Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng khẳng định, năm
2014 có ý nghĩa hết sức quan trọng và là năm bản lề cho giai đoạn khởi
động kế hoạch chuyển đổi từ địa chỉ Internet IPv4 sang IPv6 (Internet
protocol version 6).
Thông tin trên được ông Lê Nam Thắng đưa ra tại Hội thảo “Ứng dụng IPv6” nhân
ngày IPv6 Việt Nam (6/5), do Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia và
Trung tâm Internet Việt Nam tổ chức.
Thực tế cho thấy, IPv6 có lợi thế rất lớn so với IPv4 đã cạn kiệt khi có
không gian địa chỉ gần như vô hạn; cho phép thiết bị tự động cấu hình
các thông số phục vụ cho việc kết nối mạng như địa chỉ IP, địa chỉ máy
chủ tên miền; khả năng bảo mật cao…
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, năm 2013 đã ghi nhận những kết quả tích
cực khi hoàn thành giai đoạn chuẩn bị của lộ trình chuyển đổi. Công tác
xây dựng văn bản quy phạm pháp luật dần được xây dựng, Bộ đã trình Chính
phủ đưa quy định về thúc đẩy và sử dụng IPv6 thành chính thức; hình
thành chính thức mạng IPv6 quốc gia…
Hiện có 10 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), 20 chủ website (với 35 website), 5 nhà sản xuất thiết bị triển khai IPv6…
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Trường Thành (Trung tâm
Internet Việt Nam) cho biết lưu lượng truy cập IPv6 còn hạn chế, nội
dung còn khiêm tốn.
Thống kê của Trung tâm thông tin mạng châu Á-Thái Bình Dương cho thấy,
tổng băng thông IPv6 tại Việt Nam năm 2013 tăng so với năm 2012 nhưng
không đáng kể. Điều này chứng tỏ vẫn chưa có lưu lượng IPv6 trao đổi
giữa các ISP trong nước.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, để thúc đẩy IPv6, trong giai đoạn này
cần phải thúc đẩy thiết bị đầu cuối, dịch vụ nội dung và nâng cao ý thức
xã hội về IPv6…
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kỳ vọng, Hội thảo “Ứng dụng
IPv6” với sự tham gia của hơn 300 chuyên gia trong và ngoài nước sẽ cung
cấp thông tin kịp thời và đầy đủ về hiện trạng triển khai IPv6 của Việt
Nam, quốc tế. Từ đó, các cơ quan liên quan Việt Nam có thêm kinh nghiệm
thực tế để thực hiện các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch hành động quốc
gia về IPv6./.
(Vietnam+)