Chủ Nhật, 19/5/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 4/10/2018 8:59'(GMT+7)

Nâng cao tính tự giác, nêu gương của cán bộ, đảng viên: Chức vụ càng cao càng phải gương mẫu

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XII

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XII

NÊU GƯƠNG VÀ NHÂN RỘNG GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT

Những tấm gương người tốt, việc tốt nói chung, trong mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng không chỉ làm đẹp hơn những giá trị truyền thống của dân tộc được hình thành và bồi đắp trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc mà còn trở thành những hạt giống tốt để xây dựng chế độ xã hội mới, là những điển hình, mực thước trong nêu gương rèn luyện đạo đức cách mạng: hết lòng, hết sức vì Đảng vì dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... để mọi người cùng phấn đấu và noi theo.

Trân trọng hết thảy những việc làm tốt, những công việc nhỏ nhưng vô cùng có ý nghĩa trong đời sống thường ngày, sinh thời Hồ Chí Minh từng nói, bên cạnh những tấm gương anh hùng của những chiến sĩ thi đua, anh hùng dũng sĩ làm nên những việc anh hùng, còn biết bao những con người bình thường khác mà những việc họ đã làm vẫn ngời sáng đạo lý làm người cao cả, ích nước lợi dân, vẫn có sức lan toả, thấm sâu trong cộng đồng. Từ trong thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã xuất hiện những các nhân, những tập thể điển hình được Đảng và Chính phủ tuyên dương, khen thưởng, song đó “vẫn chỉ là số ít” trong nhân dân - những người hằng ngày, hàng giờ góp gió thành bão, góp sức mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xuất phát từ phương pháp nêu gương, chú trọng sự lan tỏa “hữu xạ tự nhiên hương” của những tấm gương cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến nảy sinh trong thực tiễn, Hồ Chí Minh đã đề nghị các báo của Đảng, của các đoàn thể “mở ra mục Người mới, việc mới nhằm nêu lên những gương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành”[1]. Không chỉ luôn quan tâm, động viên, dành tặng huy hiệu của Người cho những tấm gương tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong chiến đấu, học tập, lao động sản xuất... những năm (1968-1969), Người còn đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ thị toàn Đảng học tập, noi theo tấm gương người tốt - những bông hoa đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng để nhân lên nhiều việc làm tốt. Theo Hồ Chí Minh, noi gương, làm theo những tấm gương người tốt, việc tốt để cả xã hội cùng đổi mới và phát triển tốt đẹp là làm cho ý nghĩa những gương điển hình ấy lớn lao hơn, sức lan tỏa rộng lớn hơn. Trong đó, Người nhấn mạnh: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[2].

Vì vậy, Người không chỉ đến dự và phát biểu ý kiến ở Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc, ở Hội nghị tổng kết thi đua của các ngành, các cấp mà còn dành thời gian quan tâm, cổ vũ, khen ngợi và nêu gương người tốt, việc tốt trong tất cả các ngành nghề, từ những cán bộ kỹ thuật chủ chốt đến những người lao động phục vụ... để nhân rộng "những bông hoa đẹp trong vườn hoa việc tốt". Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Người kể lại, trong một lần đến thăm đơn vị của quân chủng Phòng không không quân ở Bạch Mai, Người yêu cầu được gặp đầy đủ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị và nói: Càng đông càng tốt, chật hội trường cho thật vui. Trong thành phần phải có các anh hùng, chiến sĩ thi đua, đại biểu của các đơn vị có thành tích, kể cả các bộ phận hậu cần, anh nuôi, y tá, bác sĩ, các đơn vị đảm bảo thông tin, sân bay… vì, chúng ta đánh giặc và xây dựng chế độ xã hội mới bằng những việc làm muôn hình muôn vẻ và sự góp sức của hàng chục triệu người như thế, chứ không phải chỉ bằng thành tích nổi bật của một số cá nhân anh hùng…


 

