Người dân vùng lũ đang rất cần sự chung tay, vào cuộc của chính quyền và cộng đồng để sớm ổn định cuộc sống.
Cơ cực cuộc sống sau lũ
Lũ dữ mới tạm đi qua nhưng người dân ở vùng rốn lũ Nặm Păm, huyện Mường La vẫn còn rất bàng hoàng vì sự tàn phá khủng khiếp của nó.
Với đặc thù sinh hoạt của đồng bào dân tộc nơi đây thường sống ven những con suối nhỏ để thuận tiện cho sinh hoạt, sản xuất.
Cuộc sống cứ thế trôi qua bình yên nếu không có trận lũ vừa qua. Trận lũ lịch sử được biết đến là lớn nhất trong gần 70 năm trở lại đây.
Không ai có thể ngờ rằng, con suối nhỏ vốn hiền hòa, bình yên chảy qua bản Hua Nặm để cung cấp nước cho bà con nay trở thành “con thú dữ,” cuốn phăng tất cả mọi thứ.
Tần ngần bên ngôi nhà đổ nát, ngổn ngang đất đá, anh Quàng Văn Chủ ở bản Hua Nặm, xã Nặm Păm đang cố tìm kiếm những đồ đạc của gia đình còn sót lại.
Với vẻ mặt vẫn còn lo sợ anh Quàng Văn Chủ nhớ lại, gia đình anh đang ngủ, đến khoảng 12 giờ đêm nghe tiếng nước về nhiều quá, thế là tỉnh dậy. Lúc đó nước tràn đến nhà rồi, may mà người chạy kịp thoát. Nhà cửa bị cuốn trôi đi hết không kịp lấy gì.
Lực lượng vũ trang hỗ trợ người dân thị trấn Ít Ong, huyện Mường La khắc phục hậu quả mưa lũ. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)
Còn theo những người già ở bản Hua Nặm đây là lần đầu tiên họ gặp trận lũ quét kinh hoàng như thế.
Ông Quàng Văn Khan, Phó Bí thư Chi bộ bản Hua Nặm cho biết, con suối này từ lúc ông sinh ra và lớn lên chưa từng thấy nước lũ lớn như thế này.
Bình thường nước chảy sang bên kia, không đổ thẳng vào khu dân cư. Còn nước chảy sang bên này thì theo mương nhỏ, đủ tưới tiêu và sinh hoạt hàng ngày.
Vào đêm 2/8 vừa qua, rạng sáng 3/8 vừa qua, mưa tầm tã từ 12 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Thấy nước về nhiều, ông đã hô hào dân bản tìm cách tránh lũ. Lúc đó, chỉ còn kịp đưa một số xe máy và trâu bò lên trên núi cao, còn nhà của gần 40 hộ dân đã bị quét sạch.
Những trường hợp may mắn sống sót khi bị lũ cuốn được coi như một phép màu. Tuy nhiên, khi vừa thoát khỏi “tử thần” những người dân ở đây lại đối mặt với hàng trăm nỗi lo khác.
Tại Bệnh viện đa khoa huyện Mường La, phóng viên đã tiếp xúc với trường hợp rất đáng thương. Đó là ba chị em Sồng Thị Lạ Nhia, sinh năm 2004; Sồng Thị Hua, sinh năm 2007 và em Sồng Thị Cạ, sinh năm 2010. Bố mất sớm, mẹ đi bước nữa nên ba chị em phải tự nuôi nhau.
Các em ở trong một căn nhà nhỏ cạnh nhà chú thím thuộc bản Púng Quài, xã Chiềng San, huyện Mường La. Vào đêm 2/8 vừa qua, nước lũ ào ào đổ về, cuốn trôi cả 3 chị em còn đang ngon giấc.
Hai em lớn hơn bám được vào bụi cỏ ven suối, đến sáng dân bản tìm thấy hai em cách nhà gần 50m trong tình trạng nhiều vết thương. Còn người em út, khi tìm thấy đã thiệt mạng. Chăm sóc các em hiện giờ chỉ có gia đình chú thím là anh Sồng A Lênh nhưng hoàn cảnh gia đình chú thím cũng không khá hơn.
Trong trận lũ vừa rồi, gia đình anh Sồng A Lênh cũng bị lũ cuốn trôi hết nhà cửa và tài sản. Anh Sồng A Lênh ngậm ngùi cho biết: "Đêm đó tỉnh dậy nhà đã trôi, tôi tìm 3 đứa cháu không thấy. Sau đó tìm thấy 2 cháu lớn còn sống, đứa nhỏ mất rồi. Giờ nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi đi hết rồi, không còn gì nữa. Dù khó khăn vất vả thế nào tôi cũng cố gắng để làm lại và chăm lo cho các cháu."
Chung tay giúp đỡ người dân
Trước những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do lũ gây ra, tỉnh Sơn La đã huy động nhiều lực lượng để hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả.
Hơn 2.500 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên, cán bộ, viên chức và người dân địa phương đã tham gia ứng cứu, di dời các hộ dân đến nơi an toàn, đồng thời đẩy mạnh công tác tìm kiếm cứu nạn. Trong đó lực lượng quân đội, công an được xem là chủ lực để vận chuyển hàng hóa cứu trợ, giúp người dân củng cố, dọn dẹp nhà cửa, tìm kiếm cứu nạn.
Đại úy Đồng Thanh Tùng, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 754, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La cho biết, những ngày qua đơn vị đã huy động hàng trăm chiến sỹ bắc cầu tạm cho dân. Đồng thời, vận chuyển hàng hóa cứu trợ cho người dân ở 3 bản đã bị cuốn trôi hết tài sản thuộc xã Nặm Păm.
Ngoài ra, một số lực lượng hiện tại đã vào các điểm lũ quét đi qua để giúp người dân, đảm bảo người dân không bị đói.
Theo ông Hoàng Mạnh Long, Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La, Tổng Chỉ huy các lực lượng tham gia phòng chống thiên tai, lũ bão, hiện nay lực lượng quân sự ở Mường La là 200 người. Các đơn vị khác sẵn sàng để tăng cường ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Ngoài lực lượng hỗ trợ người dân, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La cũng tăng cường phương tiện, ca nô để sẵn sàng cùng Mường La khắc phục hậu quả mưa lũ.
Cùng với lực lượng vũ trang, các đoàn viên, thanh niên tình nguyện cũng đã phát huy tinh thần chia sẻ, giúp đỡ với người dân vùng lũ.
Hiện trường mưa lũ gây thiệt hại nặng nề ở huyện Mường La. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)
Ngay sau khi nước lũ rút xuống, những bản bị cô lập của xã Nậm Păm đã đến được, lực lượng đoàn viên thanh niên đã nhanh chóng tiếp cận. Tại đây, các đoàn viên thanh niên đã giúp đỡ người dân dọn dẹp nhà cửa và dựng các lán tạm.
Anh Đoàn Vũ Toàn, Phó Bí thư huyện đoàn Mường La cho biết, những ngày qua Huyện đoàn Mường La đã huy động khoảng 500 thanh niên tình nguyện ở nhiều địa phương khác nhau để vận chuyển nhu yếu phẩm cần thiết nhất đưa vào tiếp tế cho người dân.
Trước mắt, kịp thời đưa lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân không để bị đói; tiếp tục giúp người dân dọn dẹp nhà cửa, dựng lán để ở tạm./.
TTX