Theo Bộ Giao thông Vận tải, tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng trong những năm gần đây diễn biến phức tạp,
gây hậu quả thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân chủ yếu và
trực tiếp là do ý thức của người tham gia giao thông...
Ngày 6/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ
chức phiên giải trình với các cơ quan về tình hình vi phạm pháp luật và
tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm
2017, 2018, những tháng đầu năm 2019 và các giải pháp đề ra trong thời
gian tới.
XỬ PHẠT TRÊN 10 NGHÌN VỤ VI PHẠM
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về công tác thanh kiểm tra, trong năm 2018, Bộ GTVT đã thành lập các đoàn thanh tra việc chấp hành quy định về kinh doanh vận tải, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe… Sau thanh tra đã kiến nghị xử lý 21 đơn vị kinh doanh vận tải; xử phạt vi phạm hành chính đối với 33/45 đơn vị vi phạm về xếp hàng vượt quá tải trọng; kiến nghị xử lý 11 đơn vị và 1 cá nhân, điều chỉnh giảm lưu lượng đào tạo lái xe ô tô 5 đơn vị; đình chỉ 7 đăng kiểm viên, cảnh cáo 2 trung tâm đăng kiểm…
Trong 2 tháng đầu năm 2019, Bộ GTVT đang chỉ đạo triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Trong đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục chuyên ngành và thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện tổng số hơn 14 nghìn cuộc thanh, kiểm tra; quyết định xử phạt trên 10 nghìn vụ vi phạm, với số tiền hơn 39 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 68 bến và 50 phương tiện thủy nội địa…
Bộ GTVT đánh giá, một số địa phương công tác thanh tra, kiểm tra chưa được triển khai thường xuyên, liên tục, dẫn đến xuất hiện dấu hiệu vi phạm quy định về bảo đảm TTATGT ở một số lĩnh vực kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải; đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe… Cùng với đó, công tác phối hợp liên ngành ở một số nơi chưa chặt chẽ, dẫn đến công tác xử lý các hành vi vi phạm chưa hiệu quả cao, như trong hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý xe hết niên hạn xử dụng.
MỤC TIÊU GIẢM HÀNG NĂM TỪ 5 - 10% TNGT
Theo Bộ GTVT, trong 2 tháng đầu năm 2019, trên toàn quốc xảy ra 2.822 vụ TNGT, làm chết 1.356 người, bị thương 2.169 người.
Về nguyên nhân xảy ra TNGT năm 2018, Bộ GTVT cho biết, có 25,42% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 7,73% do vi phạm tốc độ xe chạy; 10,37% do chuyển hướng không chú ý; nguyên nhân do sử dụng rượu bia chỉ 3,36%, riêng đối với chất ma túy, không được Bộ GTVT đề cập cụ thể.
Riêng đối với các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, theo Bộ GTVT, trong năm 2018, trên toàn quốc xảy ra 54 vụ, làm chết 181 người, bị thương 111 người.
Theo kết quả phân tích của Văn phòng Bộ Công an đối với 172 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng cho thấy, nguyên nhân nhiều nhất là đi không đúng phần đường, làn đường với 56 vụ (32,55%); không chấp hành quy định tốc độ 29 vụ; không bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện 8 vụ; sử dụng rượu bia quá quy định 8 vụ...
“TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong những năm gần đây diễn biến phức tạp, gây hậu quả thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp là do ý thức của người tham gia giao thông. Về đường bộ, nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường quy định chiếm 32,55%, vi phạm tốc độ chiếm 16,86%. Về đường sắt, nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát khi qua đường ngang”, Bộ GTVT đánh giá.
Để đạt mục tiêu hàng năm giảm từ 5 - 10% TNGT ở cả 3 tiêu chí, một trong những giải pháp cấp bách được Bộ GTVT đề ra là tập chung hoàn thành theo tiến độ, bảo đảm chất lượng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt; đồng thời hoàn thiện đề án “xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trên tuyến đường sắt quốc gia”.../.
Theo Báo cáo của Ban ATGT các địa phương, tình hình TNGT trong năm 2018
có 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT
giảm so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, vẫn còn 18 địa phương có số
người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó 6 tỉnh tăng trên 10% là:
Thừa Thiên - Huế, Hải Dương, Cao Bằng, Kiên Giang, Hậu Giang, Bắc
Giang. Trong đó, có 3 tỉnh có số người chết tăng trên 20% là: Kiên
Giang, Hậu Giang và Bắc Giang |
Luân Dũng (tienphong.vn)