Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 18/2/2009 13:13'(GMT+7)

3 yếu tố quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Vatican

- Thưa ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, chúng tôi được biết trong các ngày 16 và 17-2 vừa qua, Đoàn đại diện Tòa thánh Vatican đã sang thăm và họp phiên đầu tiên Tổ chuyên gia hỗn hợp tại Việt Nam. Xin ông vui lòng cho biết quan hệ giữa hai bên từ trước tới nay?

- Như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, Đoàn đại diện Tòa thánh Vatican sang Việt Nam gồm 3 người do Đức ông P. Parolin, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh làm trưởng đoàn. Đây là chuyến thăm và làm việc chính thức lần thứ 16 của Đoàn đại diện Tòa thánh Vatican tại Việt Nam kể từ năm 1990. Tính đến tháng 6-2008, Đoàn đại diện Tòa thánh Vatican và Đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam đã gặp nhau 17 lần và lần này là lần thứ 18, trong đó có 2 lần tại Rôma (vào năm 1992 và 2005). Việc gặp gỡ giữa hai bên diễn ra hầu như thường niên theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Vatican từ năm 1990.

Tại cuộc gặp lần thứ 16 (tháng 3-2007) và lần thứ 17 (tháng 6-2008), hai bên đã thống nhất thành lập Tổ chuyên gia hỗn hợp của mỗi bên do một thứ trưởng ngoại giao dẫn đầu để bàn chuyên về thúc đẩy quan hệ hai bên. Những vấn đề cụ thể về lĩnh vực này được trao đổi trên cơ sở thông lệ quốc tế và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi bên.

Cuộc gặp lần này là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi hai bên thỏa thuận thành lập Tổ chuyên gia hỗn hợp. Ngoài việc bàn về quan hệ giữa Việt Nam và Vatican, hai bên đã trao đổi thêm về những vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam và những vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm vì về phương diện tôn giáo thì Giáo hội Công giáo Việt Nam là một bộ phận của Giáo hội Công giáo hoàn vũ, còn về phương diện xã hội thì Giáo hội Công giáo Việt Nam là một tổ chức tôn giáo đang hoạt động tại Việt Nam trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam. Do đó, những vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng là một trong những nội dung được đề cập đến trong cuộc gặp lần này.

- Như ông vừa nói, từ năm 1990 đến nay, hai bên đã có 17 lần trao đổi đoàn và lần gặp này là lần thứ 18. Xin ông cho biết những tiến triển đạt được qua 17 lần gặp gỡ trước và theo ông những yếu tố nào là quan trọng nhất góp phần thúc đẩy quan hệ hai bên?

- Tôi nghĩ rằng, thông qua những lần gặp, hai bên càng hiểu nhau hơn và thấy rằng việc tôn trọng những thỏa thuận có tính nguyên tắc giữa hai bên là cần thiết cũng như tôn trọng những vấn đề hai bên cùng quan tâm trao đổi trong những lần gặp. Cũng có thể khẳng định rằng đối thoại là phương thức thích hợp nhất, góp phần tạo ra môi trường thân thiện để hiểu nhau hơn và để cùng nhau giải quyết những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm vì lợi ích chung và của mỗi bên. Vì vậy, về cơ bản qua các lần gặp hai bên đều thấy hài lòng.

Như chúng ta đã biết, ngày 25-1-2007, tại Tòa thánh Vatican đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Giáo hoàng Benedicto 16 và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Đây chính là minh chứng của chính sách đối ngoại và chính sách tôn giáo đúng đắn của Nhà nước Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước và cũng là kết quả của phương thức và quá trình đối thoại mà hai bên đã cùng nhau thực hiện từ năm 1990 đến nay. Thông qua việc duy trì đối thoại và với những kết quả đạt được thông qua con đường đối thoại đã tạo cơ hội cho hai bên có điều kiện xích lại gần nhau hơn, sự hiểu biết lẫn nhau ngày một tăng lên theo thời gian và kết quả đạt được cũng từng bước mang ý nghĩa tích cực hơn.

Tính đến chuyến thăm lần thứ 15 tại Việt Nam, Đoàn Vatican đã thăm toàn bộ 26 giáo phận Công giáo ở Việt Nam. Qua các chuyến thăm, Đoàn Vatican đã cảm nhận được và xúc động về sự đón tiếp chu đáo của Chính phủ Việt Nam, các cơ quan Trung ương liên quan cũng như chính quyền các cấp nơi Đoàn đến thăm và những tình cảm đồng đạo chân thành mà chức sắc, giáo dân đạo Công giáo ở các giáo phận dành cho Đoàn. Đồng thời, phía Vatican cũng thông qua đó hiểu hơn về Giáo hội Công giáo Việt Nam và về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam. Có thể nói rằng những cuộc gặp gỡ ấy là tiền đề thuận lợi cho việc thúc đẩy quan hệ hai bên.

Theo tôi, những yếu tố quan trọng nhất góp phần thúc đẩy quan hệ hai bên, trước hết là sự tôn trọng lẫn nhau, trong đó có việc tôn trọng độc lập, chủ quyền, lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, pháp luật Việt Nam, vừa cùng chia sẻ và tôn trọng sự khác biệt, vừa cùng thể hiện tinh thần thiện chí để tìm ra những điểm đồng thuận mới.

Thứ hai, muốn có kết quả trong quan hệ thì phải bảo đảm sự hài hòa về lợi ích của mỗi bên.

Thứ ba, cả hai bên đều phải quyết tâm cùng nhau hướng tới sự phát triển một cách trong sáng và lành mạnh, trong đó việc duy trì và khẳng định đường hướng đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Không để bị tác động bởi những ý nghĩ và hành vi tiêu cực từ bất cứ phía thứ ba nào.

- Ông nhận định thế nào về cuộc gặp lần này và về tiến triển trong mối quan hệ giữa hai bên?

Như đã trình bày ở trên, 17 lần trao đổi đoàn đã mang lại những kết quả tích cực và thiết thực. Tuy đây là lần đầu tiên Tổ chuyên gia hỗn hợp của mỗi bên gặp nhau nhưng với những gì đã thu được từ quá trình gặp gỡ hai bên trong những năm qua và với thiện chí của cả hai bên cũng như kết quả ban đầu của cuộc gặp lần này chắc chắn sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho những bước tiếp theo trong những lần gặp sau.

- Xin cảm ơn ông!

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất