Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 8/5/2016 9:3'(GMT+7)

Xóa bỏ cơ chế xin-cho

Khách hàng giao dịch tại bộ phận kế toán kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước Hà Nội. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Khách hàng giao dịch tại bộ phận kế toán kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước Hà Nội. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 4/2016, cũng là phiên họp đầu tiên kể từ khi Chính phủ mới kiện toàn (diễn ra trong 2 ngày 4 và 5/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Chính phủ mới kiện toàn sẽ chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Với việc phải phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin-cho, Chính phủ tập trung vào công tác xây dựng thể chế, cơ chế chính sách cho đầu tư, phát triển...

Cơ chế xin-cho là khái niệm khá quen thuộc với người dân Việt Nam. Cơ chế xin-cho là một trong những tàn dư còn sót lại của thời kỳ bao cấp. Với một hoàn cảnh lịch sử nhất định, cơ chế xin-cho cần thiết  trong thời kỳ bao cấp. Thế nhưng khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, cơ chế xin-cho lại là một thứ “máy cái đẻ ra tiêu cực”. Thực tế đang tồn tại rất nhiều thứ có thể “xin”, có thể “cho” ví dụ như cấp vốn ngân sách, tín dụng, đất đai, tuyển dụng... 

Cơ chế xin-cho là một trong những nguyên nhân chính của biểu hiện “hành dân”,  “hành doanh nghiệp” trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo nhận định của Thanh tra Chính phủ, cơ chế xin-cho còn là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, mua sắm công, tổ chức cán bộ, quản lý doanh nghiệp nhà nước... Cơ chế xin-cho gắn liền với nền hành chính cai trị, vì thế để xóa bỏ cơ chế xin-cho, không có cách nào khác phải chuyển dần từ nền hành chính cai trị sang nền hành chính phục vụ. Biểu hiện của cơ chế xin-cho trong nhiều trường hợp được núp danh bởi “thủ tục hành chính”, cho nên muốn xóa bỏ cơ chế xin-cho cần rà soát lại quy trình, thủ tục hành chính trong giải quyết công việc, đồng thời với việc nâng cao năng lực, trình độ nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, đề cao kỷ luật phục vụ.

Giải pháp cơ bản để xóa bỏ được cơ chế xin-cho là phải xây dựng được cơ chế để loại bỏ được những yếu tố dẫn tới khả năng tiêu cực, “xin-cho”, trong đó vấn đề cốt lõi nhất là xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng, minh bạch để không còn phát sinh ra cơ chế xin-cho. Ví dụ như luật ban hành ra càng cụ thể càng tốt, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng luật khung và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện chính quyền điện tử, xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả các hoạt động của cán bộ, công chức...

Trước mắt, để từng bước xóa bỏ cơ chế xin-cho, cần đơn giản và công khai hóa thủ tục hành chính, loại bỏ giấy phép “con” không phù hợp, loại bỏ những cán bộ thoái hóa biến chất, nhũng nhiễu nhân dân.

Người dân và doanh nghiệp rất phấn khởi khi nhận được những thông tin từ Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ với quyết tâm chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Chính phủ sẽ tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời phát huy, bảo đảm dân chủ cho người dân, nhất là người yếm thế trong xã hội.

Hy vọng quyết tâm và hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ được lan truyền đến các bộ, ngành, địa phương và chuyển hóa thành những hành động quyết liệt để xóa bỏ cơ chế xin-cho, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Về phía người dân và doanh nghiệp cũng cần chung sức, đồng hành với Chính phủ trên mặt trận này bằng cách nói không với  hành vi "xin-cho", phát hiện và tố giác những hành vi “xin-cho” của cán bộ công chức./.

Đỗ Phú Thọ (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất