Theo con số mà doanh nghiệp và nhà chức trách đưa ra, tính tới 15/3, vẫn
còn ít nhất 34 triệu thuê bao cần phải thực hiện cập nhật lại thông
tin.
Theo TTXVN, tại cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông với các nhà
mạng diễn ra chiều 10/4, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông
cho hay, các doanh nghiệp viễn thông đã tiến hành rà soát thông tin
thuê bao trong cơ sở dữ liệu của mình, trong đó các thuê bao có thông
tin chính xác không cần phải đi đăng ký lại thông tin thuê bao và bổ
sung ảnh chụp.
Tuy nhiên, với các thuê bao có thông
tin còn thiếu, chưa chính xác, chưa có bản chụp chứng minh thư nhân dân
trong cơ sở dữ liệu hoặc thông tin trên bản chụp chứng minh thư khác với
thông tin trong bản khai, bản chụp chứng minh thư có dấu hiệu bị làm
giả… đều phải cung cấp lại thông tin thuê bao và bổ sung ảnh chụp.
Theo con số mà doanh nghiệp và nhà
chức trách đưa ra, tính tới 15/3, vẫn còn ít nhất 34 triệu thuê bao cần
phải thực hiện cập nhật lại thông tin.
“Theo phản ánh của doanh nghiệp, nhiều
khách hàng chưa nhận rõ được tầm quan trọng của việc có thông tin thuê
bao đầy đủ, chính xác nên dù nhận được tin nhắn của nhà mạng cũng như
giải thích của nhân viên doanh nghiệp nhưng vẫn không hợp tác,” ông
Trung nói.
Tại cuộc họp, vấn đề có cần ảnh chụp
hay không cũng được đưa ra. Tuy nhiên, phía Cục Viễn thông cho hay,
không chỉ là thông tin đúng, mà phải đúng người sử dụng thuê bao. Để làm
như vậy, thông tin kê khai hay chứng minh thư nhân dân là không thể
chính xác, bởi chứng minh thư có thể đi mượn. Thậm chí, ở Thái Lan,
không chỉ yêu cầu ảnh chụp, thuê bao còn phải lấy cả dấu vân tay.
Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết,
hồi tháng 1, đơn vị này phối hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.
Kết quả cho thấy, việc mua bán SIM kích hoạt sẵn còn diễn ra phổ biến.
Điều này để thấy rằng, việc quản lý thông tin thuê bao còn khá lỏng lẻo.
Dừng thu hồi SIM kích hoạt sẵn
Về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên
các kênh phân phối, sau gần một năm triển khai, tổng số thuê bao có dấu
hiệu nghi vấn là 28 triệu. Sau đó, có khoảng 4 triệu SIM chủ thuê bao
đã đi đăng ký lại thông tin (sau khi nhận thông báo từ doanh nghiệp viễn
thông) hoặc đã bị hủy, khóa (do hết thời hạn sử dụng…) khiến tổng số
thuê bao bị khóa tài khoản, thu hồi là 24 triệu SIM.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển
khai, các tiêu chí về hành vi tiêu dùng đã bộc lộ nhiều hạn chế, dẫn đến
nhiều khiếu nại từ người sử dụng dịch vụ như thuê bao có thông tin đầy
đủ, hợp lệ nhưng ít sử dụng vẫn bị khóa trong khi SIM phát tán tin nhắn
rác với số lượng lớn (tiêu dùng vượt quá 3.000 đồng/tháng) lại không bị
chặn.
Bên cạnh đó, các đại lý, điểm bán SIM
đã nắm được lịch trình, tiêu chí cụ thể của việc lọc, khóa SIM và hoàn
toàn có thể tìm cách lách.
“Trên cơ sở đề nghị của các doanh
nghiệp viễn thông, giải pháp thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân
phối đã được dừng lại để doanh nghiệp tập trung triển khai quy định của
Nghị định 49,” đại diện Cục Viễn thông cho biết./.
Theo chinhphu.vn