Thứ Ba, 7/5/2024
Đồng Nai đổi mới và phát triển
Thứ Ba, 5/11/2019 16:2'(GMT+7)

Nhanh chóng giải phóng mặt bằng xây dựng sân bay Long Thành

Phác thảo mô hình sân bay Long Thành

Phác thảo mô hình sân bay Long Thành

GIẢM TẢI CHO SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT

Việc định hướng xây dựng Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành thành một trung tâm trung chuyển phù hợp với sự phát triển kinh tế- xã hội, vận chuyển hàng không của Việt Nam. Việc xây dựng CHKQT Long Thành thành một trung tâm trung chuyển phù hợp trong tình hình hiện nay, bổ sung và giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất trong phục vụ cho hàng khách.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), kết quả cập nhật về dự báo nhu cầu thị trường hàng không đi – đến của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam trong tương lai, được phục vụ bởi cụm cảng Long Thành - Tân Sơn Nhất, đến năm 2025 là 65,2 triệu lượt hành khách và đến năm 2030 là 85,5 triệu lượt hành khách. Trong khi đó, đến năm 2025 khi CHKQT Long Thành giai đoạn 1 được đưa vào khai thác thì tổng công suất thiết kế của cụm cảng Long Thành - Tân Sơn Nhất là 75 triệu lượt hành khách (50 triệu của Tân Sơn Nhất và 25 triệu của Long Thành). Với tốc độ tăng trưởng dự báo thấp (khoảng 5,5%/năm), dự kiến CHKQT Long Thành sẽ khai thác mãn tải vào năm 2027- 2028.

Mặt cắt tuyến đường giao thông kết nối cảng hàng không Long Thanh với các tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh.

Cấu hình khu bay gồm 2 cặp đường cất hạ cánh song song đáp ứng được công suất 100 triệu hành khách/năm. Nguồn: Bộ GTVT

Như vậy, trong giai đoạn đầu, CHKQT Long Thành chủ yếu tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường hàng không đi – đến của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến 2030, nếu hoàn thành được giai đoạn 2 của Dự án với công suất 50 triệu hành khách/năm, CHKQT Long Thành mới đủ năng lực cạnh tranh ban đầu của một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Về cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng yêu cầu của một cảng hàng không (CHK) có mục tiêu trung chuyển trong khu vực. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT bên cạnh việc đảm bảo cơ sở hạ tầng CHK nói trên để CHKQT Long Thành có thể trở thành CHK trung chuyển cần những giải pháp song hành khác như sau.

Một là, xúc tiến chính sách mở cửa bầu trời. Việt Nam cần thúc đẩy hiệp ước mở cửa bầu trời với các quốc gia Đông Nam Á và bên ngoài khu vực này nhằm thực hiện chính sách phát triển đường bay của các hãng hàng không, bước đầu kiến tạo điểm trung chuyển về hành khách và hàng hóa tại CHKQT Long Thành cho các đường bay quốc tế.

Hai là, xây dựng chính sách thuế, phí tại CHK. Hoàn thiện chính sách thuế, phí để cạnh tranh so với các CHK lớn là trung tâm trung chuyển trong khu vực như: Suvarnabhumi (Thái Lan), Changi (Singapore), Kuala lumpur (Malaysia), Chek Lap Kok (Hongkong), Đào Viên (Đài Loan), xa hơn là Incheon (Hàn Quốc)... 

Ba là, phát triển nhu cầu giao thông hàng không. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, phát triển du lịch là những yếu tố rất quan trọng để tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn trong giao thương vận tải hàng không quốc tế. 

Bốn là, đầu tư hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối đã có trong quy hoạch cho các giai đoạn tiếp theo để CHKQT Long Thành đáp ứng yêu cầu kết nối hạ tầng giao thông hoàn chỉnh với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như là một trong những đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Công tác giải phóng mặt bằng là một trong những vấn đề được Bộ GTVT và UBND tỉnh Đồng Nai quan tâm do có ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện dự án và các mặt về kinh tế xã hội tại địa bàn tỉnh. Có nhiều lo ngại về công tác giải phóng mặt bằng dự án có thể ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án, vì tính đến tháng 8 năm 2019 việc giải ngân mới chỉ đạt 1,07% (khoảng 123 tỷ đồng) mức vốn được giao (dự kiến đến hết năm 2019 chỉ đạt 15,75%).

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 38/2017/QH14 ngày 19/6/2017, Chính phủ đã chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư CHKQT Long Thành (gọi tắt là Dự án GPMB), trình Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 06/11/2018.

Dự kiến các khu vực cần giải phóng mặt bằng để xây dựng các khu nhà điều hành sân bay Long Thành. Nguồn: Bộ GTVT

Dự kiến các khu vực cần giải phóng mặt bằng để xây dựng các khu nhà điều hành sân bay Long Thành. Nguồn: Bộ GTVT

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch, lộ trình chi tiết, cụ thể để triển khai Dự án GPMB, đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ 5.000 ha trước năm 2021 theo yêu cầu của Quốc hội. Đến nay, tiến độ thực hiện Dự án GPMB như sau.

Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đối với 02 khu tái định cư có diện tích 361,21 ha, UBND tỉnh Đồng Nai đã giải phóng mặt bằng 361,13 ha, đạt 99,15%, phần diện tích 3,08 ha còn lại sẽ được tiếp tục giải phóng mặt bằng trong năm 2019. 

Đối với khu vực 5.000 ha xây dựng CHK. Trong đó đất của các tổ chức: đã đo đạc, kiểm đếm được 18 tổ chức, diện tích 1.935,6 ha. Đối với đất của các hộ gia đình, cá nhân: đã đo đạc, kiểm đếm được khoảng 405,2 ha đất do 640 hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ công tác kiểm đếm trong Quý I/2020 và lập phương án bồi thường, chi trả tiền trong năm 2020.

Riêng khu vực giai đoạn 1 có diện tích 1.810 ha, bao gồm 1.291 ha đất của Tổng công ty Cao su Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiểm đếm và sẽ bồi thường vườn cây cao su trong năm 2019. Phần còn lại là 519 ha đất của các hộ gia đình, cá nhân, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiểm đếm được 78% và phấn đấu bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 vào tháng 10/2020.

Về công tác xây dựng hạ tầng tái định cư. Đối với Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt dự án thành phần hạ tầng kỹ thuật, hiện đang lập bản vẽ thiết kế thi công, dự toán công trình. Dự kiến UBND tỉnh Đồng Nai khởi công xây dựng vào cuối tháng 12/2019, người dân có thể nhận đất tái định cư và xây dựng nhà ở vào tháng 6/2020.

Đối với Phân khu III Khu tái định cư Bình Sơn, UBND tỉnh Đồng Nai đang điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và phê duyệt các dự án thành phần. Dự kiến UBND tỉnh Đồng Nai khởi công xây dựng vào Quý II/2020, người dân có thể nhận đất tái định cư và xây dựng nhà ở vào Quý IV/2020.

Bên cạnh việc bố trí tái định cư cho người dân, UBND tỉnh Đồng Nai đã triển khai điều tra, khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch; tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề. Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức 3 sàn giao dịch việc làm cho người dân trong khu vực thực hiện Dự án.

Về tiến độ giải ngân vốn. Chính phủ đã bố trí cho UBND tỉnh Đồng Nai số vốn 11.490 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã giải ngân được 233,251 tỷ đồng . Dự kiến đến cuối năm 2019, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục giải ngân được 1.768,5 tỷ đồng, đạt 15,4% kế hoạch (chủ yếu chi trả bồi thường cho các tổ chức sử dụng đất và triển khai xây dựng Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn). Số vốn còn lại, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục giải ngân trong năm 2020.

SỚM ỒN ĐỊNH TÌNH HÌNH QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI XUNG QUANG CẢNG HÀNG KHÔNG

Để đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án CHKQT Long Thành, ổn định tình hình quản lý đất đai xung quanh CHKQT Long Thành, Chính phủ đã chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai đưa các giải pháp cụ thể như sau:

Một là, chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai ngay các biện pháp cần thiết để phòng, chống, xử lý, ngăn chặn tuyệt đối các trường hợp đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xây dựng nhà, công trình xung quanh Dự án trái quy định pháp luật, lợi dụng chính sách đất đai của nhà nước để trục lợi dưới bất kỳ hình thức nào.

Hai là, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức liên quan, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản trên địa bàn, tuân thủ nghiêm, tuyệt đối không lấn chiếm, tái lấn chiếm, không vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, đồng thời ủng hộ công tác quản lý đất đai của chính quyền. Công khai đầy đủ các thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách và công tác quản lý đất đai của cơ quan nhà nước.

Ba là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác quản lý đất đai trên địa bàn về trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh kiên quyết với các hiện tượng móc ngoặc, tiếp tay cho các vi phạm về đất đai.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với công tác quản lý đất đai khu vực xung quanh Dự án của chính quyền cơ sở. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh, chấn chỉnh các thiếu sót, bất cập, không để xảy ra khiếu kiện, khiếu nại.

Để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện Dự án, UBND tỉnh Đồng Nai đã điều động tăng cường 51 công chức, viên chức từ các Sở, ngành của tỉnh để hỗ trợ huyện Long Thành thực hiện công tác kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho các đối tượng tham gia thực hiện Dự án.

Pháp luật về đất đai đã có quy định cụ thể về cưỡng chế các trường hợp không chấp hành Quyết định thu hồi đất. UBND tỉnh Đồng Nai sẽ căn cứ các quy định hiện hành để tổ chức triển khai nghiêm túc, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người có đất bị thu hồi và tiến độ bàn giao mặt bằng Dự án./.

Trọng Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất