Thứ Bảy, 18/5/2024
Ninh Bình: Hội tụ và Phát triển
Thứ Ba, 4/9/2018 9:43'(GMT+7)

Khởi sắc trên quê hương Phú Lộc

Đường vào làng Hương Thịnh, xã Phú Lộc. Ảnh: Thế Minh

Đường vào làng Hương Thịnh, xã Phú Lộc. Ảnh: Thế Minh

Đến nay hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: điện, đường, trường, trạm, nước sạch sinh hoạt đã được xây dựng ở khắp các thôn, xóm. Hệ thống đường giao thông nông thôn đã được nhựa hóa, bê tông hóa tới tận từng hộ gia đình; 15/15 thôn, xóm đều xây dựng nhà văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí của nhân dân. 3 trường học của xã đều đạt chuẩn quốc gia; năm 2017 xã đã đầu tư xây dựng mới 4 phòng học và 7 phòng chức năng của trường mầm non và trường tiểu học với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng...

Cụ Bùi Lam Sơn, người có 55 năm tuổi Đảng ở thôn Đồi Chè cho biết: Những năm trước đây, vùng đất này thuộc Chiến khu Quỳnh Lưu, là một trong những căn cứ cách mạng của tỉnh. Thời điểm đó, người dân xã Phú Lộc đã tham gia kháng chiến, quyên góp lương thực, thực phẩm cho bộ đội và bảo vệ cán bộ cách mạng. Trong thời kỳ đổi mới, đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú lộc luôn đoàn kết, vượt qua khó khăn để xây dựng quê hương và đã giành được nhiều thành tựu. Sự đổi mới này rất là sâu sắc, tất cả các gia đình đều nỗ lực xóa đói, giảm nghèo; trước đây gian khổ, nhà tranh vách đất, đường đi lối lại khó khăn, đến bây giờ nhà xây kiên cố, mái ngói, mái bằng khang trang, đường đi lối lại được đổ bê tông rất thuận tiện... Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, chúng tôi không thể kể hết được nỗi vui mừng của mình.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo, hàng năm Đảng ủy xã đã đề ra các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó, tập trung chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, mở rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Thường xuyên mở các lớp tập huấn cho người dân nắm bắt được khoa học kỹ thuật nông nghiệp để áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình, tuyên truyền nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển cây con cho giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập. Trong tổng số 340 ha đất 2 lúa của xã thì có 280ha đã được chyển đổi sang chăn nuôi thủy sản theo mô hình lúa- cá cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng/ha. Ngoài ra, xã luôn quan tâm xây dựng, cải tạo hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với sản xuất độc canh cây lúa. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Đinh Xuân Hồng đã mạnh dạn đi đầu trong việc chuyển đổi diện tích cấy lúa sang phát triển nuôi cá, trồng chanh, đến nay thu nhập bình quân của gia đình trừ chi phí đạt hàng trăm triệu đồng/năm.

Bên cạnh phát triển nông nghiệp, Phú Lộc còn đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Toàn xã hiện có trên 1.000 hộ kinh doanh, dịch vụ, doanh thu ước đạt 80 tỷ đồng/năm. Kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn mới khởi sắc. Năm 2017 thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,8%; có trên 85% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 15/15 khu dân cư văn hóa, 5/5 cơ quan văn hóa.

Đồng chí Đinh Quốc Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lộc cho biết: Với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, năm 2014 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, hiện xã đang tiếp tục đầu tư nâng cấp các tiêu chí nông thôn mới. Về cơ cấu kinh tế 45% nông nghiệp, 55% ngành nghề và dịch vụ; xã đang chỉ đạo xây dựng sản xuất vụ mùa và vụ đông, chuyển 1 phần diện tích sang nuôi cá, cây màu. Bên cạnh đó tiếp tục huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội. Đây là định hướng lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tiếp theo, hướng tới đô thị Rịa trong tương lai./.

Thu Hường/baoninhbinh.org.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất