Chủ Nhật, 28/4/2024
Dân số và phát triển
Thứ Hai, 7/5/2018 22:15'(GMT+7)

Thực trạng thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế  cho biết: Trước bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi và tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, Bộ Y tế đang đẩy mạnh, tăng cường hoạt động y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc người cao tuổi, khuyến khích tư nhân tham gia phát triển các mô hình nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.

 

Ảnh minh họa

 

Nhân viên chăm sóc có vai trò và vị trí quan trọng vì đây là những người gắn bó trực tiếp với người cao tuổi, một đối tượng chăm sóc đặc biệt. Ngoài các kiến thức, kỹ năng về nhu cầu dinh dưỡng cũng như cách phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi, nhân viên chăm sóc phải biết cách quan tâm đến nhu cầu tâm lý lẫn sinh lý của người cao tuổi một cách phù hợp. Đây là lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam và có nhu cầu rất lớn trong cả bệnh viện và cộng đồng, rất cần học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

 

Theo báo cáo tại Hội thảo, kết quả khảo sát thực trạng nhà dưỡng lão và trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội (năm 2016-2017) cho thấy mô hình trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

 

Cụ thể, trên địa bàn Hà Nội hiện có 3 trung tâm bảo trợ xã hội. Không chỉ thiếu về nhân lực (10 người bệnh mới có 1 nhân viên chăm sóc), cơ sở vật chất tại các trung tâm cũng nghèo nàn, thiếu dụng cụ tập phục hồi chức năng.

 

Còn đối với mô hình nhà dưỡng lão có thu phí do các tổ chức ngoài công lập xây dựng và vận hành, điều kiện cơ sở vật chất được bảo đảm, đủ nhân viên, hộ lý, điều dưỡng, bác sĩ. Tuy nhiên, do mức phí ấn định từ 4 đến 9 triệu đồng/tháng tùy vào từng gói dịch vụ và mức độ cần được chăm sóc của người cao tuổi nên không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận với những dịch vụ này.

 

Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, giải pháp trước mắt là cần nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, thành lập Khoa Lão tại các Bệnh viện với quy mô khoảng 10% giường kế hoạch, cơ sở vật chất phù hợp với người cao tuổi, tiếp nhận các bệnh nhân có nhiều bệnh phức tạp, có các hội chứng lão khoa điển hình (thường là trên 80 tuổi)...

 

TS Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết, Việt Nam là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, trung bình mỗi người cao tuổi thường mắc 6,9 loại bệnh cần phải giải quyết cùng lúc. Chi phí y tế cho người cao tuổi gấp từ 7 đến 10 lần so với người trẻ; người cao tuổi sử dụng tới 50% tổng lượng thuốc.

 

Tuy nhiên, khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi ở nước ta còn hạn chế; thiếu bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi. Do đó, tốc độ già hóa dân số gia tăng đang là thách thức đối với hệ thống y tế.

 

Cũng theo TS Nguyễn Trung Anh, mô hình chăm sóc người cao tuổi cần được mở rộng và nâng cao chất lượng - kể cả mô hình tại các cơ sở y tế công lập cũng như nhà dưỡng lão tại cộng đồng; cần đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực của cán bộ y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

 

Bác sĩ Kate Jones - Trường Điều dưỡng Đại học South Carolina đã trình bày kinh nghiệm về vai trò của nhân viên trợ lý chăm sóc người cao tuổi tại bệnh viện và cộng đồng tại Mỹ. Tiếp đến, TS Nguyễn Ngọc Hường đóng góp ý kiến áp dụng cho Việt Nam việc đưa công tác xã hội vào các bệnh viện và trung tâm chăm sóc người cao tuổi, xây dựng chương trình đào tạo công tác xã hội với người cao tuổi, có thể phát triển từ đào tạo y tá hoặc hộ lý, song song với việc đào tạo mới nhân viên Công tác xã hội đi theo hướng chăm sóc dựa vào cộng đồng, áp dụng ứng dụng công nghệ vào chăm sóc người cao tuổi./.

 

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất