Thứ Hai, 25/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 20/5/2020 10:1'(GMT+7)

Xung quanh việc chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng tại Thanh Hóa

Việc các hộ nghèo, cận nghèo tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ là hành động đẹp, ý nghĩa, nhân văn. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Việc các hộ nghèo, cận nghèo tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ là hành động đẹp, ý nghĩa, nhân văn. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Trong quá trình cấp tiền hỗ trợ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp của người dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ, dành số tiền này trả lại ngân sách Nhà nước để giúp đỡ những người khó khăn hơn.

Tuy nhiên, trong qua trình thực hiện, tại một số huyện như Thọ Xuân, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Thiệu Hóa đã có tình trạng cán bộ xã in sẵn mẫu đơn tự nguyện không nhận tiền; có nơi cán bộ thôn đến vận động người dân không nhận hỗ trợ; nhiều hộ cận nghèo nhưng có điều kiện kinh tế khá giả, nhà cửa khang trang vẫn nằm trong danh sách được nhận tiền của Chính phủ…

Điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội tại địa phương, tạo dư luận không tốt trong nhân dân.

Nhiều địa phương chi trả tiền hỗ trợ hộ cận nghèo chưa đúng quy định

Tại xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, quá trình chi trả gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ đã không nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

Theo phản ánh của người dân, gia đình bà Lê Thị Thọ và gia đình ông Lê Ngọc Lâm, thôn Tu Mục 1, xã Yên Thọ được bình xét hộ cận nghèo và nằm trong diện được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ. Trong khi đó, gia đình bà Thọ hiện đang sống tại ngôi nhà khang trang, kiên cố.

Còn gia đình ông Lâm làm nghề kinh doanh rau quả, hải sản có thu nhập ổn định, có xe ôtô tải để vận chuyển hàng hóa. Ngôi nhà của gia đình ông Lâm cũng thuộc diện tiền tỷ, to đẹp so với nhiều nhà dân ở vùng quê này.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Xuân Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Yên Thọ cho biết: tháng 8/2019,  xét thấy gia đình bà Thọ có con còn đi học, bà Thọ hay ốm đau, nên người dân trong thôn khi họp rà soát hộ cận nghèo cùng chấm điểm, đề nghị đưa gia đình bà Thọ vào diện hộ cận nghèo. Còn gia đình ông Lâm cũng có người bị tai nạn, nên thôn đề xuất đưa vào hộ cận nghèo.

Sau khi có phản ánh của người dân, ngày 16/5, hai hộ bà Thọ và ông Lâm đã có đơn gửi Ủy ban Nhân dân xã xin rút khỏi danh sách hộ cận nghèo.

Tại thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh (Tĩnh Gia) có 76 hộ cận nghèo được lập danh sách để nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ; trong đó, có nhiều gia đình được bình xét hộ cận nghèo nhưng có điều kiện kinh tế khá giả.

Ông Lê Đình Phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Ninh cho biết xã hiện có 1.283 hộ cận nghèo. Bình xét hộ nghèo, cận nghèo là việc của thôn. Các hộ cận nghèo thường là gia đình có người già, hoặc có con đang ở tuổi đến trường. Khi họp thôn, người dân tự thống nhất với nhau, nhường suất “hộ cận nghèo” cho các hộ gia đình có con đi học để được miễn giảm học phí, vay vốn ngân hàng chính sách-xã hội.

Phần lớn số hộ nghèo của xã là đúng đối tượng. Nhưng cũng có gia đình khá giả vẫn thuộc hộ cận nghèo là không đúng đối tượng. Ủy ban Nhân dân xã đang rà soát lại hộ cận nghèo, nếu hộ nào không đúng đối tượng, xã sẽ rút khỏi danh sách.

Cũng theo phản ánh của người dân, tại xã Thiệu Thành và Thiệu Công (huyện Thiệu Hóa) nhiều hộ dân có nhà tiền tỷ, nhưng vẫn lọt vào danh dách hộ cận nghèo để nhận tiền hỗ trợ của nhà nước.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Xuân Đào, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thiệu Hóa thừa nhận, đây là việc làm sai từ cấp thôn qua việc bình xét, rà soát hộ cận nghèo năm 2019. Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo 2 xã này rà soát lại các hộ cận nghèo có dấu hiệu không đúng đối tượng, căn cứ trên bộ tiêu chí của Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội.

Sau khi rà soát chặt chẽ theo đúng hướng dẫn của Bộ, nếu hộ cận nghèo nào không đúng đối tượng Ủy ban Nhân dân xã sẽ đưa ra khỏi danh sách hộ cận nghèo. Ủy ban Nhân dân xã tạm thời chưa cấp số tiền hỗ trợ của Chính phủ cho số hộ này.

Sau khi tổ chức chi trả tiền hỗ trợ gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ của Chính phủ, tại thôn Thành Thường, xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa còn phát hiện 18 hộ nghèo ở xã Thiệu Thành bị sáp nhập vào các hộ nghèo khác để đủ điều kiện công nhận “nông thôn mới.”

Hiện Ủy ban Nhân dân huyện Thiệu Hóa đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân xã Thiệu Thành rà soát, thực hiện bình xét, lập danh sách và cấp sổ hộ nghèo theo đúng quy định của nhà nước.

Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn chính quyền địa phương tách, đưa hộ nghèo nào về hộ nghèo đó. Sau khi tách sổ hộ nghèo đúng chủ hộ xong, phòng sẽ chi trả đầy đủ tiền hỗ trợ của Chính phủ cho người dân theo đúng quy định….

Kiên quyết đưa ra khỏi danh sách những trường hợp không đúng đối tượng

Để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện rà soát lại toàn bộ số hộ cận nghèo trên địa bàn, nếu phát hiện hộ nào không đúng đối tượng sẽ đưa ra khỏi danh sách.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, Thanh Hóa có khoảng 707.300 đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội đã được phê duyệt hỗ trợ, tổng kinh phí thực hiện dự kiến là khoảng gần 711,3 tỷ đồng.

Xung quanh viec chi tra goi ho tro 62.000 ty dong tai Thanh Hoa hinh anh 1
Theo thống kê trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa đã có hơn 2.000 trường hợp tự nguyện không nhận gói hỗ trợ của Chính phủ để nhường cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)
Đến ngày 19/5/2020, các huyện, thị xã, thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng (người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo).

Tổng số đối tượng đã được nhận kinh phí hỗ trợ của Nhà nước là 659 nghìn người, tổng kinh phí đã chi trả là khoảng 660 tỷ dồng, đạt 93,2% kế hoạch. Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục rà soát để chi trả cho số đối tượng chưa đến nhận kinh phí hỗ trợ theo thông báo của chính quyền địa phương.

Ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Theo số liệu thống kê, tổng hợp nhanh của các huyện, thị xã, thành phố trong đợt chi trả hỗ trợ này, toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 4.000 đối tượng không nhận kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.

Đây là một hành động đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam.

Số tiền người dân tự nguyện không nhận, sau khi kết thúc đợt chi trả này, các địa phương sẽ tổng hợp, báo cáo chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh để hoàn trả lại ngân sách nhà nước.

Sở đã tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành công điện, chỉ đạo cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận kinh phí hỗ trợ, nhưng đồng thời cũng phải hướng dẫn cụ thể và giúp đỡ người dân trong trường hợp họ tự nguyện không nhận khoản hỗ trợ này, khi mong muốn được đóng góp công sức vào công cuộc khắc phục hậu quả của dịch COVD-19.

Sở cũng đã cử 3 đoàn công tác phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xuống 3 huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn và Quảng Xương để kiểm tra, giám sát trực tiếp tại một số xã và đối thoại trực tiếp với một số người dân thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách nhưng đã tự nguyện không nhận kinh phí hỗ trợ.

Theo báo cáo của các đoàn công tác và thông tin xác minh tại các xã và người dân (viết đơn tự nguyện không nhận kinh phí hỗ trợ), cho thấy, người dân hoàn toàn tự nguyện không nhận khoản kinh phí hỗ trợ này với mong muốn được nhường lại cho những người có hoàn cảnh còn khó khăn hơn, chung tay cùng nhà nước đẩy lùi dịch COVID-19.

Sau khi có phản ánh về việc có nhiều hộ có điều kiện kinh tế khá giả nhưng vẫn lọt vào danh sách hộ cận nghèo để hưởng chính sách của Nhà nước, Sở trực tiếp xuống cơ sở và có văn bản yêu cầu các huyện kiểm tra lại việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã, thôn để làm rõ. Qua đó, kiên quyết đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo những trường hợp không đúng quy định; kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm..

''Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa vừa chỉ đạo, yêu cầu các địa phương phải bỏ, không dùng mẫu đơn in sẵn 'tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.' Dù mẫu đơn này có tiện lợi nhưng cách thức chưa phù hợp với tinh thần tự nguyện của người dân. Nếu ai có ý định tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ, thì người dân phải tự tay viết đơn mang đến Ủy ban Nhân dân xã nộp. Còn nếu ai không biết chữ thì có thể nhờ cán bộ xã viết thay, sau đó điểm chỉ vào tờ đơn tự nguyện," ông Dũng cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết sau khi nhận được phản ánh của người dân về các vấn đề liên quan đến việc chi trả gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ của Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có công văn hỏa tốc gửi đến các địa phương để chỉ đạo, chấn chỉnh việc cấp tiền hỗ trợ.

Theo đó,  Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh; các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng bỏ sót, không để xảy ra việc chi sai đối tượng và sử dụng ngân sách trái quy định của pháp luật hiện hành.

Tỉnh chỉ đạo cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ và có hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp người dân tự nguyện không nhận hỗ trợ. Kiên quyết xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.”

Bên cạnh đó, về việc trong khi chi trả tiền hỗ trợ của Chính phủ đợt này, cán bộ và người dân địa phương phát hiện có hộ dân thuộc diện khá giả nhưng vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo, ông Xứng khẳng định việc rà soát, bình xét, chấm điểm theo tiêu chí, quyết định đưa vào danh hộ nghèo ở các địa phương trong tỉnh cơ bản đã thực hiện đúng quy định của Nhà nước.

Còn đối với hộ cận nghèo cũng có nơi du di, hoặc bình xét, chấm điểm, đưa vào danh sách chưa đúng. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương phải tiến hành rà soát ngay danh sách hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.

Quan điểm của tỉnh là thực hiện việc rà soát, chấm điểm từ thôn, đưa vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo từ xã phải căn cứ theo đúng các tiêu chí mà Nhà nước quy định. Trong quá trình rà soát sắp tới của ngành chức năng, nếu phát hiện hộ cận nghèo nào không đúng đối tượng sẽ đưa ra khỏi danh sách…/.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất