Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị đánh giá, xếp hạng doanh
nghiệp thực hiện COC-VN năm thứ 4 do Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt
Nam tổ chức ngày 17/4 tại Hà Nội.
Việc xếp hạng 86 doanh nghiệp được giám sát và đánh giá quá trình thực
hiện Bộ Quy tắc ứng xử năm thứ 4 (từ 1/1/2016 đến 31/12/2016). Hội đồng
đánh giá và xếp hạng dựa trên thông tin thu nhập từ các Sở Lao
động-Thương binh và Xã hội, thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội,
thanh tra Cục Quản lý lao động ngoài nước, Ban Quản lý lao động Việt
Nam ở các nước tiếp nhận lao động.
Kết quả đánh giá cho thấy không có doanh nghiệp nào được xếp hạng 6 sao,
37 doanh nghiệp xếp hạng 5 sao, 41 doanh nghiệp xếp hạng 4 sao, 8 doanh
nghiệp xếp hạng 3 sao và không có doanh nghiệp nào xếp hạng 2 sao, 1
sao.
Mặc dù số doanh nghiệp tham gia COC-VN năm 2016 chỉ chiếm 31,4% số doanh
nghiệp được cấp phép đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
nhưng số lao động do các doanh nghiệp này đưa đi chiếm tới 61,62% tổng
số lao động xuất cảnh.
Đánh giá về Bộ Quy tắc ứng xử, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã
hội cho biết, bộ tiêu chí này đánh việc thực hiện trên các lĩnh vực như
quảng cáo, tuyển chọn lao động, đào tạo, ký kết hợp đồng lao động, giải
quyết tranh chấp và hỗ trợ lao động trở về.
“Tôi hy vọng tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ tham gia thực
hiện Bộ Quy tắc ứng xử này để bảo vệ người lao động và xây dựng hình
ảnh, uy tín của doan nghiệp, lao động Việt Nam,” Thứ trưởng Doãn Mậu
Diệp nói.
Sau 4 năm thực hiện, quá trình giám sát, đánh giá COC-VN đã có sự tham
gia đầy đủ của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, các đối tác xã hội, người
lao động di cư, các đối tác nước ngoài... để đảm bảo phản ánh đúng áp
dụng các quy tắc COC-VN./.
Theo TTXVN