Đặc biệt quan tâm đến việc cổ vũ và nhân rộng những gương người tốt, làm việc tốt, Hồ Chí Minh đã dành thời gian đọc các báo, các bản tin nêu những gương người tốt, việc tốt trên các báo Nhân dân, Lao động, Tin Việt Nam thông tấn xã, Quân đội nhân dân, Văn hoá, Văn nghệ, Nghệ An, Nam Hà, Thái Bình, Thủ đô Hà Nội, v.v.. Số lượng các bài Người đọc, tự mình sưu tầm về gương người tốt, việc tốt ở khắp mọi miền Tổ quốc lên tới 2.000 bài, được sắp xếp lại thành 19 tập. Sau khi đọc, “Bác cho kiểm tra những chỗ đúng và không đúng sự thật và Bác thưởng huy hiệu cho hơn 5.000 người tốt làm những việc tốt”[3]. Theo Người, “những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ bình thường thôi, nhưng ích nước lợi dân, thì hay bị xem thường”[4], song biển cả là do “từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc!”[5], nên không thể bỏ qua những việc tưởng như rất tầm thường nhưng lại có tác dụng nêu gương không nhỏ của những hành động, những việc làm bình dị mà cao quý.

Với ý nghĩa đó, Người chủ trương viết về gương người tốt, việc tốt, nâng niu, trân trọng từng việc làm tốt của mỗi người ở khắp mọi nơi, trong các ngành, các giới mà địa phương nào, lứa tuổi nào, v,v.. cũng có. Những cuốn sách nhỏ Người tốt, việc tốt đã ra đời trên cơ sở căn cứ vào các bài báo viết về những người tốt đã được Người thưởng huy hiệu, “nhằm nêu gương những con người bình thường, hàng ngày có những hành động nhỏ mà anh hùng, xứng đáng được học tập, ai ai cũng có thể làm theo”[6]. Loại sách này do “sáu nhà xuất bản đã lựa chọn một số bài và xuất bản thành”[7], nhằm tuyên truyền trong nhân dân, với kích thước nhỏ gọn (10 x15cm cho phù hợp với hoàn cảnh vừa sản xuất vừa chiến đấu khi đó). Đó là những cuốn: Dũng cảm đảm đang (Nhà xuất bản Phụ nữ), Thế hệ anh hùng (Nhà xuất bản Thanh Niên), Vì nước vì dân (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân), Việc nhỏ nghĩa lớn (Nhà xuất bản Kim Đồng), Dân tộc anh hùng giai cấp tiên phong (Nhà xuất bản Lao Động), Hợp tác xã là nhà xã viên là chủ (Nhà xuất bản Phổ Thông), Hậu phương thi đua với tiền phương (Nhà xuất bản Phổ Thông) đã nêu gương những người tốt có thật, những việc tốt có thật, động viên, giáo dục mọi người cùng ra sức noi gương, hằng ngày thi đua làm những việc tốt.


 

Sách Người tốt, việc tốt cung cấp nhữnghòn ngọc nguyên chất”- những tấm gương điển hình giản dị, xuất hiện trong thực tiễn, không thêm bớt, không tô vẽ, có tác dụng góp phần xây dựng lối sống “mình vì mọi người”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, v.v..theo những chuẩn mực của đạo đức cách mạng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Với tinh thần,”lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, việc noi theo những gương tập thể và cá nhân tiên tiến của từng ngành, từng giới, từng lứa tuổi, v.v.. trong mỗi cuốn sách Người tốt, việc tốt để mọi người từng ngày, từng giờ làm thêm nhiều việc tốt sẽ góp phần giúp cho điều thiện trong mỗi con người sinh sôi, xã hội ngày một tốt đẹp hơn, từng bước đẩy lùi những thói hư, tật xấu, sự vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa… 50 năm sau khi ra đời (1968-2018), những cuốn sách nhỏ Người tốt, việc tốt này cùng biết bao những tấm gương người tốt, việc tốt của tập thể và cá nhân nở rộ trong các phong trào thi đua yêu nước, trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 03), Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05) ở mỗi địa  phương, cơ quan, đơn vị đã thiết thực góp phần truyền tải giá trị tinh thần cao quý trong cộng đồng.

PHÁT HUY VAI TRÒ NÊU GƯƠNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN, NHẤT LÀ CÁN BỘ CẤP CAO

Thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò gương mẫu đi đầu, của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng và chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, toàn Đảng đã triển khai thực hiện Chỉ thị 03 và Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, với Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về “Những điều đảng viên không được làm”, Quy định 101-QÐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, Quy định 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”...

Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Ninh Thuận quán triệt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII
 

Theo tinh thần của Chỉ thị 03, Chỉ thị 05, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và 3 Quy định nêu trên, tất cả cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, đơn vị phải nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên quán triệt theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho công chức, viên chức và người lao động,v.v.. Cùng với đó, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; phải nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, trước hết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú. Người đứng đầu phải là tấm gương tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo; phải gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú… Phải kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân; kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”…

Trách nhiệm gương mẫu, tự giác đi đầu của cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu phải thể hiện toàn diện trên các mặt tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; trong quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ. Nội dung nêu gương thể hiện ở tinh thần trách nhiệm, tận tụy, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác, nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm; chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy thi đua và các biểu hiện tiêu cực khác như cục bộ, bè phái, cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, của nhóm lợi ích…

Triển khai nghiêm túc và sâu rộng, trong những năm qua, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã có những chuyến biến quan trọng. Rõ nhất là tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng từ nhận thức đến hành động trong rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng và chống chủ nghĩa cá nhân, từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng…Trong số đó, có biết bao tấm gương người tốt, việc tốt của cá nhân, tập thể nói chung, của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng từ Trung ương đến địa phương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tuyền truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, trong triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” hằng năm, trong Cuộc thi viết “Những tấm gương làm theo Bác”; được in trong các cuốn sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, “Những tấm gương bình dị tỏa sáng giữa đời thường”… xuất bản ở Trung ương và các địa phương, có sức lan tỏa rộng lớn.

Tuy nhiên, kết quả đạt được trong việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và chỉnh đốn Đảng và các Quy định nêu trên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Khi đánh giá thực trạng, Đảng đã chỉ ra sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao. Do mang nặng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, một bộ phận kết bè, kéo cánh, tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy luân chuyển,v.v..; một bộ phận lại “an phận, thủ thường”, “dĩ hòa vi quý”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh chỉ lo giữ mình, giữ việc,v.v.. gây bức xúc trong nhân dân. Cùng với đó, Đảng cũng nhấn mạnh, tính tự giác đi đầu, vai trò nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền chưa thật rõ nét, còn hình thức, nói không đi đôi với làm. Không ít cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn chỉ dừng lại ở việc hô hào, hình thức, nói suông mà không thực hành, “nói một đàng, làm một nẻo”, “diễn gương” chứ không phải “nêu gương”… như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”[8].

Trước tình hình trên, trong số nhiều giải pháp quan trọng nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, Đảng đặc biệt chú trọng vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh: “Các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[9]. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các ngành, các cấp càng đặt ra bức thiết hơn; đòi hỏi phải trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, tự giác, hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp, các ngành.

Để phát huy vai trò nêu gương, để “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[10], Quy định mới về trách nhiệm nêu gương của đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng được xem xét tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII. Được xây dựng trên nguyên lý “có xây, có chống và xây trước, chống sau”, điểm cốt lõi của Quy định này là cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu thực hiện trách nhiệm nêu gương trong quan hệ với tổ chức Đảng, với Tổ quốc, nhân dân, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trong quan hệ với gia đình, nơi cư trú... theo đúng tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XII: “Dự thảo Quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống”.

TS. Văn Thị Thanh Mai

Ths. Tạ Quang Giảng


[1] Thành Duy: Tư tưởng Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.128

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ ba, H, 2011, t.15, tr.672

[3] Bộ Văn hoá - Thông tin: Tuyển tập Hà Huy Giáp, H, 1998, tr.332

[4] Sách: Người tốt, việc tốt: Vì nước vì dân, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1968, t.3, tr.5

[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.663

[6] Sách: Người tốt, việc tốt: Vì nước vì dân, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1968, t.3, tr.5

[7] Bộ Văn hoá - Thông tin: Tuyển tập Hà Huy Giáp, H, 1998, tr.332

[8] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XII, ngày 2/10/2018

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 284

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.16

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất