Thứ Tư, 25/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 30/12/2013 20:47'(GMT+7)

10 sự kiện tiêu biểu của Mỹ thuật, Nhiếp ảnh năm 2013

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Cục Mỹ thật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh năm 2013.

Đây là năm thứ 2 Cục này tổ chức bầu chọn các sự kiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm đánh giá toàn diện về tình hình hoạt động của ngành Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trong một năm.

Tại cuộc họp báo, ông Vi Kiến Thành - Cục Trưởng đã công bố 10 sự kiện hoạt động tiêu biểu năm 2013 thuộc lĩnh vực Mỹ thuật, Nhiếp ảnh như sau:

Lĩnh vực Mỹ thuật

1. Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 (2003-2013): Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc tổ chức định kỳ 10 năm một lần,  nhằm trưng bày, giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của các nhà điêu khắc trên toàn quốc đồng thời tổng kết, đánh giá 10 năm sáng tạo và phát triển của ngày điêu khắc Việt Nam.

Kể từ triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ nhất vào năm 1973 (thực chất lúc đó là triển lãm điêu khắc toàn miền Bắc). Mô hình tổ chức triển lãm điêu khắc toàn quốc đã qua 50 năm, đó là vào các năm 1973, 1983, 1993, 2003 và  2013. Mỗi kỳ triển lãm 10 năm đều để lại những dấu ấn về sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc cũng như sự khẳng định của một thế hệ tác giả, các nhà điêu khắc Việt Nam.

Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc tần thứ 5 (2003-2013) đã nhận được 675 tác phẩm điêu khắc của 352 tác giả trong cả nước gửi đến tham dự. Hội đồng nghệ thuật đã tuyển chọn được 286 tác phẩm của 230 tác giả trưng bày tại triển lãm, 21 tác phẩm được trao giải thưởng. Đây là triển lãm được đánh giá là có chất lượng nghệ thuật tốt, đa dạng trong phong cách sáng tạo nghệ thuật trong xu thế hội nhập quốc tế.

2. Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam tại Italia: Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam được tổ chức cùng thời điểm với Triển lãm nghệ thuật quốc tế (Venice Biennale) lần thứ 55, một trong những sự kiện triển lãm mỹ thuật danh tiếng nhất thế giới, có lịch sử từ 1895 và được tổ chức 2 năm 1 lần, thu hút sự tham gia ngày càng lớn của đông đảo các nước. Triển lãm tranh Sơn mài Việt Nam góp phần nâng cao sự hiểu biết của công chúng Italia và bạn bè quốc tế về nền mỹ thuật Việt Nam nói riêng và văn hoa Việt Nam nói chung thông qua ngôn ngữ nghệ thuật bằng chất liệu sơn mài truyền thống. Qua đó, mở rộng quan hệ hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

3. Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định về hoạt động mỹ thuật: Ngày 2/10/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật. Đây là văn bản pháp lý cao nhất từ trước đến nay đối với hoạt động mỹ thuật, tạo ra hành lang pháp lý để ngành Mỹ thuật phát triển.

4. Sáng tác và triển lãm mỹ thuật trẻ về đề tài ''Bảo vệ biên giới, biển đảo” nhân kỷ niệm 38 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước: Trại sáng tác về đề tài lịch sử và biển đảo dành cho các tác giả trẻ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh sáng tác về đề tài Bảo vệ biên giới-Biển đảo trong đó có trại sáng tác tại Côn Đảo và Trường Sa với sự tham dự của các hoạ sĩ đến từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Cà Mau.

Hoạt động này đã giúp cho các nghệ sĩ trẻ hiểu sâu sắc hơn về chủ quyền biển đảo và biểu thị tinh thần yêu nước của các nghệ sĩ trẻ.

5. Lễ kỷ niệm 100 năm Trường vẽ Gia Định, nay là Trường ĐH Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh: Lực lượng họa sĩ, nhà điêu khắc Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đa số xuất thân từ ngôi trường này. Lễ kỷ niệm đánh dấu chặng đường hình thành và phát triển của ngôi trường đã đào tạo nhiều thế hệ mỹ thuật cho Tp. Hồ Chí Minh và cả nước.

 
Tác phẩm "Bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước" của họa sĩ Uyên Huy

Lĩnh vực Nhiếp ảnh

1. Triển lãm ảnh 40 năm ký Hiệp định Paris về Việt Nam: Đây là một trong những triển lãm có đông người xem nhất tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội. Không chỉ trong ngày khai mạc và suốt thời gian diễn ra triển lãm, phòng trưng bày luôn đông khách đến tham quan. Triển lãm nhận được sự quan tâm của các thế hệ người Việt Nam từ các bậc lão thành cách mạng đến thế hệ trẻ và cả những người nước ngoài bởi tính chân thực, phong phú, quý giá của tư liệu gồm 150 ảnh tư liệu chọn lọc, hơn 20 câu trích thể hiện quan điểm, lập trường và nhũng chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng và Nhà nước để đi đến thắng lợi lớn trên mặt trận ngoại giao. Đặc biệt có những hiện vật quý lần đầu tiên được giới thiệu như: bản gốc Hiệp định Paris, cuốn sổ tập hợp chữ ký của nhân dân các nước ủng hộ Việt Nam.

2. Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 7 tại Việt Nam (VN-13): Cuộc thi đã nhận được 15.360 bức ảnh trong đó có 4 thể loại ảnh của 1.427 tác giả từ 51 quốc gia và vùng lãnh thổ gửi đến tham dự. (Chân dung: 4.005 tác phẩm, chọn được 176 tác phẩm trưng bày; Thiên nhiên: 2.688 tác phẩm, chọn được 94 tác phẩm trưng bày; Du lịch: 3.854 tác phẩm, chọn được 200 tác phẩm trưng bày; Tự do: 4.813 tác phẩm, chọn được 193 tác phẩm trưng bày).

Triển lãm diễn ra tại Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hà Nội, thể hiện sự hội nhập của Nhiếp ảnh Việt Nam với Nhiếp ảnh thế giới.

3. Triển lãm ảnh và xuất bản 02 cuốn sách ảnh của NSNA Nguyễn Á ("Tâm và tài - họ là ai"; "Nick VuJicic và những ngày ở Việt Nam"). Sau khi triển lãm thành công tới công chúng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á đã phát hành cuốn sách ảnh cùng tên. Triển lãm (và sách ảnh) giới thiệu hơn 365 câu chuyện của hơn 400 nhân vật tiêu biểu ở nhiều ngành nghề khác nhau đến từ các vùng miền của Tổ quốc và cả những nhân vật đang sống và làm việc ở nước ngoài và trong giới hạn từ 10 tuổi cho đến ngoài 100 tuổi. Tất cả họ đều đã có những cống hiến nhất định cho đất nước Việt Nam.

Để ra mắt được triển lãm và cuốn sách ảnh này, Nguyễn Á đã mất hơn 4 năm để thực hiện.

Triển lãm và sách ảnh ''Tâm và tài-Họ và ai?'' có sức ảnh hưởng và lan tỏa trong cộng đồng. Nguyễn Á đã tạo nên một bức tranh sinh động bằng ảnh câu chuyện về những tấm gương ''người tốt việc tốt Việt Nam''.

4. Kỷ niệm 60 năm (15/3/1965 - 15/3/2013) ngày Bác Hồ ký Sắc Lệnh 147/SL thành lập Quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam nay là ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam. Ngày 15/3/1953, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147-SL thành lập ''Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam''. Từ năm 2003 ngày 15/3 hàng năm được công nhận là ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam, nhằm tôn vinh ngành Nhiếp ảnh Việt Nam, những đóng góp và cống hiến của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam trở thành ngày hội của Năm 2013, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh việt Nam, nhiều sự kiện nhiếp ảnh đã được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, các hội văn học nghệ thuật, các chi hội nhiếp ảnh địa phương tổ chức trọng thể

5. Các triển lãm về chủ quyền Biển đảo như: Triển lãm trại sáng tác ''Biển đảo quê hương''; triển lãm ''Bằng chứng lịch sử về Trường Sa Hoàng Sa''; triển lãm ''Biển đảo Tổ quốc''.

Hàng loạt triển lãm ảnh quy mô lớn khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam đã được tổ chức tại các tỉnh, thành: Triển lãm ảnh của trại sáng tác ''Biển đảo quê hương'' do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hải Phòng; Triển lãm bằng chứng lịch sử về Trường Sa, Hoàng Sa được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Tp. Hồ Chí Minh; Triển lãm Biển đảo tổ quốc do TTXVN tổ chức tại Hà Nội; Nhiều cuộc triển lãm cùng chủ được tổ chức tại các địa phương trong cả nước./.

Vân Khánh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất