Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 27/12/2015 20:37'(GMT+7)

Xuất khẩu nông sản cần "4 nhà" cùng tâm huyết

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Thông tin 100 tấn nhãn Đồng Tháp xuất khẩu sang Mỹ vừa qua khiến không chỉ người nông dân mà cả xã hội vui mừng. Xuất khẩu được hoa quả sang các thị trường “khó tính” là kết quả tích cực, cho thấy chất lượng hàng hóa nông sản của Việt Nam đã nâng nên, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới.

Thực ra việc xuất khẩu nông sản, Việt Nam đã tiến hành từ lâu, nhiều mặt hàng đứng trong top đầu thế giới. Tuy nhiên, đó là những mặt hàng truyền thống, thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, chè, cà phê. Và một điều chưa thật mừng là các mặt hàng này giá trị xuất khẩu đứng đầu thế giới nhưng giá bán lại rất khiêm tốn. Việt Nam xuất khẩu nông sản vẫn chủ yếu dựa trên cạnh tranh về giá. Một thực tế mà nhiều người cho rằng Việt Nam còn “mải miết” chạy theo số lượng chưa thực sự là tốt việc nâng cao chất lượng. Trong khi đó đất nước còn rất nhiều mặt hàng nông sản có tiềm lực, thế mạnh nhưng chưa đủ sức cạnh tranh để chiếm lĩnh những thị trường trên thế giới. Đặc biệt là các loại hoa quả đặc sản mà vùng miền nào Việt Nam cũng có.

Việc xuất khẩu được ít, chưa đủ sức cạnh tranh không phải do hoa quả của Việt Nam chất lượng không cao, không được thị trường thế giới chấp nhận. Tình trạng này là do xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn còn nhiều nút thắt. Một trong những nút thắt quan trọng được người dân cũng như chính thị trường thế giới chỉ ra đó là an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đạt.  Đây là một trong những nút thắt mà người nông dân Việt Nam chưa chú trọng đúng mức, thậm chí có người cho rằng là việc bình thường dẫn đến có tình trạng hoa quả còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chuẩn của thị trường thế giới. Cùng với đó, những người nông dân ý thức được vấn đề này thì lại do thiếu kiến thức khoa học, nên trồng, chăm sóc cây chủ yếu theo kinh nghiệm nên năng suất và chất lượng hàng hóa chưa cao. Hơn nữa việc áp dụng đúng quy trình với nhiều loại cây, quả là khá tốn kém nên người trồng chưa thực sự mặn mà. Một điểm nghẽn khá quan trọng nữa là do còn ít doanh nghiệp chịu đầu tư, dám mạnh dạn “cùng” nhà nông thu mua, chế biến và tìm thị trường xuất khẩu. Đây là những nguyên nhân chính khiến không ít hoa quả, nông sản trong nước mặc dù ngon, chất lượng nhưng lại chưa tìm được thị trường trên thế giới.

Thực tế là vậy, một thực tế dễ nhận ra, nhưng để thay đổi nó lại rất khó. Mô hình liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước) đã được đưa ra và được nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và trở ngại khiến việc liên kết chưa thực sự chặt chẽ, thiếu hiệu quả.  Vấn đề là điều kiện đã có, phương hướng, cách làm đã được công nhận là đúng nhưng còn thiếu tâm huyết của các bên. Việc thành công đưa nhãn vào thị trường Mỹ cũng cho thấy rõ điều này khi người dân HTX nhãn Châu Thành (Đồng Tháp) trồng thành công mô hình nhãn an toàn và được một công ty kiểm tra sản phẩm và hỗ trợ đưa hàng sang Mỹ. Đây chính là sự thành công từ sự đồng hành của nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Thành công của việc xuất khẩu điều trong năm nay cũng cho thấy điều đó khi hai năm gần đây, việc đầu tư công nghệ vào chế biến và máy móc thiết bị cũng như tăng năng suất lao động đã được đẩy mạnh giúp điều Việt Nam có được lợi thế cạnh tranh về giá.

Thời gian qua, ngoài nỗ lực của người dân, sự năng nổ của  các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương, các đại sứ quán Việt Nam tích cực tiếp thị sản phẩm nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới đã góp phần tích cực vào việc này.

Đây là những việc làm tích cực để đưa nông sản, hoa quả của Việt Nam vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, việc này còn chưa đủ để xuất khẩu nông sản có bước đột phá. Chúng ta vẫn còn thiếu tâm huyết thực sự của 4 nhà. Khi người dân sẵn sàng từ bỏ thói quen, không vì lợi ích trước mắt, nhà khoa học bám sát người dân để hướng dẫn, truyền tải kiến thức khoa học, nhà doanh nghiệp mạnh dạn hơn, tin tưởng người dân tích cực tìm kiếm thị trường, các cơ quan nhà nước có các hành động hỗ trợ sát thực hơn nữa thì khi đó, những loại hoa quả đặc sản của Việt Nam mới thực sự có năng lực tham gia vào thị trường thế giới./.

Xuân Dũng (QĐND) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất