Kể từ người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu ở Việt Nam vào năm 1990, đến nay, nước ta đã trải qua 30 năm ứng phó với HIV/AIDS.
Chia sẻ về những thành tựu chính đã đạt được, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS ccho biết, trong những năm qua, hệ thống văn bản phòng, chống HIV/AIDS được hoàn thiện; hệ thống phòng, chống HIV/AIDS qua từng thời kỳ ngày càng phát triển; các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV đổi mới, đa dạng; hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV được mở rộng; công tác điều trị ARV đạt chất lượng hàng đầu thế giới; Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt hiệu quả cao; Cơ chế tài chính đổi mới, bền vững và giảm số nhiễm HIV mới, tử vong.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS còn gặp nhiều vấn đề khó khăn như hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi; xuất hiện các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV mới. Trong đó, nhóm quan hệ đồng giới nam đang được cảnh báo là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS có nhiều sự thay đổi, thiếu tại các tuyến, đặc biệt là tuyến tỉnh, huyện do việc thành lập, sát nhập Trung tâm kiểm soát bệnh tật. Một số cán bộ đã được các chương trình, dự án HIV/AIDS đào tạo nay chuyển công tác khác. Việc khó khăn về tài chính cũng gây trở ngại, thách thức lớn bởi kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2005 – 2020 chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ quốc tế. Đến nay, nguồn kinh phí viện trợ đang bị cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp thiếu hụt này.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để có thế chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 với mục tiêu số người nhiễm HIV mới giảm dưới 1.000 trường hợp/năm vào năm 2030 và HIV/AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và của cộng đồng, do vậy Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành
Tháng hành động năm nay có nhiều hoạt động thiết thực với điểm nhấn là Hội nghị tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam kết hợp mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2020. Có khoảng 300 đại biểu khách mời dự trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Trong Tháng hành động, ngành chức năng tổ chức tặng quà cho trẻ em nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm chữa bệnh Giáo dục lao động xã hội số 2 (Ba Vì, Hà Nội).
Tại buổi gặp mặt, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng chia sẻ: Chiều 16-11, với 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2021, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Trước đó, ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới, trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Do vậy, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 là dấu mốc quan trọng để Việt Nam cùng các đối tác nhìn lại thành quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được trong 30 năm qua, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm quý báu.
Thảo Nguyên