Uớc tính có 30.000 hộ dân với hơn 170.000 nhân khẩu ở 18 xã, phường ven biển Đà Nẵng sẽ bị mất nhà cửa do nước biển dâng cao khoảng 30cm vào năm 2040.
Đó là con số được đưa ra tại hội nghị triển khai kế hoạch đánh giá hiểm họa, khả năng và tình trạng dễ bị ảnh hưởng do tác động biến đổi khí hậu tại TP Đà Nẵng do Ban quản lý dự án giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu (HCVA) phối với với Tổ chức “Thách thức với thay đổi” (CtC, có trụ sở tại Anh) tổ chức ngày 6/5.
Theo nghiên cứu, ước tính có 30.000 hộ dân với hơn 170.000 nhân khẩu ở 18 xã, phường ven biển của Đà Nẵng sẽ bị mất nhà cửa do nước biển dâng cao khoảng 30cm vào năm 2040. Nước biển dâng cũng sẽ làm cho vùng đồng bằng ngập lụt sâu hơn và kéo dài thời gian hơn. Vì vậy, số lượng nhà dân vùng nông thôn bị ngập lụt sẽ tăng lên 40.000 nhà, mức độ thiệt hại sẽ tăng gấp đôi so với năm 1998.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến nhấn mạnh, thực tế những năm qua cho thấy, Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu. Thiên tai đã ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, lĩnh vực phát triển, mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
“Việc đối phó với biến đổi khí hậu dù bức thiết và cấp bách nhưng không thể mang tính nhất thời mà phải có sự chuẩn bị kỹ càng và lên kế hoạch cụ thể, từng bước đạt được từng mục tiêu, yêu cầu đặt ra và phải đồng nhất, phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược giảm thiểu thiên tai của quốc gia đến năm 2020” – ông Văn Hữu Chiến nói.
Dự án đánh giá tình trạng dễ bị ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu (HCVA) tại TP Đà Nẵng được triển khai từ ngày 6 – 23/5 ở hai phường Hoà Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) và Thọ Quang (quận Sơn Trà) là những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong các đợt thiên tai, bão lũ từ trước đến nay; sau đó sẽ tiếp tục nhân rộng ra các quận, huyện khác.
Theo ông Đặng Ngọc Điền, điều phối viên của CtC tại VN, mục tiêu đánh giá HCVA nhằm xác định những hiểm hoạ tiềm ẩn, khu vực, nhóm dân cư và các lĩnh vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhiều nhất. Đánh giá khả năng phòng ngừa, ứng phó và những kinh nghiệm thích ứng của địa phương. Phân tích tình trạng dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở đó sẽ đưa ra mô hình thích ứng, cung cấp cho Ban quản lý dự án nhu cầu nghiên cứu của địa phương. Đồng thời lập nguồn dữ liệu thông tin cơ bản cho việc quản lý rủi ro thảm hoạ dựa vào cộng đồng và lập kế hoạch thích ứng lồng ghép biến đổi khí hậu vào kế hoạch giảm nhẹ thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
(Theo VietNamNet)