Chủ Nhật, 19/5/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Bảy, 24/9/2016 8:13'(GMT+7)

Cụ Huỳnh Thúc Kháng- Tấm gương cao cả một chí sĩ yêu nước

1. Người con của xứ Quảng

Cụ Huỳnh Thúc Kháng xuất thân trong một gia đình nho học nghèo gốc nông dân, quê ở Thạnh Bình, Tiên Cảnh, Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam - một mảnh đất có truyền thống yêu n­ước và hiếu học. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của vùng đất và tính cách con người xứ Quảng, đó là “sự vươn lên của tâm hồn, tinh thần bất khuất, đức tính chịu khó, hăng hái làm việc nghĩa, rất can đảm, sẵn sàng hy sinh đấu tranh chống những thế lực đàn áp...”[1],cụ Huỳnh Thúc Kháng là người sống giản dị, kiệm lời, thận trọng, kiên quyết nhưng có con tim hào hùng, “nghiêm trang với người cũng như đối với chính mình.

Từ nhỏ, cụ Huỳnh đã nổi tiếng thông minh, văn hay chữ tốt; sớm đọc nhiều tân thư, chịu ảnh hưởng của tư tưởng trong tân thư nên với kiểu kén chọn người tài “hủ lậu” thời phong kiến, cụ “đã phải nhiều phen lạc đệ, mãi đến năm 29 tuổi (1904) mới đỗ tiến sĩ, nhưng không ra làm quan. Và cũng từ đó, ông bắt đầu học chữ Quốc ngữ, phát động phong trào Duy Tân mà ông là một trong ba kiện tướng dẫn đạo”[2]. Khác với Phan Bội Châu chủ trương bạo động xuất dương cầu ngoại viện, Huỳnh Thúc Kháng khởi phát phong trào Duy Tân với chủ trương khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Năm Mậu Thân 1908, sau vụ chống thuế của nhân dân Trung Kỳ mà Quảng Nam là điểm khởi phát, cụ Huỳnh bị bắt rồi bị đày ở Côn Đảo – như lời cụ nói “là trường học thiên nhiên” mà “mùi cay đắng trong ấy, làm trai giữa thế kỷ XX này không thể không nếm cho biết”[3] suốt 13 năm (1908-1921) mới được trả tự do.

Ra tù, cụ Huỳnh tiếp tục các hoạt động yêu nước theo cách của mình và vẫn từ chối chính quyền thực dân, không ra làm quan. Năm 1925, lịch sử đất nước chứng kiến những biến động quan trọng mà một trong những biến động đó là Nguyễn Ái Quốc đã về Quảng Châu, thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên- tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vào thời điểm đầy thử thách đó, cuối năm 1925, Huỳnh Thúc Kháng và một số người bạn ứng cử Viện Nhân dân đại biểu và trúng cử rồi được bầu làm Viện trưởng. Trong 3 năm hoạt động với vai trò Viện trưởng, cụ Huỳnh đã cùng nhóm dân biểu tiến bộ ra sức đấu tranh đòi ban bố Hiến pháp và những quyền tự do, dân chủ, mở trường dạy học, bỏ độc quyền rượu, muối... Dù những yêu cầu cải cách này nằm trong khuôn khổ của yêu sách cải lương, nhưng đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của Nam triều và chính quyền thực dân. Như người “bừng tỉnh giấc mơ”, cụ Huỳnh đã xin từ chức cuối năm 1928.

Là người sáng lập kiêm chủ nhiệm và chủ bút báo Tiếng Dân - là “chén thuốc đắng” và “người bạn ngay” với mong muốn “trở thành một cơ quan giáo dục nhằm đào tạo một con người biết thương nước yêu nòi, biết căm thù cướp nước và bán nước, biết thương yêu đùm bọc nhau trong lúc hoạn nạn” cũng đã “gây sóng gió cho chính quyền thực dân, phong kiến” khi lên án chế độ, bảo vệ nguyện vọng, lợi ích và thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân trong suốt 16 năm tồn tại của mình (bị đình bản bởi nghị định của Toàn quyền Đông Dương Decoux ngày 21/4/1943).

Cuộc đời cụ Huỳnh cho đến trước khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh: dù bị giam cầm, dù làm viện trưởng nhân dân đại biểu Trung Kỳ, “dù cho thực dân và tay sai cám dỗ, mua chuộc” vẫn khư khư với cái “cốt tính” sẵn có của mình; vẫn từ chối không nhận chức Thủ tướng do Bảo Đại mời lập chính phủ năm 1945; không chạy theo lợi lộc, danh vọng, tiền tài như ông từng tâm niệm trong bài thơ “Khuyên con đi học”: Giàu sang lợi lộc đừng ham/Chông gai, cay đắng cũng cam một bề”[4]...

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời như một luồng sinh khí mới đủ sức làm chuyển biến trong nhận thức và cả hành động của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Huỳnh đã hân hoan viết: "Sướng ôi là sướng, thoát thân nô mà làm chủ nhân ông - Vui thật là vui, đổi quyền vua mà làm dân quốc mới"[5] và khẳng định: “Nói về mặt trận quốc gia giải phóng thì độc lập ngày mùng 2 tháng 9 rõ ràng là toàn dân Việt Nam chúng ta tranh đấu mà được” [6]. Mặc dù biết mình không hẳn đã nhận thức được hết những tư tưởng mà những người cộng sản truyền bá ở Việt Nam nhưng cụ Huỳnh đã hiểu rõ ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám. Trong ngày giỗ cụ Phan Bội Châu (tháng 10/1945) cụ đã phát biểu: "Ất Dậu trước 1885, Ất Dậu này 1945 đã khác xa. Trước kia ta mất nước, nay là cách mạng là giải phóng. Cái hoài bão của hai cụ Phan đến đây rõ ràng là được thực hiện. Đời tôi đến đây được thấy cái kết quả mà bình sinh hai cụ mong ước, như thế là được"[7]. Cùng với cả dân tộc, cụ hân hoan đón chào tết Bính Tuất (1946) cái tết độc lập đầu tiên của nước nhà sau 80 năm trường nô lệ, một cái tết thật mới, “mới lạ lùng”, như trong bài “Mừng tết độc lập” cụ viết:

 “Cái Tết năm nay mới lạ lùng

 Mới ngày, mới tháng, mới non song

 Dân hăm lăm triệu quyền ông chủ

 Nước bốn ngàn năm của tổ chung

 “Cứu quốc” lòng đà rèn một khối

 “Tự do” mầm ướm trổ trăm bong

 Cho hay người muốn trời chìu đấy

 Trận thắng năm nay trận cuối cùng”

Thêm một điều đặc biệt là, nếu như trước đó Huỳnh Thúc Kháng chỉ biết một Việt Nam có hai nhà “đại ái quốc”, “tương phản nhi tương thành” là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, thì với cách mạng Tháng Tám thành công cụ được biết rõ thêm một lãnh tụ kiệt xuất, đó là Hồ Chí Minh- một lãnh tụ cách mạng chủ trương cùng một lúc đánh đổ cả ngai vàng phong kiến và ách xâm lược của thực dân không phải dựa vào Nhật như Phan Bội Châu, lại không phải dựa vào Pháp như Phan Châu Trinh mà hoàn toàn dựa vào lực lượng của nhân dân. Lại càng đặc biệt hơn, khi Huỳnh Thúc Kháng được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, người mà trước đó Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã đặt vào tất cả niềm hy vọng. Biết được như vậy, cụ Huỳnh Thúc Kháng càng nóng lòng mong mỏi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính giữa lúc ấy, cụ nhận được bức điện của Hồ Chí Minh mời cụ ra Hà Nội tham gia chính phủ.

Bấy giờ là vào cuối năm 1945, tiết trời mưa lạnh, cụ Huỳnh điện trả lời: “Thời tiết xấu tôi chưa đi được và không thể nhận chức Bộ trưởng. Trước sau tôi cũng ra gặp cụ”. Vài ngày sau, cụ lại tiếp được bức điện thứ hai do đồng chí Võ Nguyên Giáp Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ lâm thời được sự ủy nhiệm của Bác Hồ gửi vào: “Chúng tôi khẩn khoản mời cụ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Nội vụ... Việc đại nghĩa xin Cụ đừng bỏ qua”. Sau khi bàn bạc với một vài nhân vật ở Huế, cụ Huỳnh nói: “Tôi chỉ muốn ra gặp cụ Hồ để bày tỏ một vài ý kiến, còn việc gì khác thì tôi không thể nhận”.

Ngày 24/2/1946, Ủy ban hành chính Trung bộ cho xe qua tòa soạn báo Tiếng Dân đưa cụ Huỳnh ra Hà Nội, có hai người đi theo sau săn sóc lúc đi đường, trong đó có ông Nguyễn Xương Thái người Quảng Nam là một cộng tác viên quan trọng của cụ lúc ở tòa soạn Tiếng Dân. Đến Hà Nội, giây phúc gặp gỡ đầu tiên giữa cụ Huỳnh và Bác Hồ thật là cảm động. Trong cuốn “Những năm tháng không thể nào quên”, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã kể lại: “Giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa Bác và cụ Huỳnh thật là cảm động. Hai người đều bước vội tới ôm lấy nhau. Bác và cụ Huỳnh bỗng dưng đều ứa nước mắt, đã nhắc đến cụ Phó Bảng ngày xưa bao phen lận đận ra Bắc vào Nam giữa những năm dài tăm tối”. Và ngay từ những phút đầu cụ Huỳnh đã thấy ở nhà cách mạng lừng danh mà từ lâu mình khao khát được gặp là người rất thân thiết, một “tri kỷ” như trong bài thơ “Bảy mươi tuổi tự cười” cụ viết năm 1946, nhân dịp 70 tuổi, về người bạn tri kỷ là Bác Hồ: “Bảy tuần đầu bạc như bông/ Được người tri kỷ, thôi xong đã già”.

2. “Một ng­ười đạo đức, danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết”

Cảm được cái trí, cái nhân, cái nghĩa từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh đã đặt vào Bác sự tin cậy hoàn toàn sau khi nghe Người kiên trì thuyết phục và cả lời nhắn gửi: “Cụ Huỳnh đã hy sinh nhiều, xin cụ hy sinh thêm”[8]. Có thể nói, giữa thời khắc lịch sử của vận mệnh quốc gia, phần vì cảm và trọng Bác Hồ, tin vào đường lối chính trị vì đại nghĩa dân tộc của Đảng cộng sản mà Người là lãnh tụ; phần vì không thể lấy lý do tuổi già sức yếu để nhà yêu nước họ Huỳnh từ chối việc tham gia Chính phủ do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, cụ Huỳnh đã nhận lời tham gia Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Đó không chỉ là thời khắc có ý nghĩa bước ngoặt, đó còn là biểu hiện sinh động nhất sự cao cả của tấm gương nhà chí sĩ yêu nước họ Huỳnh. Trong những năm tháng không dài ấy, mặc dù cụ Huỳnh hơn Chủ tịch Hồ Chí Minh 14 tuổi nhưng hai người luôn “gần gũi nhau, trìu mến nhau bởi một lòng vì dân vì nước”; và mỗi khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh thường trân trọng nói “đó là vị Cha già của dân tộc”.

Vào thời điểm nền độc lập non trẻ của dân tộc đang đứng tr­ước những thử thách ngàn cân treo sợi tóc của họa ngoại xâm và sự phá hoại của các thế lực phản cách mạng bên trong thì uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục đư­ợc cụ Huỳnh Thúc Kháng ra tham chính và chính uy tín của cụ Huỳnh lại đóng góp đắc lực vào việc củng cố khối đoàn kết dân tộc, góp phần chặn đứng âm m­ưu phá hoại của kẻ thù. Trong buổi ra mắt Quốc hội và nhận trọng trách Bộ tr­ưởng Nội vụ Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng giới thiệu Huỳnh Thúc Kháng là “một ng­ười đạo đức, danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết”. Lời nói ngắn gọn nhưng hàm chứa trong đó tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự trân trọng của Người với cụ Huỳnh. Tấm lòng ấy nhất quán trong tư tưởng trọng dụng hiền tài, trong chính sách đặc biệt tôn trọng nhân sĩ, trí thức của Người. Còn nhớ, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời, trong bài viết có nhan đề "Nhân tài và kiến quốc” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện sinh động trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Thời gian càng lùi xa, chúng ta cảm cảm nhận được sâu sắc hơn tầm và tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các bậc “đức cao vọng trọng”, và câu chuyện Người kiên trì mời bằng được cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ chính là một ví dụ điển hình và cảm động về sự trọng dụng nhân tài của Người.

Để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc,“đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc” nhằm tăng cường lực lượng bảo vệ thành quả cách mạng, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng, một trong những sáng lập viên được bầu làm Hội trưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng danh dự. Nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện này, trong bài trả lời phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài ngày 6/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Hội Liên hiệp quốc dân là do những người lão thành có danh vọng đạo đức như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Bùi Bằng Đoàn, v.v.. và những người yêu nước không có đảng phái đứng ra tổ chức. Hội đó đã thực hiện sự đại đoàn kết của toàn dân gồm tất cả các từng lớp, đảng phái, tôn giáo và dân tộc trong nước Việt Nam. Tinh thần của Hội đó là yêu nước, chương trình là quyết tranh đấu cho Tổ quốc được thống nhất, độc lập, thống nhất và dân chủ, phú cường”[9].

Ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm n­ước Pháp, Ng­ười đã tin cậy giao phó chức quyền Chủ tịch cho cụ Huỳnh với lời căn dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bất biến mà Hồ Chí Minh nói ở đây gắn liền và liên hệ mật thiết với độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ. Điều này đã được ghi trên các văn bản của nhà nước  Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đó là:  Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Trên tinh thần ấy, cái bất biến và quan trọng nhất là độc lập, bởi nếu không có độc lập thì sẽ không có tự do, hạnh phúc, dân chủ. Vì vậy, mọi chiến lược, sách lược và hoạt động đều phải dựa trên cái bất biến đầu tiên là độc lập. Thấu triệt nguyên tắc “lấy cái không biến đổi để ứng phó với sự biến đổi”, và nhận trọng trách giao phó của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trách nhiệm trước quốc dân, dù tuổi đã cao, sức đã yếu như­ng quyền Chủ tịch n­ước Huỳnh Thúc Kháng, dư­ới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã mang hết nhiệt tâm, tranh đấu kiên quyết nhưng linh hoạt để giữ vững chủ quyền, độc lập dân tộc tr­ước ngoại bang và ổn định chính trị của đất n­ước, góp phần ngăn chặn và đập tan mọi âm mư­u khiêu khích, phá hoại của các thế lực phản động mà vụ Ôn Nh­ư Hầu do các phần tử phản động trong Việt Nam Quốc dân Đảng chủ m­ưu là một điển hình. Là một người không đảng phái, với trách nhiệm của mình, cụ Huỳnh đã kiên quyết trừng trị những kẻ phạm pháp, xâm phạm tài sản và tính mạng của nhân dân, đồng thời cũng chính là nghiêm trị mộ tội ác phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp, trong một số ít nhân dân có phần lo lắng, bọn Việt gian lại lợi dụng cơ hội đó để âm mưu làm giảm uy tín của Người, cụ Huỳnh đã viết bài thơ ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Tung hoành bể Sở với non Ngô

Đảm lược ai hơn Chủ tịch Hồ

Mưa gió dãi dầu bao tuế nguyệt

Nước non gây dựng nội cơ đồ

Sen kia chẳng ngại hôi bùn lắm

Tùng nọ bao phen ngọn gió xô

Khắp cả ba kỳ đều tín nhiệm

Rộn ràng muôn miệng tiếng hoan hô”.

Những đóng góp của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong công cuộc điều hành đất n­ước trong thời gian đảm nhiệm trọng trách quyền Chủ tịch nước, cộng tác chặt chẽ với những ngư­ời cộng sản và tất cả các lực l­ượng yêu n­ước trong nhân dân đã đ­ược Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Ngày 23/10/1946, trong lời tuyên bố với quốc dân sau khi từ Pháp về, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn mọi người, trước hết là cụ Huỳnh: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh quyền Chủ tịch, sự săn sóc giúp đỡ của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hợp lực của quốc dân, mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ...”[10].

Tháng 11/1946, tr­ước nguy cơ chiến tranh đến gần, Quốc hội cải tổ lại Chính phủ liên hiệp kháng chiến, một lần nữa nh­ư Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo với Quốc hội: “Kết quả có những vị có tài năng nhận lời mời tham gia Chính phủ như­ cụ Huỳnh Thúc Kháng vì tuổi già sức yếu mà cố từ, nhưng vì tôi lấy đại nghĩa mà l­ưu cụ. Cụ cũng gắng ở lại… ai nấy đều hứa cố gắng làm việc một lòng vì n­ước vì dân”. Sau đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ Trung ương đi kinh lý miền Trung. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Hư­ởng ứng lời hịch cứu n­ước ấy, với t­ư cách Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Huỳnh Thúc Kháng viết bức th­ư “Kêu gọi đồng bào phụ lão kháng chiến” trong đó nhấn mạnh: “Người thân yêu, kính mến nhất của đồng bào quốc dân chúng ta là Hồ Chí Minh tiên sinh. Là bậc yêu nước đại chí sĩ... là nhà lịch nghiệm đại chuyên gia. Chân đi khắp năm châu, mắt trông xa vạn dặm; nhạn rõ thời cuộc, lặng dò thời cơ”[11]. Ở tất cả những nơi đi qua trên đ­ường kinh lý, cụ Huỳnh Thúc Kháng đều không mệt mỏi kêu gọi toàn dân đồng lòng kháng chiến, kiến quốc. Tại Quảng Ngãi, cụ Huỳnh lâm bệnh nặng. Biết không qua khỏi, mấy ngày trước khi qua đời, Cụ đã viết gửi Bác Hồ một bức thư thống thiết và một bức thư gửi binh sĩ. Trong thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh viết:

Kính gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh,

Tôi bị bệnh không qua khỏi, 40 năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước nhà đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện. Thế là tôi chết hả chí! Tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường hạnh phúc.

22-4-1947

Chào vĩnh quyết

Huỳnh Thúc Kháng

Và Cụ Huỳnh cũng gửi tấm lòng mình tới anh em binh sĩ. Cụ viết:

Gửi anh em binh sĩ,

Anh em là những vị anh hùng vô danh của đất nước. Mong anh em hăng hái hơn nữa, nhất định không để cho dân tộc ta bị tròng vào ách thực dân một lần nữa.

Chào vĩnh quyết

Huỳnh Thúc Kháng

Cụ Huỳnh Thúc Kháng từ trần ngày 21/4/1947, tại Quảng Ngãi, thọ 71 tuổi. Được tin đau buồn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm bài thơ điếu bằng chữ Hán và Ngư­ời đã tự dịch nh­ sau:

“Than ôi

Bể Đà Nẵng triều thảm

Đèo Hải Vân mây sầu

Tháng t­ư tin buồn đến

Huỳnh Bộ trư­ởng đi đâu

Trông vào Bộ Nội vụ

Tài đức tiếc thư­ơng nhau

Đồng bào ba chục triệu

Đau đớn lệ rơi châu”.

Cả n­ước để tang cụ giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt. Vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi th­ư tới toàn thể đồng bào và khẳng định “cụ Huỳnh tuy tạ thế nhưng cái chí vì nước, vì nòi của cụ vẫn luôn sống mạnh mẽ trong lòng 20 triệu đồng bào chúng ta”, vì: “Cụ Huỳnh là một ng­ười học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu n­ước mà tr­ước đây Cụ bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo, mười mấy năm trư­ờng, gian nan cực khổ. Nh­ưng lòng son dạ sắt, yêu n­ước thư­ơng nòi của Cụ Huỳnh chắc chắn không sờn lại thêm kiên quyết.

Cụ Huỳnh là ngư­ời mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan.

Cả đời cụ Huỳnh không màng danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước đư­ợc độc lập”[12].

Lời đánh giá chân tình và chuẩn xác của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cụ Huỳnh Thúc Kháng chính là t­ượng đài muôn thuở, tôn vinh tấm g­ương một nhà yêu nư­ớc chân chính, mãi mãi lư­u danh với hậu thế. Bức thư của Bác được truyền bá sâu rộng trong quân đội, truyền cho toàn quân tấm lòng nhân nghĩa, chí khí quật cường, quyết tâm kháng chiến không gì lay chuyển của cụ Huỳnh và của Bác.

3. Người gắn liền với một chặng đường của lịch sử dân tộc

Cuộc đời của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng gắn liền với một chặng đường lịch sử đầy gian khó của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do. Khởi xướng và nỗ lực hoạt động cho phong trào Duy Tân, “phát biểu tư tưởng chống đối thái độ “vào luồn ra cúi” của quan lại, của kiếp sống nô lệ... nhất là bài xích cái học cử nghiệp, cùng lối kén chọn người tài hủ lậu”, cổ động tân học bằng phương pháp trực tiếp; làm nghị trường “đưa ra một số yêu sách cần thực hiện cùng vạch trần những luận điệu, việc làm lừa dối của thực dân”...; rồi làm báo Tiếng Dân “với các bài viết theo sát thời cuộc và mọi tiến triển của văn minh nhân loại” khiến cho “thực dân vừa lo, vừa sợ, và cũng rất oán ghét”, gây sóng gió cho dư luận không ít... chính là thể hiện tâm nguyện của cụ Huỳnh muốn thoát ly cái cũ, dung hòa với cái mới để mong đạt được tâm nguyện xây dựng một xã hội lành mạnh, tiếp thu được cái dân quyền, dân chủ, thể hiện rõ trong nhận thức và hành động của nhà chí sĩ yêu nước họ Huỳnh. Nhiệt huyết nhưng vẫn thất bại và trong hành trình ấy, hậu thế vẫn thấy hiển hiện trong ông tấm lòng yêu nước, không tự ti trước cường quyền, không mù quáng trong hành động.

Tinh thần cao cả, vì dân, vì nước, trọng nghĩa trọng tình và ý chí kiên cường của người con xứ Quảng với việc tham gia Chính phủ liên hiệp kháng chiến rồi sau đó là Chính phủ kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, làm Chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân của chí sĩ họ Huỳnh là một bài học lớn đối với trí thức Việt Nam ở vào giai đoạn cam go của đất nước. Là gương mặt tiêu biểu của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, là nhân vật tạo nên cái “gạch nối” lịch sử gắn kết phong trào yêu nước của các chiến sĩ Duy tân với phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc đời Cụ Huỳnh là tấm gương sáng ngời về truyền thống hiếu học, nếp sống thanh cao, giản dị, không cầu danh lợi, trọng nghĩa, trọng tình, trọng chí lớn. Đó là một cuộc đời trí thức đã dùng văn chương, báo chí để tỏ lòng mình, chống lại cái hủ lậu, cổ động cho cái mới mẻ, phục vụ đồng bào, dùng nó để giáo dục, cảnh tỉnh đồng bào đồng thời tố cáo kẻ thù... Tư tưởng và hành động của cụ hòa đồng một cách sâu sắc trong các trước tác, trong cả nếp sống giản dị, nghiêm cẩn với mình, với người, với công việc của quốc gia.

Không màng danh lợi, cầu vinh, cụ đã dấn thân vào cuộc đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, bất chấp tù đày, gian khổ. Đó là cuộc đời của một nhà hoạt động chính trị luôn v­ươn tìm cái mới, mong đáp ứng khát vọng cứu n­ước cứu dân, và cũng chính vì thế đã vượt lên trên mọi hạn chế về nhận thức, những mặc cảm chính trị để đến với ánh sáng của độc lập, tự do. Cụ đã sẵn sàng tận tụy cộng tác với những ngư­ời cộng sản, tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đại diện chân chính cho quyền lợi của dân tộc, giương cao ngọn cờ đại nghĩa và đoàn kết toàn dân để cùng kề vai gánh vác “cái lo của dân tộc, cái nghĩ của dân tộc, cái ước mơ của nhân dân” trên hành trình đấu tranh đến thắng lợi. Suốt cuộc đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, cụ ra đi thanh thản, để lại "lời vĩnh quyết" như một lời hiệu triệu, kêu gọi mọi người đoàn kết, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dầu thời gian cụ Huỳnh Thúc Kháng đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo không dài như­ng những cống hiến của cụ là hết sức to lớn, tấm g­ương của cụ hết sức tiêu biểu, mà các thế hệ hôm nay và mai sau có thể học tập và noi theo./.

TS Văn Thị Thanh Mai

-------------- 


[1][2] [4] Nguyễn Q. Thắng:  Huỳnh Thúc Kháng tác phẩm, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr.31, 21, 35.

[3] Huỳnh Thúc Kháng: Thi tù tùng loại, Nxb Nam Cường, Sài Gòn, 1951, tr.21.

[5][6] Nhân vật lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb Quân đội nhân dân, quyển 12, tr.45, 45.

[7] Vương Đình Quang: Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1965, tr.30.

[8] Nguyễn Xương Thái: Hồi ký, tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh

[9] [12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H,1995, t.5, tr.170, 122.

[10] Báo Cứu Quốc, số 384, ngày 23/10/1946.

[11] Bác Hồ cầu hiền tài, Nxb Thông tấn, H, 2006, tr.42-43.


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất