Thứ Ba, 22/4/2014 13:35'(GMT+7)
Xét xử phúc thẩm nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines
Sáng 22/4, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử công khai vụ án Dương Chí Dũng và các bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm kết án về tội “Tham ô tài sản,” “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), theo đơn kháng cáo của các bị cáo.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong ba ngày, từ 22 đến 24/4. Tham gia Hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao do thẩm phán Nguyễn Văn Sơn làm chủ tọa. Hai kiểm sát viên cao cấp của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa.
Trong buổi xét xử đầu tiên của phiên tòa phúc thẩm, 16 luật sư đã có mặt để tham gia bào chữa cho chín bị cáo có đơn kháng cáo.
Dự phiên tòa còn có những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, đại diện các cơ quan liên quan và nguyên đơn.
Theo bản án sơ thẩm số 479/2013/HSST ngày 16/12/2013 của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, Hội đồng xét xử đã xử phạt 10 bị cáo trong vụ án này gồm nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines Dương Chí Dũng và nguyên Tổng Giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc đều bị tuyên án phạt tử hình về tội tham ô tài sản; 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt chung đối với cả hai tội là Tử hình.
Cùng về hai tội danh này còn có hai bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi 83M) bị phạt tổng hợp mức án là 19 năm tù; Trần Hải Sơn (nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn sửa chữa tàu biển Vinalines) bị phạt tổng hợp mức án là 22 năm tù.
Ở nhóm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, Tòa đã xử phạt các bị cáo Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) 4 năm tù; Lê Văn Dương (đăng kiểm viên) 7 năm tù; Mai Văn Khang (cán bộ Ban quản lý dự án Vinalines) 7 năm tù. Ba bị cáo nguyên là cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa gồm Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng cùng chung mức hình phạt 8 năm tù.
Tòa còn tuyên buộc các bị cáo Dũng và Phúc phải trả lại số tiền đã tham ô, mỗi bị cáo 10 tỷ đồng và bồi thường thiệt hại cho Vinalines 100 tỷ đồng, tổng cộng mỗi bị cáo phải bồi thường 110 tỷ đồng.
Các bị cáo Chiều phải bồi thường hơn 39 tỷ đồng, Sơn bồi thường hơn 46 tỷ đồng, Khang 12 tỷ đồng, Loan 6 tỷ đồng, Dương hơn 15 tỷ đồng. Cả ba bị cáo nguyên là cán bộ hải quan gồm Đức, Triện, Lừng, mỗi bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường 9 tỷ đồng cho Vinalines.
Hội đồng xét xử quyết định kê biên ba căn nhà của Dương Chí Dũng để đảm bảo thi hành án là căn nhà ở ngõ 26 đường Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội (là tài sản chung của vợ chồng Dũng); căn hộ ở tòa nhà Skycity số 88 Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) và căn hộ ở tòa nhà Pacific số 83 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đối với Mai Văn Phúc, Hội đồng xét xử quyết định kê biên nhà số 7 đường Lê Quý Đôn, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.
Sau phiên tòa sơ thẩm, 9/10 bị cáo đã làm đơn kháng cáo (riêng bị cáo Bùi Thị Bích Loan phạm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng không kháng cáo).
Trong phiên xét xử sáng nay, Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm tra căn cước những người có mặt tại phiên tòa; giải thích quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng./.
TTXVN