Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong những tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn do tình trạng cung vượt cầu, giá xuất khẩu một số mặt hàng giảm.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực có dấu hiệu giảm tốc đã tác động đến xuất khẩu chung của quý 1 năm nay.
GIÁ NÔNG,LÂM, THỦY SẢN GIẢM MẠNH
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2019 ước đạt 22,4 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Tính chung quý 1, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng xuất khẩu năm nay thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 24,5% của của quý 1/2018. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 41,46 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2018.
Đi vào chi tiết, số liệu đưa ra cho thấy, nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản chỉ đạt khoảng 1,03 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Tiếp đến là sự sụt giảm của nhóm nông, lâm, thủy sản. Đây là nhóm chiếm 9,56% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, song cũng chỉ đem về khoảng 5,59 tỷ USD (tức là giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước).
Lý giải thêm, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong những tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn do tình trạng cung vượt cầu, giá xuất khẩu một số mặt hàng giảm.
Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 7/9 mặt hàng trong nhóm này có sự sụt giảm trong quý đầu năm. Đơn cử, giá nhân điều giảm 20,9%, càphê giảm 10%, hạt tiêu giảm 28%, gạo giảm 13,7%, cao su giảm 10,9%...
“Xuất khẩu quý 1 năm nay giảm, trong đó nông sản giảm rất mạnh cả về lượng và giá khiến mục tiêu cả năm nay gặp nhiều khó khăn,” ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho hay.
Cũng theo đánh giá, quý 1/2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam duy trì được đà tăng là nhờ vào nhóm hàng công nghiệp chế biến.
Cụ thể, nhóm hàng này chiếm tới 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 49 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, một số mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng này duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2018 như: Dệt may tăng 13,3%, ước đạt 7,3 tỷ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 9,3%, đạt 6,93 tỷ USD; Giày dép các loại tăng 15,3%, đạt 3,98 tỷ USD…
- Xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường trong quý 1:
Ghi nhận từ quý 1 cho thấy, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 13 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường EU đạt 10,2 tỷ USD, tăng 2,5%. Trung Quốc đạt 7,6 tỷ USD, giảm 7,4%.
Trong khi đó, thị trường ASEAN đạt 6,3 tỷ USD, tăng 6%. Nhật Bản đạt 4,7 tỷ USD, tăng 9,4%. Hàn Quốc đạt 4,7 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
TÁC ĐỘNG ĐẾN MỤC TIÊU CẢ NĂM
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm ước đạt 57,98 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng khu vực kinh tế trong nước nhập 24,09 tỷ USD, tăng 13,4% còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,89 tỷ USD, tăng 6%.
Bộ Công Thương cho biết, chiếm 87,1% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong quý 1/2019 là các mặt hàng nguyên vật liệu trung gian phục vụ sản xuất trong nước hoặc gia công hàng xuất khẩu (nhóm hàng cần nhập khẩu), đạt 50,51 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Một số mặt hàng nhập khẩu nhiều trong quý 1/2019 gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 15,1%, đạt 8,72 tỷ USD; Vải các loại tăng 6,4%, đạt 2,84 tỷ USD; Sắt thép các loại tăng 4,1%, đạt 2,83 tỷ USD…
Như vậy, trong tháng 3/2019, Việt Nam xuất siêu ước đạt 600 triệu USD. Còn tính chung cả quý 1 năm nay, Việt Nam xuất siêu 536 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với con số 2,7 tỷ USD của quý 1 năm trước.
Cũng theo thống kê thì khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,04 tỷ USD, ngược lại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,57 tỷ USD.
Nhiều dự báo đưa ra cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu quý 2 có khả năng sẽ chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 do sự suy giảm của thương mại toàn cầu, đặc biệt là những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc là hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, suy giảm thương mại toàn cầu sau quý 1 đã ở mức sâu nhất trong 10 năm gần đây.
Dù vậy, trong bối cảnh các nước xung quanh tăng trưởng xuất khẩu âm, con số tăng trưởng của Việt Nam dù không cao như kỳ vọng đặt ra từ đầu năm nhưng cũng là kết quả khả quan.
"Trong thời gian tới, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh quá trình đàm phán mở cửa các mặt hàng hoa quả sang Trung Quốc vì trong bối cảnh phía bạn siết chặt nhập khẩu, nếu không được mở cửa chính thức, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn," ông Khánh nói.
Nhằm kịp thời có những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, vừa qua Bộ Công Thương đã có công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương để phối hợp đánh giá nguyên nhân suy giảm tăng trưởng xuất khẩu đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, ngành qua đó dự báo xu hướng tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu trong cả năm 2019…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tổ chức các đoàn đi làm việc trực tiếp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu./.
Theo Bộ Công Thương, để đạt con số 263 tỷ USD theo mục tiêu đưa ra từ đầu năm, thì xuất khẩu 9 tháng tiếp theo phải đạt khoảng 205 tỷ USD, tức là bình quân một tháng phải đạt khoảng 22,7 tỷ USD.
Theo Vietnam+