Theo lãnh đạo Cục Thẩm định và Đánh giá tác động Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc một số dự án thủy điện nhỏ thi công “vượt đèn đỏ” khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) như thủy điện Sông Lô 2 tại tỉnh Hà Giang, hay thủy điện Suối Mu ở Hòa Bình là việc làm trái luật.
Vậy những dự án thủy điện thi công trái luật trên sẽ phải xử lý ra sao? Trong việc này, chủ đầu tư đã nóng vội triển khai, hay cố tình lách luật? Liệu đây có phải là cách doanh nghiệp “làm khó” cơ quan chức năng địa phương, để cho qua những “chuyện đã xảy ra rồi?”
Thi công “vượt đèn đỏ”
Như VietnamPlus đã phản ánh, gần đây, tình trạng doanh nghiệp thủy điện nhỏ “trốn” lập ĐTM - một quy định bắt buộc và là một trong những yếu tố quyết định dự án đó có được triển khai hay không đang khá phổ biến, mà nguyên do lại chính từ các văn bản chính sách lẫn việc thực thi.
Đơn cử như Dự án Thủy điện Sông Lô 2, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng từ năm 2015, tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Thế nhưng, hiện tại Dự án điều chỉnh thuộc đối tượng phải lập lại ĐTM (do nâng công suất lắp máy từ 21MW lên 28MW và điều chỉnh một số hạng mục) này vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ĐTM.
[Lộ diện kẽ hở "giúp" doanh nghiệp thủy điện nhỏ “trốn” ĐTM]
Nhìn nhận thực trạng nêu trên, ông Phạm Anh Dũng, Cục phó Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho biết: Sau khi nắm bắt được thông tin, ngay 23/6/2017, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường đã lập Hội đồng đi kiểm tra, thẩm định và đã yêu cầu Dự án thủy điện Sông Lô 2 tạm dừng triển khai thi công theo quy định.
“Lý do dừng là, dự án thủy điện Sông Lô 2 đã triển khai một số hạng mục như đê bao bờ trái và đê bao bờ phải, phần này chưa có trong ĐTM là sai, hay nói đúng hơn là dự án đã thi công 'vượt đèn đỏ,' vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường 2014. Trong việc này, có thể chủ đầu tư vô tình vi phạm, cũng có thể là cố tình vi phạm. Vì thế, chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay toàn bộ hoạt động thi công xây dựng dự án, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường,“ ông Dũng nói.
Về hướng xử phạt, ông Dũng cho biết: “Sau khi tiến hành kiểm tra vào cuối tháng Sáu vừa qua, chúng tôi đã trình lên Thứ trưởng xem xét. Hiện văn bản đang nằm trên bàn Thứ trưởng, không rút ra được. Trong việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ra văn bản, nhưng thẩm quyền xử lý là do Ủy ban Nhân dân tỉnh. ”
Tương tự, đối với dự án thủy điện Suối Mu do Công ty Văn Hồng làm chủ đầu tư trên địa bản huyện Lạc Sơn đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cho phép thi công từ đầu năm 2016, không cần lập ĐTM. Sau đó hơn nửa năm, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hòa Bình mới xác nhận “Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Nhà máy thủy điện Suối Mu.”
Theo lý giải của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, Sở này ký Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng là bởi thủy điện Suối Mu có công suất 9 MW, nên chỉ cần làm “đăng ký kế hoạch.” Vậy, việc dự án này triển khai thi công sau hơn nửa năm mới có Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, liệu có gì “bất thường”?.
Trao đổi với phóng viên về sự việc trên, tiến sỹ Hoàng Hải - Trưởng phòng ĐTM, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho hay: “Đúng ra, khi đi kiểm tra, nếu phát hiện dự án không thuộc đối tượng ĐTM nhưng không có Giấy đăng ký xác nhận thì phải yêu cầu dừng, khi nào bổ sung mới được phép xây dựng.”
Về thẩm quyền thẩm định phê duyệt ĐTM, theo ông Hải, có hai trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Một là phải là đối tượng ĐTM, hai là từ dự án có công suất 2MW trở lên (theo Nghị định 201/2013/NĐ-CP) và một số quy định nữa. “Trường hợp thủy điện Suối Mu, chúng tôi có nhận được văn bản mà Hòa Bình giải thích, nhưng không biết thực tế đúng không,” ông Hải nói.
“Quyết định thế nào là ở Thứ trưởng”
Vậy, việc thủy điện Suối Mu thi công “vượt đèn đỏ” cần phải xứ lý ra sao? Ông Hải cho hay: “Câu hỏi này với tôi thì khó, tất cả các thứ chỉ dám tư vấn, quyết định thế nào là ở Thứ trưởng (vì Văn bản tỉnh Hòa Bình gửi lên Bộ đã trình lên Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân xem xét), tôi đề xuất không phù hợp lắm. Tuy nhiên theo tôi, dù sự việc đã xảy ra rồi, nên địa phương cũng nên nhắc nhở doanh nghiệp, hoặc xử phạt theo quy định 155 về xử phạt hành chính.”
Về thông tin các địa phương phản ánh sự chồng chéo, chưa rõ ràng giữa các điều khoản hướng dẫn thủ tục lập ĐTM đối với các dự án thủy điện nhỏ, Trưởng phòng ĐTM - Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho rằng: Một số địa phương không để ý thì có nhầm lẫn, có rất nhiều quy định nếu để “lọt” một cái đã có chuyện để nói.
“Trong việc này, có thể địa phương họ nhầm lẫn. Sự chồng chéo tôi có biết, vì nhiều người đọc lướt qua nên không hiểu rõ được. Theo chỉ đạo, tới đây sẽ sửa Nghị định, thực ra bây giờ sắp lên xin ý kiến trên web. Chúng tôi cũng đã họp nhiều lần xin ý kiến, nhưng phải sửa cùng với nhiều Nghị định khác nữa,” ông Hải nói.
Ông Hải cũng lưu ý, việc sửa Nghị định là do Chính phủ quyết định. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề đạt và tham mưu sẽ sửa lại các Nghị định về luật bảo vệ môi trường, trong đó có Nghị định 18, do trong quá trình thực hiện phát hiện một số điểm không được rõ ràng.
“Hiện tại, Thứ trưởng (Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân) đang chỉ đạo, nhưng có được hoàn thiện hay không phải qua rất nhiều cấp,” ông Hải khẳng định Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cũng đã trình nhiều phương án, nhưng bản chất là giải thích cho rõ.
“Riêng với văn bản hướng dẫn số 5657/BTNMT-TCMT (do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ký) gửi chung cho các tỉnh, nêu rõ thẩm quyền thẩm định và phê duyệt ĐTM của các dự án thủy điện, Thứ trưởng cũng đã có yêu cầu giải thích cho rõ ràng hơn. Ai hỏi ai nói thì giải trình, còn Bộ có giải trình hay không tôi không rõ,” ông Hải nói thêm.
Trước đó, chia sẻ với phóng viên VietnamPlus vào ngày 10/7, nguồn tin từ Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường tiết lộ, sau khi tập hợp ý kiến của các địa phương, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo đính chính lại văn bản hướng dẫn số 5657/BTNMT-TCMT, căn nguyên là do nội dung văn bản chưa rõ ràng, dẫn đến sự hiểu lầm ở cấp địa phương.
Còn ở góc độ chuyên gia, tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định đánh giá tác động môi trường-Tổng Cục môi trường, hiện là Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho rằng: Để giúp công tác thẩm định xử lý môi trường thuận lợi, đảm bảo môi sinh phát triển bền vững, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần điều chỉnh các văn bản, thống nhất quy định giữa Nghị định và Thông tư hướng dẫn càng sớm càng tốt.
Đồng thời có bổ sung, hướng dẫn biện pháp xử lý với các dự án đang thi công dở dang hoặc bắt đầu thi công (khi chưa có thông tư). Không nên để “lỗ hổng” kéo dài, có thể dẫn tới hiệu ứng dây chuyền “xập xí xập ngầu” đối với các dự án tương tự, gây khó khăn cho công tác thẩm định, xử lý các dự án thủy điện “trốn” ĐTM./.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 6/2017, trên toàn quốc có 713 dự án thủy điện nhỏ với công suất hơn 7.217 MW. Trong đó có 264 dự án đã đưa vào vận hành khai thác; 146 dự án đang thi công xây dựng; 250 dự án đang nghiên cứu đầu tư; 53 dự án chưa nghiên cứu đầu tư.
Trong khi đó, theo báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện Bộ này mới tiếp nhận, phê duyệt ĐTM cho khoảng 20 dự án thủy điện nhỏ theo quy định tại Nghị định 18/2015 có hiệu lực từ 1/4/2015. Số thủy điện còn lại chủ yếu do Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt ĐTM./.
Theo VN+