Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 8/1/2009 16:8'(GMT+7)

10 sự kiện nổi bật của báo chí năm 2008

Năm 2008 là năm thứ ba toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng; năm thứ hai thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; năm có nhiều sự kiện, vấn đề quan trọng, sôi động và cả những khó khăn, phức tạp, trong đó khó khăn lớn, tác động sâu sắc đến nhiều mặt đời sống xã hội là cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu; sự tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn ở những địa bàn chiến lược; thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường...; năm có nhiều vấn đề tư tưởng và tâm trạng xã hội đáng quan tâm.

Trong bối cảnh vừa nêu, công tác báo chí có những đặc điểm, nhiệm vụ mới, để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống xã hội.

1. Báo chí tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tận dụng mọi thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Động viên các ngành, các cấp thực hiện Kết luận số 22, Kết luận số 25 của Bộ Chính trị và các nhóm giải pháp của Chính phủ, dồn sức cho kiềm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Báo chí cổ vũ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, ưu tiên cho xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích tiêu dùng hàng nội, chăm lo đời sống nhân dân, tích cực chăm bón, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, khắc phục khó khăn do đợt rét đậm, rét hại đầu năm và các trận mưa lũ lớn vào giữa và cuối năm gây ra; phòng, chống dịch tiêu chảy cấp có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả ở người và dịch cúm gia cầm.

2. Tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân học tập, quán triệt và thực hiện các nghị quyết quan trọng của Đảng: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá X), Kết luận Hội nghị Trung ương 8 (khoá X) về các vấn đề: Xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở; Tiếp tục hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội...

3. Tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh": Tuyên truyền các Hội thi chung khảo “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; hưởng ứng và tích cực thực hiện cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về Cuộc vận động lớn này. Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN, Tạp chí Cộng sản và nhiều cơ quan báo, đài khác đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong tuyên truyền, quảng bá và hăng hái thực hiện Cuộc vận động.

4. Tuyên truyền các ngày lễ, các sự kiện lớn trong năm: Lần đầu tiên Việt Nam được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đảm trách thành công chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng trong tháng 7; kỷ niệm 160 năm Tuyên ngôn Đảng Cộng sản; 190 năm Ngày sinh Các Mác; 78 năm Ngày thành lập Đảng 3/2; 118 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Kỷ niệm 40 năm Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc; 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng; 100 năm Ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự; Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X; Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V...

5. Thông tin, tuyên truyền các vấn đề, sự kiện quốc tế quan trọng, nổi bật diễn ra tại Việt Nam: Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc 2008 (VESAK 2008) với sự tham dự của gần 5000 đại biểu của 600 phái đoàn Phật giáo đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đại lễ tôn vinh các giá trị văn hoá, tâm linh, đạo đức của Phật giáo; khẳng định một cách sinh động, thuyết phục chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; giới thiệu về một Việt Nam giàu truyền thống văn hoá, tươi đẹp, hoà hiếu, mến khách. Thông tin, tuyên truyền về Hội nghị ACMECS; Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2008 lần đầu được tổ chức tại Việt Nam; Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3; Đối thoại với các nhà tài trợ quốc tế về “Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”; Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam.

6. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) và nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về lãnh đạo, quản lý công tác báo chí. Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về “Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới” khẳng định: Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lí của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Nghị quyết nêu rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ để phát triển báo chí nước ta những năm tới là: bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của báo chí; nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng.

Cùng với Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X), năm 2008, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí trong cả nước triển khai thực hiện các chỉ thị, quyết định quan trọng của Ban Bí thư: Chỉ thị 25-CT/TW về tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí; Quyết định 75-QĐ/TW về bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí; Quyết định 155-QĐ/TW về thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cùng các cơ quan Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí; Quyết định 157-QĐ/TW về thực hiện sự chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin trên báo chí; triển khai thực hiện Chương trình kiểm tra số 67-KH/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác báo chí trên 3 mặt: thực hiện tôn chỉ, mục đích, nội dung thông tin; thực hiện công tác tổ chức, cán bộ, công tác xây dựng đảng; thực hiện chính sách, chế độ tài chính.

Công tác quản lý nhà nước được tăng cường. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng các ban, ngành liên quan bắt tay triển khai dự án Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí; dự án Quy hoạch hệ thống báo, tạp chí in; Nghị định 97/2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet; Thông tư 07/2008/TT-BTTTT hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 97/2008 về quản lý Blog; Thông tư về quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí tại các địa phương; Thông tư hướng dẫn việc cấp phép hoạt động báo chí; thu hồi ấn phẩm báo chí; đình bản tạm thời và thu hồi giấy phép hoạt động báo chí; Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí; Quy chế liên kết trong hoạt động phát thanh, truyền hình ...Các cơ quan tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông về báo chí cũng được sắp xếp lại hoặc hình thành tổ chức mới. Nhân sự lãnh đạo một số cơ quan báo chí cũng có sự thay đổi do yêu cầu công tác hoặc nghỉ hưu theo chế độ: Báo Quân đội nhân dân, Báo Hà Nội mới, Báo Sài Gòn giải phóng, Báo Tiền Phong, Báo Đại đoàn kết, Báo Thanh niên, Báo Sinh viên Việt Nam và Hoa học trò, Báo Người Lao động, Báo Tuổi trẻ TPHCM, Báo Pháp luật TPHCM, Báo Doanh nhân Sài Gòn...

7. Báo chí đấu tranh chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, huỷ hoại sức khoẻ người dân và môi trường, xâm hại đạo đức xã hội. Phê phán hành vi tham nhũng, nhận hối lộ của một số cán bộ lãnh đạo các tỉnh, ngành: Cà Mau, Lào Cai, Tổng cục Du lịch, Dự án Cầu Bãi Cháy, Dự án đại lộ Đông Tây..; là vụ “đầu độc môi trường” của Công ty Vedan, Công ty Miwon, Công ty Hào Dương và rất nhiều công ty, nhà máy, khu công nghiệp. Đó là thói vô trách nhiệm trong việc kiểm định thực phẩm, vật tư nhập khẩu, để chất melamine, hoá chất độc hại bảo quản thực phẩm, rau quả vào Việt Nam gây thiệt hại cho người sản xuất và tiêu dùng. Là hành vi bạo hành độc ác đến mức phi nhân tính đối với trẻ em, người bất hạnh, người già.

8. Báo chí thông tin, tuyên truyền về các vấn đề, sự việc phức tạp, nhạy cảm; đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Vấn đề Biển Đông, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của nước ta đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; Lễ rước đuốc Olimpic Bắc Kinh 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh; Việc tàu quân sự nước ngoài mang tên Trịnh Hoà thăm cảng Đà Nẵng; mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội; tình hình Tây Nguyên; tình hình khiếu kiện, đình công, lãn công; đám tang ông Hoàng Minh Chính; việc khởi tố, sau đó đưa ra xét xử 4 người nguyên là cán bộ cảnh sát điều tra và phóng viên báo chí vi phạm pháp luật và đình chỉ vụ án đối với ông Nguyễn Việt Tiến; Vụ án Công ty PCI liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sỹ; việc Chính phủ Nhật Bản tạm dừng vốn ODA cho Việt Nam; giải quyết sự việc liên quan đến yêu sách của một số chức sắc và giáo dân về khu đất ở 42 Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội; việc Thích Quảng Độ được một số thế lực ở phương Tây đề cử Giải thưởng Noben Hoà Bình; một số lao động Việt Nam tại Jordany đình công...

9. Tổ chức các hoạt động xã hội, văn hoá bổ ích, thiết thực. Nhiều cơ quan báo chí tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện giúp đỡ nhân dân vùng thiên tai, khó khăn, gia đình chính sách, người già, người tàn tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao đặc sắc; cổ vũ nhiều phong trào tình nguyện của giới trẻ. Tiêu biểu là Báo Công an nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TPHCM, Đài PTTH Hà Nội, các báo Tuổi trẻ TPHCM, Thanh Niên, Báo Lao Động, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Công an TPHCM, Người lao động, Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Dân trí & Khuyến học, Tiền Phong...

10. Số cơ quan báo chí và nhà báo vi phạm pháp luật hoặc bị hành hung, xâm hại tăng hơn các năm trước.
Một số cơ quan báo chí và nhà báo để xẩy ra sai phạm nghiêm trọng về nội dung thông tin, về quy trình tác nghiệp, vi phạm pháp luật, sai phạm về kinh tế, trong đó có 6 cơ quan báo chí bị cảnh cáo, 15 nhà báo bị thu hồi thẻ hoạt động nghiệp vụ (6 người là lãnh đạo cơ quan báo chí). Số vụ nhà báo bị một số tổ chức, cá nhân gây cản trở, bị xúc phạm danh dự, bị hành hung có xu hướng tăng lên. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã lên tiếng bảo vệ các nhà báo hoạt động đúng pháp luật, yêu cầu các ngành, địa phương, nhất là các cơ quan chức năng có biện pháp cần thiết, kịp thời để bảo vệ, tạo điều kiện cho nhà báo hoạt động đúng pháp luật.

Năm 2009, phát huy ưu điểm, thành tích, khắc phục nhược điểm, hạn chế, các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X và Nghị quyết Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng; tập trung cao cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất