Thứ Bảy, 30/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 27/1/2018 18:26'(GMT+7)

100 năm nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang.

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang.

Sáng 27/1, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức Hội thảo “100 năm nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang”.

Vì lý do sức khỏe nên soạn giả Mịch Quang không đến tham dự hội thảo nhưng qua những tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà viết kịch gửi đến hội thảo đã giúp công chúng hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp nghiên cứu nghệ thuật và sáng tác của soạn giả Mịch Quang.

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Hoàng Chương khẳng định: Trong đại gia đình sân khấu và nghệ thuật truyền thống dân tộc, có lẽ nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang là người cao niên nhất còn trụ lại với đời và hôm nay, ở tuổi 100, ông đang hiện diện như một biểu tượng về sự trường tồn của nghệ thuật dân tộc. Từ năm trên 70 tuổi đến nay, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang liên tục cho công bố những công trình quan trọng nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, như “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”, “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc”, “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”, “Khơi nguồn mỹ học dân tộc” và “Thanh gươm hát bội”, “Giấc mộng hồ hoa”, “Bà mẹ làng Sen”, “Tên sát nhân và nhà tu hành “, “Đời tôi trong nghệ thuật”.

Trong cả cuộc đời của soạn giả Mịch Quang, thời gian dành cho sự nghiệp nghiên cứu nghệ thuật dân tộc và sáng tác kịch bản Tuồng, có lẽ gần như chiếm trọn số tuổi đời ông.

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, soạn giả Mịch Quang là một tác giả xuất sắc có những đóng góp quý báu trong suốt hơn nửa thế kỷ qua cho nghệ thuật sân khấu Tuồng cách mạng Việt Nam. Từ vở tuồng đầu tiên “Đường về Lam Sơn” năm 1951. Soạn giả Mịch Quang đã sáng tác đa dạng ở các đề tài từ lịch sử, dã sử đến hiện đại được các đơn vị nghệ thuật Tuồng cả nước dàn dựng và biểu diễn. Trong đó phải kể đến các vở “Má Tám”, “Hộp truyền đơn”, “Vua Hùng kén rể”, “Quang Trung”, “Phất cờ nương tử”, “Giấc mộng hồ hoa”, “Thanh gươm hát bội”, “Nỗi lòng người mẹ”, “Bà mẹ làng Sen”… được đánh giá cao tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của nhà soạn giả Mịch Quang, ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn cho biết: Nhà nghiên cứu Mịch Quang là người đầu tiên giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Hậu tổ Tuồng Đào Tấn trên văn đàn miền Bắc xã hội chủ nghĩa từ đầu những năm 1960. Từ đó đến nay, ông tiếp tục có những công trình nghiên cứu toàn diện và sâu sắc về Đào Tấn-nhà yêu nước lớn, nhà hoạt động sân khấu kiệt xuất, nhà thơ lỗi lạc của dân tộc.

Với những đóng góp cho nền nghệ thuật truyền thống nước nhà, soạn giả Mịch Quang đã được nhận các phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng nhất năm 1999; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật 2016…/.

Khánh Huyền(QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất