài, quanh hồ nước.
Cuối giờ Thìn (9 giờ) chọi trâu tế thần bắt đầu. Các kháp đấu tuần tự diễn ra, ba kháp của ba trâu này với ba trâu kia. Tiếp đó ba trận thắng lại lên xới đấu hai kháp tiếp để xác định nhất, nhì, ba. Trường hợp hai trâu không chịu lao vào nhau phân thắng thua thì kháp đấu coi như không diễn ra, trường hợp trâu vừa thắng ở kháp trước lại bị trâu thứ ba (con đứng dưng) hạ ở kháp đấu sau thì vị trí nhất, nhì, ba được xác định sau hai kháp đầu. Trâu đứng dưng dành giải nhất được vinh danh là trâu phá giải. Như vậy trên xới chọi diễn ra 5 kháp đấu.
Do sức vóc và trí khôn, mỗi con trâu có cách đấu khác nhau. Có thể phân loại sau:
- Con trâu vào trận là lao ngay vào đối thủ, dùng gốc sừng đập vào đầu đối thủ sau đó lãng ra lấy đà rồi lại lao vào một cách giữ tợn hơn. Đây là cách "đánh rập".
- Con trâu lì lợm gan cóc tía, mắt đỏ nọc, uy hiếp đối phương, khi đánh gần nó dùng sức mạnh cặp sừng đập mạnh vào đầu, vào mắt, vào tai đối thủ những "miếng phang".
- Con trâu hạ đầu xuống thấp dùng mũi nhọn cặp sừng hất lên, rồi lại hất ngang sang hai bện nhằm vào hầu, vào tai, vào mắt, vào bụng những nơi hiểm yếu của đối thủ những "miếng cáng”.
Thời gian cho mỗi kháp đấu không quy định trước (như cho người) mà tuỳ thuộc vào thực tế đấu của mỗi cặp trâu. Có trận diễn ra nhiều giờ, có trận kết thúc nhanh chóng. Khi một trâu bỏ chạy trước đối thủ, phải cần sự can thiệp của giới chuyên môn: dùng cách bắt kỳ được trâu thắng trên xới. Với con khó bắt, người hướng nó xuống nước, có khi phải lặn xuống sâu rồi tìm mũi trâu sâu thừng vào bắt mà chấm dút trận đấu.
Tuỳ theo tình hình thực tế của các cặp đấu, thông thưởng thì vào khoảng 15 - 17 giờ, cuộc chọi trâu ngày hôm đó kết thúc. Bên có trâu đoạt giải nhất tiến hành nghi thức rước trâu được vinh danh chiến thắng trở về với cờ, quạt, bát hương, cùng toàn bộ đồ nghi trượng giành cho đám rước.
Sau đó là con thắng cũng như con thua đều được giết thịt làm cỗ mặn tế thần cho hôm sau và cho cuộc ăn uống đại trà trong cộng đồng cư dân tổ chức lễ hội chọi trâu, tận hưởng thành quả của lễ hội.
Ai xem chọi trâu một lần sẽ sinh máu đam mê xem trâu chọi còn hơn xem chọi gà và hết chê "ngu như trâu”, "chậm như trâu”. Những con trâu đấu thủ là trâu nhà, to lớn khoẻ mạnh được chăm sóc đặc biệt suốt trong thời gian chuẩn bị. Trong ngày hội đó, các đấu thủ trâu được đem ra thử tài thử sức trước cổ vũ của người xem. Cuộc chọi đã kết thúc và tất cả những con trâu chọi thi, con thắng cũng như con thua đều bị giết thịt, nhưng kết quả của trận đấu thì còn được người xem bàn tán sôi nổi và đọng lại trong lòng người./.
Lâm Văn Ngọc
Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội