Ngày 16/7/1999, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” - sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện niềm tin, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng. 25 năm qua, Hà Nội đã có nhiều thay đổi tích cực, toàn diện, trở thành điểm đến “an toàn - thân thiện”, ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Hồ Tây một chiều thu.
Mùa Thu Hà Nội là lúc con phố Phan Đình Phùng đẹp rực rỡ với những luồng sáng huyền ảo xuyên qua những tán cây hàng trăm năm tuổi.
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã và đang tích cực đổi mới, đẩy mạnh các sản phẩm du lịch sử dụng công nghệ, chuyển đổi số mang lại trải nghiệm mới cho du khách, hướng đến phát triển bền vững trong khai thác, đưa di tích thành điểm đến hàng đầu của cả nước và phát triển du lịch thông minh.
Niềm vui của hai cụ bà đi chợ sớm trên đường Quán Thánh trong những ngày tiết trời Thu dễ chịu của Hà Nội.
25 năm kể từ ngày đón nhận danh hiệu, y tế Hà Nội có bước phát triển vững chắc, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Trong ảnh: Phòng chiếu đèn cho trẻ sơ sinh mắc các bệnh lý về da của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Trường THCS Chu Văn An, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì - trường đạt chuẩn Quốc gia, được đầu tư xây dựng theo tiêu chí Nông thôn mới.
Quét mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cung cấp cho hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn.
Sản xuất mây tre đan xuất khẩu ở Phú Xuyên. Đây là nghề đem lại thu nhập và công việc ổn định cho lao động nông thôn Hà Nội.
Hà Nội hiện có 806 làng nghề và làng có nghề đang hoạt động, trong đó 313 làng nghề đã được công nhận và 56 làng nghề có thương hiệu và nhãn hiệu tập thể.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng thêu trên các sản phẩm, nhiều hộ trong làng nghề Cổ Chất, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín (Hà Nội) đầu tư máy móc tăng sản lượng, giảm nhân công lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Sau hơn 3 tháng đi vào vận hành, các tuyến xe buýt điện đầu tiên trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã hoạt động ổn định. Xe buýt chạy bằng 100% năng lượng điện, hoàn toàn không phát thải, không có mùi gây say xe và không gây ô nhiễm tiếng ồn đô thị.
Lĩnh vực kết cấu hạ tầng được Hà Nội ưu tiên đầu tư phát triển, hàng loạt công trình dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác. Trong ảnh: Cầu Nhật Tân - Cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam bắc qua sông Hồng được coi là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Sau 25 năm, Thủ đô đã có nhiều thay đổi, to đẹp hơn, khang trang hơn. Trong ảnh: Quận Hà Đông trên đường trở thành đô thị phát triển toàn diện của thành phố Hà Nội.
Hà Nội là nơi nhiều nguyên thủ các quốc gia trên thế giới thoải mái trải nghiệm không khí yên bình. Trong ảnh: Trong chuyến thăm Việt Nam, sáng 2/11/2023, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte đến một quán trên phố Điện Biên Phủ (Hà Nội), thưởng thức trà và nói chuyện với những người bạn Việt Nam.
Hà Nội là nơi mà nhiều nguyên thủy các quốc gia trên thế giới thoải mái trải nghiệm không khí yên bình. Trong ảnh: Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam, tối 23/5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến dùng bữa tối tại quán bún chả Hương Liên trên phố Lê Văn Hưu, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo người dân Thủ đô.
Hà Nội không chỉ là điểm đến an toàn, đáng tin cậy mà còn là "điểm hẹn" hấp dẫn các chính khách và bạn bè quốc tế. Trong ảnh: Đoàn xe đưa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un di chuyển qua Quảng trường Cách mạng Tháng Tám để đến gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, ngày 28/2/2019.
Ảnh: TTXVN