Đất nước thống nhất, hòa bình; người dân được hưởng ấm no, hạnh phúc. Sự nghiệp vĩ đại ấy cả dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi bằng biết bao xương máu. Bởi thế, thực hiện tốt nhất chính sách đối với người có công với cách mạng là đạo lý của dân tộc. Những lời lẽ xét lại, xuyên tạc, bịa đặt về chính sách ấy luôn lạc lõng và sẽ tự tiêu vong.
KHÔNG THỂ "VỪA ĂN CẮP VỪA LA LÀNG"
Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7), tôi thường đến thăm ông nhân tiện hỏi
thêm về nghiệp vụ. Nhưng năm nay, những ngày này, dịch COVID-19 diễn
biến phức tạp nên ý định chuyến đi không thành. Hôm vừa rồi, điện thoại
cho ông - luật gia Nguyễn Thành Minh, tôi hỏi: “Có ý kiến cho rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam chưa quan tâm đến đối
tượng chính sách, người có công. Bác thấy điều đó thế nào?”.
“Bậy! Đó là ý kiến rất phiến diện, thiếu cơ sở”, luật gia Nguyễn Thành
Minh thẳng thừng bác bỏ. “Tôi là một thương binh, sắp tròn 70 tuổi. Tôi
phải nói rằng, chính sách của Đảng, Nhà nước ta với người có công là tốt và cố
gắng rồi” - ông tiếp tục dẫn chứng: “Tôi bị thương rồi xuất ngũ, chuyển
ngành. Hiện nay, ngoài được hưởng trợ cấp thương binh hằng tháng, tiền
lễ, Tết, tôi còn được Đảng, Nhà nước ưu đãi nhiều thứ. Hai đứa con đi
học được miễn học phí, đặc biệt, chính quyền địa phương còn ưu ái cấp
đất cho tôi”.
Luật gia Nguyễn Thành Minh cũng như hàng
triệu người có công đã và đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà
nước.
Vậy nhưng, đã thành lệ, cứ đề cập đến chính sách đối với người có công, hay
những ngày lễ, Tết như 30/4, 2/9, thì những luận điệu xuyên tạc, kích
động lại rộ lên. Họ là ai? Đó là một số đài, báo nước ngoài thiếu thiện
chí với Việt Nam; là những kẻ cơ hội, bất mãn, biến chất; là các thế lực
thù địch đội lốt "những nhà dân chủ" luôn tìm cách phá hoại sự ổn định,
độc lập, hòa bình của Việt Nam. Họ xuyên tạc rằng: Đảng, Nhà nước Việt
Nam đã lãng quên, không quan tâm đến thương binh, bệnh binh, người có công với
cách mạng. Vẫn chiêu bài “chỉ thấy cây mà không chịu thấy rừng”, họ tìm
kiếm một vài trường hợp, cá nhân cụ thể mà vì lý do nào đó, địa phương
thực hiện chưa tốt chính sách là lập tức tạo dư luận, đẩy sự việc lên
như đó là một chủ trương thiếu quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Không ít trường hợp các đối tượng cố tình dựng lên bằng những địa chỉ
mập mờ, hoặc các cơ quan chức năng còn đang trong quá trình xác minh,
thẩm định. Rất rõ, mục đích của những người cố tình xuyên tạc không gì
khác là chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ mà nhân dân Việt Nam
đang xây dựng.
Không xa lạ gì thủ đoạn của những kẻ
“vừa ăn cắp vừa la làng” ấy. Một mặt họ cho rằng, Đảng, Nhà nước Việt
Nam không quan tâm đến người có công, mặt khác họ lại tìm mọi cách phủ nhận sự hy
sinh to lớn của dân tộc ta, phủ nhận xương máu của những người đã ngã
xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Cứ đến ngày 30/4, họ lại rêu
rao rằng: “Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là không cần thiết, vô
nghĩa". "Chính Đảng Cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho sự hy
sinh đó, vì đã gây ra cảnh “nồi da xáo thịt”... Ngay như dịp 30/4 năm
nay, đài BBC đưa ra một xê-ri bài nói về ngày đó. Nhà đài này chủ ý dùng
thuật ngữ “biến cố” 30/4 mà không chịu thừa nhận một sự thật hiển nhiên
rằng đó là ngày đất nước Việt Nam được thống nhất. Họ hoàn toàn không
khách quan khi phỏng vấn hàng loạt cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam,
những người phía bên kia để kết luận rằng: “Sự phân cực giữa những
người Việt Nam lại trỗi dậy minh họa sống động cho cuộc thống nhất còn
ngổn ngang sau gần nửa thế kỷ sau biến cố ngày 30/4/1975”...
Vẫn là chiêu bài hai mặt, khi chúng ta thực hiện tốt chính sách đối với
người có công thì nhiều đối tượng bất mãn lại quay sang công kích chính sách đó.
Sự kiện năm 2020 vừa qua, khi 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong quá
trình đi cứu dân do mưa, lũ ở miền Trung, Đảng, Nhà nước ghi nhận công
lao, sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ thì lại xuất hiện các giọng
điệu xuyên tạc, phản động. Táng tận nhất là những kẻ trong liên minh
“nhà dân chủ”, KOLS, “nhà báo công dân” thường xuyên xuyên tạc tình hình
đất nước. Một thành viên của nhóm "Báo sạch" có nhiều bình luận xuyên
tạc trên Facebook. Họ đã đổi trắng thay đen, bịa đặt rằng đoàn cán bộ đi
công tác vào thủy điện Rào Trăng không phải vì cứu dân mà vì “có cổ
phần trong nhà máy thủy điện”. Trên Facebook của một người tên là “Thinh
Nguyen” đã rất xấc xược, vô cảm khi nói về sự hy sinh của các cán bộ,
chiến sĩ. “Việc các thiếu tướng, đại tá đi cứu hộ, cứu nạn là không cần
thiết, nên để cho chiến sĩ”; “cứ mặc định người của quân đội, công an
chết thì thành liệt sĩ còn người dân chết khi lũ lụt, hạn hán thì không
ai thương”... Tiền hô hậu ủng, Facebook của các đối tượng thường xuyên
chống Đảng, Nhà nước đang cao chạy xa bay liên tục hùa theo, nổi bật là
cái tên “Người buôn gió". Nhưng nếu chúng ta chỉ một chút chậm chạp,
thiếu sót, chưa kịp làm chế độ, chính sách đối với các cán bộ, chiến sĩ
hy sinh thì chắc chắn những luận điệu kia lại quay ngoắt 180 độ để công
kích rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam không quan tâm đến các cán bộ, chiến
sĩ. Đó là sự tráo trở của những kẻ hai mặt.
NHỮNG CHÍNH SÁCH TRI ÂN VÀ HÀNH ĐỘNG HIẾU NGHĨA
Phải rất thấu hiểu và chia sẻ với đất nước bởi trải qua các cuộc chiến
tranh bảo vệ Tổ quốc, số đối tượng người có công là rất lớn, đất nước còn những
khó khăn nhất định. Bởi thế, ở đâu đó, còn trường hợp nào đó chưa được
quan tâm, chăm sóc chu đáo cũng rất cần sự cảm thông. Nhưng đó không đại
diện cho đa số, không thể hiện bản chất chế độ. Những kẻ xuyên tạc, bịa
đặt chính sách lại cố tình lờ đi rằng, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta
đã rất cố gắng chăm lo đối với người có công.
Những ngày này, dù dịch COVID-19 tác động lớn đến đời sống xã hội, nhưng
tất cả các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đều đẩy mạnh
hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng
là một chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tôn vinh, biết ơn,
thể hiện đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Ngày 19/7/2017, Ban
Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về "Tiếp tục tăng cường sự lãnh
đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”. Mục tiêu từ thời điểm
đó đã đặt ra là phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng
có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư
trú. Cả hệ thống chính trị đã nỗ lực để đạt được mục tiêu ấy. Pháp lệnh
Ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 thay thế cho pháp
lệnh cũ đã bao quát tất cả các nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi. Pháp
lệnh cũng quy định trách nhiệm thực hiện từ Trung ương đến địa phương,
sử dụng cả nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nhiều nguồn lực khác trong
xã hội để thực hiện chính sách đối với người có công tốt nhất. Mới đây nhất, ngày
24/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định
mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, theo
đó nhiều quy định về chế độ ưu đãi và trợ cấp đã được sửa đổi, bổ sung,
điều chỉnh tăng theo hướng có lợi hơn đối với người có công.
Đến nay, cả nước có khoảng 9,2 triệu người có công được hưởng các chế độ, chính
sách ưu đãi, trong đó gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng
tháng. Nhiều chính sách ưu đãi dành cho người có công đang được thực hiện, như:
Chăm sóc sức khỏe, phụng dưỡng, tặng sổ tiết kiệm, ưu tiên giao đất sản
xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, dạy nghề, tạo việc làm. Đặc biệt, Phong
trào “Đền ơn đáp nghĩa” được lan tỏa rộng rãi, huy động được nhiều
nguồn lực xã hội tham gia. Từ phong trào này, hàng vạn ngôi nhà tình
nghĩa được xây mới tặng người có công. Riêng trong lực lượng vũ trang, những năm
qua, toàn quân đã và đang triển khai rất nhiều hoạt động đền ơn đáp
nghĩa, như: Hỗ trợ thân nhân liệt sĩ đang công tác trong quân đội; phụng
dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây
tặng hơn 4.300 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; giải quyết việc làm cho con
liệt sĩ, thương binh, bệnh binh nặng; thăm hỏi, tặng quà đối tượng
chính sách và người có công với cách mạng... Đó là những minh chứng rõ ràng nhất
về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với người có công trong
thực tế cuộc sống.
KHÔNG THỂ ĐÁNH TRÁO GIÁ TRỊ
Bằng rất nhiều thủ đoạn nhằm xóa nhòa ranh giới cuộc đấu tranh chính
nghĩa của nhân dân Việt Nam, các thế lực thù địch, những kẻ phản động
luôn tìm cách đánh tráo giá trị, làm cho thật-giả, trắng-đen lẫn lộn.
Thực hiện điều đó cũng chính là họ muốn phủ nhận sự hy sinh của hàng
chục vạn anh hùng liệt sĩ, hàng triệu con người đã để lại một phần thân
thể, sức lực, tuổi thanh xuân nơi chiến trường khốc liệt. Hãy nhớ rằng,
để có được đất nước hòa bình, thống nhất như ngày hôm nay, dân tộc Việt
Nam đã phải đánh đổi bằng biết bao xương máu. Từ mũi Cà Mau đến địa đầu
Lũng Cú, những nghĩa trang liệt sĩ với hàng vạn ngôi mộ trải dài cùng
dáng hình đất nước, đã đủ để tất cả những ai hôm nay thấy được tận cùng
sự mất mát, hy sinh to lớn của dân tộc. Đất nước thống nhất, hòa bình
nhưng vẫn còn đó, hàng triệu thương binh, bệnh binh ngày ngày chịu đựng
những đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Vẫn còn đó những người mẹ,
người vợ mãi mãi mất con, mất chồng, nỗi đau không gì bù đắp. Vẫn còn
đó, hàng vạn cựu thanh niên xung phong, đã để lại cả tuổi xuân mười tám,
đôi mươi nơi chiến trường khốc liệt...
Với lẽ sống của con người Việt Nam, sự cố tình xuyên tạc lịch sử chính
nghĩa của dân tộc, phủ nhận công lao, xương máu của cha ông là sự phản
bội, vô ơn, tráo trở. Trân trọng quá khứ, tri ân và hành động hiếu nghĩa
với các thế hệ đi trước là đạo lý, là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của
dân tộc. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Thương binh, bệnh
binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc,
với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương
và giúp đỡ họ”./.
Nguyễn Anh Tuấn (qdnd.vn)