Đây là ý kiến của ông Phạm Văn Cường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C tại "Diễn đàn Thương mại Việt Nam-EU: Thương mại nông sản-Đối tác phát triển bền vững", do Bộ Công Thương tổ chức sáng 6/12, tại Hà Nội.
LÀM TỐT ĐỂ CÓ KINH NGHIỆM QUẢN LÝ
Với 3 nhà máy chuyên sản xuất và cung cấp về nông sản xuất khẩu các mặt hàng như: rứa, dưa chuột bao tử, măng..., ông Phan Văn Cường cho rằng, với thị trường này cần đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao đối với nông sản khi xuất khẩu, trong đó cần lưu ý các chính sách liên quan đến Bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và tiêu chuẩn về lao động.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông cho rằng, bản thân G.O.C không đặt mục tiêu cao nhất là lợi nhuận khi xuất khẩu vào EU mà quan trọng hơn khi đã đáp ứng được tiêu chuẩn của EU, doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội nhân rộng về thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác.
Trong khi đó, chuyên gia Hadyn Craig (Trung tâm sáng tạo kỹ thuật nông nghiệp Anh) cũng lưu ý, sức khỏe của người tiêu dùng trong EU được xem là một nhân tố quan trọng của sự phát triển, chính vì vậy việc kiểm soát chất lượng tại thị trường này luôn là vấn đề được đặt ra đối với các sản phẩm, nhất là nông sản nhập khẩu.
Chia sẻ thêm, ông cho rằng, các nhà lãnh đạo Anh trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp cũng khẳng định với cam kết từ doanh nghiệp, viện nghiên cứu và Chính phủ, cụ thể hơn là sử dụng công nghệ để tăng hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.
Các diễn giả đối thoại tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam-EU do Bộ Công Thương tổ chức sáng 6/12, tại Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)
KIỂM SOÁT AN TOÀN THỰC PHẨM THEO CHUỖI
Đưa ra ý kiến tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam cho rằng, xu hướng của thị trường EU là sử dụng các sản phẩm tự nhiên do vậy, với doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ kiểm soát nghiêm ngặt An toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm mà cần hướng tới các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm sạch.
"Doanh nghiệp luôn chú trọng việc đào tạo kỹ thuật canh tác của nông dân, từ không sử dụng phân bón, hóa chất... để có được các sản phẩm với chất lượng cao nhất nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường này", bà Nguyễn Thị Huyền nói.
Thống kê cho thấy, năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 768.200 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2016.
Đáng chú ý, xuất khẩu nhiều mặt hàng đang giữ vị trí top đầu thế giới: Đơn cử, mặt hàng Điều và tiêu giữ vị trí số 1 thế giới, càphê thứ 2 thế giới, thủy sản, gạo đứng thứ 3 thế giới...
Trong các thị trường chủ lực thì EU hiện giữ vị trí thứ 2 của ngành nông sản, theo đó 18% lượng hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này.
Về các chính sách thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông sản) cho biết, ngoài các ưu đãi về đất đai, lãi suất, Chính phủ cũng khuyến khích doanh nghiệp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch.
Đại diện Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh, việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giúp cho sản phẩm nổi trội về phẩm chất thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn An toàn thực phẩm mà quan trọng hơn là giúp đưa sản phẩm vào chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu và tăng giá trị gia tăng cũng như tính cạnh tranh cho sản phẩm.
"Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng áp dụng các cơ chế ưu đãi đầu tư, khuyến khích đầu tư đối với các doanh nghiệp EU sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ chế biếm, nông nghiệp", ông Trần Văn Công nói.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng khẳng định, quan hệ thương mại Việt Nam - EU sẽ được nâng tầm hơn nữa nhất là khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được thực thi.
Tuy nhiên, theo ông Hưng việc tận dụng được các ưu đãi này đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác nhiều bên, như Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và các tư vấn của giới học giả, khoa học./.
Theo Bộ Công Thương, quan hệ thương mại song phương Việt Nam - EU đã đạt trên 50 tỷ USD năm 2017 và đã duy trì mức tăng trưởng hàng năm trên 12%, trong đó, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU đã đạt trên 5 tỷ USD với mức tăng trưởng tương ứng gần 12%.
Trong 10 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã đạt trên 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017, cho thấy khả năng đạt và vượt kế hoạch của năm 2018. |
Đức Duy (Vietnam+)